Đổi mới sáng tạo, xây dựng tuyến du lịch
Hà Nội được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh trong Mạng lưới các Thành phố sáng tạo lĩnh vực thiết kế năm 2019. Hoạt động thiết kế sáng tạo đã trở thành một trong những giải pháp quan trọng để thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp văn hóa (CNVH) của Thủ đô. Các làng nghề truyền thống của Hà Nội đã và đang tham gia rất tích cực vào lĩnh vực thiết kế sáng tạo. Việc hai làng nghề gốm Bát Tràng (Gia Lâm) và lụa Vạn Phúc (Hà Đông) được UNESCO ghi danh là thành viên của Mạng lưới các Thành phố thủ công sáng tạo thế giới là động lực lớn cho các làng nghề nỗ lực hơn.
Cuối năm 2024, cùng với sản vật xôi Phú Thượng, quận Tây Hồ, áo dài Trạch Xá của Nghề may Trạch Xá, xã Trầm Lộng, huyện Ứng Hòa đã được Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Danh hiệu này nhằm ghi nhận sự nỗ lực của người thợ, người dân và chính quyền địa phương trong việc giữ gìn và phát triển nghề truyền thống quý báu.
Nghề may Trạch Xá là một trong 21 làng nghề của huyện Ứng Hòa được UBND TP Hà Nội công nhận. Được sự hỗ trợ của thành phố và Sở Công Thương Hà Nội hướng dẫn, huyện Ứng Hoà đã xây dựng và phát triển Trung tâm Thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch. Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thế Hiệp nhận định: “Mô hình này khi được công nhận sẽ hứa hẹn là nơi hội tụ các nhà thiết kế, các nghệ nhân làng nghề để quảng bá, giới thiệu, trình diễn cũng như sáng tạo những sản phẩm mang đặc trưng làng nghề như áo dài, cổ phục…, là điểm đến hấp dẫn thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế”.
Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Ngô Tiến Hoàng chia sẻ, việc được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia cũng như được hỗ trợ xây dựng không gian thiết kế sáng tạo, đã tiếp thêm động lực, khích lệ, nâng cao trách nhiệm của các cấp chính quyền, nhất là các nghệ nhân và người dân ở làng nghề. Huyện đang tập trung phát triển 2 tuyến du lịch kết hợp giữa di tích lịch sử văn hoá với làng nghề truyền thống để thu hút du khách tham quan trải nghiệm. Trong đó, cùng với làng nghề may áo dài Trạch Xá còn có làng nghề chẻ tăm hương Quảng Phú Cầu, nghề bún làng Bặt, nghề làm đàn Đào Xá (xã Đông Lỗ), dệt Hòa Xá…
Thủ công mỹ nghệ và ẩm thực Hà Nội là hai trong số 7 lĩnh vực được UNESCO xác định để ghi danh vào Mạng lưới các Thành phố sáng tạo nhằm giúp các làng nghề được nâng tầm giá trị, tăng cơ hội kết nối giao thương, thu hút du khách trong nước và quốc tế. Thành phố đã phê duyệt “Đề án tổng thể phát triển làng nghề trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2025-2030, tầm nhìn đến năm 2050”, trong đó đề ra mục tiêu đến năm 2030 công nhận mới ít nhất 10 nghề và 25 làng nghề, làng nghề truyền thống; phát triển 10 làng từ “làng nghề” lên “làng nghề truyền thống”; đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng và bảo tồn, phục dựng không gian văn hóa làng nghề, nhằm phát triển ít nhất 3 làng nghề gắn với du lịch, hình thành 10 điểm, tuyến du lịch làng nghề. Đây là kỳ vọng để chúng ta có thêm nhiều trung tâm sáng tạo từ các làng nghề trong tương lai gần.
Hiến kế khai thác hiệu quả sản vật địa phương
TS Tôn Gia Hóa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cho biết, sự trở lại của ngành du lịch cũng là một trong những động lực cơ bản thúc đẩy ngành thủ công mỹ nghệ. Với các chính sách phát triển mô hình du lịch làng nghề, ngành thủ công mỹ nghệ cũng được phục hồi tích cực cùng với sự gia tăng của khách du lịch nước ngoài. Để phát triển bền vững cho các làng nghề, cần nhiều nhóm giải pháp về các mặt kinh tế - xã hội, môi trường và thể chế. Trong đó cần khẩn trương xây dựng luật về làng nghề nhằm bảo tồn và phát triển vững chắc các cơ sở sản xuất trọng yếu trên cơ sở bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, mang đậm bản sắc dân tộc, đưa văn hóa Việt Nam hòa nhập với thế giới và tăng cường xuất khẩu.
PGS. TS Đặng Mai Anh, Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp nhấn mạnh đến việc cần chú trọng yếu tố văn hoá mang tính bản sắc ở mỗi sản phẩm thủ công mỹ nghệ, thu hút được người thưởng thức, được coi như một món quà lưu niệm đối với chuyến du lịch của du khách trong và ngoài nước trong mỗi chuyến đi. Bên cạnh đó, cần có sự quảng bá sản phẩm ở trong và ngoài nước, cần tham gia các hội chợ triển lãm lớn trên thế giới. Đồng thời cần tăng cường đổi mới, sáng tạo trong thiết kế mẫu mã sản phẩm đáp ứng thị hiếu khách hàng trong và ngoài nước là khâu quan trọng để tìm kiếm các đối tác kinh doanh.
Chuyên gia ngành thủ công mỹ nghệ Vũ Hy Thiều cho hay, ở các làng nghề đã xuất hiện xu hướng nghệ thuật hóa sản phẩm, vì vậy cần động viên lớp nghệ nhân trẻ say mê sáng tạo, phát triển nghề lên một bước mới với những sản phẩm có giá trị nghệ thuật, tăng thu nhập và nâng cao đời sống của người thợ thủ công.
GS Từ Thị Loan, Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam góp ý, để phát triển làng nghề, khai thác tiềm năng dồi dào của sản vật địa phương, ở Hà Nội hay bất cứ vùng miền nào, Nhà nước cũng phải giữ vai trò chủ đạo trong chính sách về phát triển cơ sở hạ tầng, vì nếu không có giao thông tốt, thuận tiện cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa sẽ làm đổ vỡ chuỗi cung ứng.
Từ đầu năm 2025, một chương trình truyền hình thực tế có tên “Về quê làm giàu” mời đông đảo nghệ sĩ về tận mọi vùng quê cùng tham gia livestream quảng bá sản vật địa phương đã nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân. Không chỉ người dân, các nghệ sĩ cũng vô cùng hào hứng, bởi trong bối cảnh đời sống công nghệ phát triển, thị trường livestream bán hàng bùng nổ, sản vật địa phương không quảng bá, tiếp cận được khách hàng theo cách này là một thiệt thòi lớn, nên họ rất muốn đóng góp sức mình giúp đỡ người dân. Livestream bởi những người nổi tiếng có nhiều lợi ích kép: Vừa bán được sản vật, vừa quảng bá được hình ảnh của làng nghề… Từ sáng kiến này nhiều chuyên gia cho rằng, cần có động thái từ cấp chính quyền trong việc đào tạo, hướng dẫn, thành lập mạng lưới hỗ trợ, giúp sức người dân quảng bá, tiêu thụ sản phẩm qua mạng xã hội, đây cũng là xu hướng kinh doanh của thời đại.
Theo Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu, ngày nay thương mại điện tử lên ngôi, việc mua sắm online đã trở thành thói quen tiêu dùng của nhiều người. Đây vừa là cơ hội vừa là thách thức đối với việc tiêu thụ các sản vật ở các địa phương. Về cơ hội, Thành phố và Trung ương đã tạo mọi điều kiện cho các làng nghề phát triển thì nội tại các cơ sở, người làm nghề cũng phải chủ động, từ thiết kế, sản xuất sản phẩm đẹp, chất lượng cao...
Hà Nội cũng đang từng bước giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, duy trì và tạo ra bản sắc cho mình. Khai thác giá trị truyền thống, phát triển sản vật địa phương là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên nền tảng vững chắc để xây dựng “Thành phố sáng tạo”, phát triển công nghiệp văn hóa, xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp mà vẫn giữ được bản sắc của Thăng Long - Hà Nội ngàn năm.
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/bai-cuoi-hien-ke-nang-tam-de-phat-trien-a207660.html