Ngày 2/4 (theo giờ Mỹ), Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức công bố chính sách thuế quan mới, áp dụng mức thuế cơ bản 10% đối với toàn bộ hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ. Đáng chú ý, Việt Nam nằm trong nhóm quốc gia chịu mức thuế cao nhất, lên tới 46%.
Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam đạt 62,5 tỷ USD, trong đó cơ cấu xuất khẩu sang chiếm tới 21,6%.
Đặc biệt, Mỹ là thị trường tiêu thụ gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam, chiếm 55,5% tổng kim ngạch xuất khẩu ngành này, đạt 16,2 tỷ USD trong năm 2024. Đồng thời, Mỹ cũng nhập khẩu 18,5% tổng kim ngạch thủy sản của Việt Nam, tương đương 10,07 tỷ USD.
Việc Mỹ áp thuế 46% có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều ngành mũi nhọn trong nông nghiệp Việt Nam, đăc biệt khi đây đang là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT) Phùng Đức Tiến đã trao đổi với phóng viên về tác động của chính sách thuế mới cũng như giải pháp ứng phó của Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến.
Kịch bản ứng phó cho xuất khẩu nông sản
Người Đưa Tin (NĐT): Bộ Nông nghiệp và Môi trường đánh giá tác động của mức thuế 46% mà Mỹ áp lên hàng hóa Việt Nam như thế nào?
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Năm 2024, xuất khẩu nông sản sang Mỹ đạt 13,8 tỷ USD, đứng đầu trong cơ cấu hơn 300 thị trường của Việt Nam, tiếp theo là Trung Quốc với 13,6 tỷ USD.
Trước đây, Việt Nam đã vượt qua nhiều rào cản thương mại của Mỹ, bao gồm quy định chống bán phá giá và yêu cầu tương đương về chất lượng. Tuy nhiên, với mức thuế mới, xuất khẩu nông sản sang Mỹ sẽ bị ảnh hưởng nhất định.
Dù vậy, chúng ta vẫn cần giữ vững chiến lược "dĩ bất biến, ứng vạn biến", tập trung cho sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng và giảm giá thành để tăng sức cạnh tranh. Đồng thời, Việt Nam sẽ tiếp tục làm việc với các cơ quan quản lý của Mỹ.
Bên cạnh đó, một trong những hướng đi quan trọng là đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và đáp ứng các tiêu chuẩn của Mỹ.
Trước tác động từ chính sách thuế quan mới của Mỹ, Thứ trưởng Bộ NN&MT nhấn mạnh ngành nông nghiệp cần vừa nâng cao sản xuất, vừa đa dạng hóa thị trường không để phụ thuộc vào một đối tác duy nhất.
Mặt khác, chúng ta phải mở rộng thị trường, không phụ thuộc vào một thị trường. Ví dụ, thị trường Trung Quốc cũng đứng thứ 2, nếu quan hệ Việt Nam và Trung Quốc ổn định thì còn rất nhiều mặt hàng chúng ta có thể xuất sang Trung Quốc. Điều này càng đặc biệt khi chúng ta đã ký một số nghị định về sầu riêng đông lạnh; động vật tiêm vắc-xin giảm bị đông máu ví dụ cá sấu, khỉ, và rất nhiều đối tượng khác, cả những người trồng trọt, thuỷ sản.
Chúng ta có thể xuất khẩu mạnh vào thị trường lớn khác nhưng cũng phải tập trung vào sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ theo tinh thần Nghị quyết 57, để nâng cao giá trị, năng suất, chất lượng, hạ giá thành, đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn của thị trường Mỹ và mở rộng các thị trường khác cũng rất nhiều tiềm năng với nông sản Việt Nam.
NĐT: Chúng ta từng dự báo Mỹ có thể áp thuế 10%, nhưng thực tế con số lên đến 46%. Điều này có khiến mục tiêu xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm nay phải điều chỉnh?
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Bộ đặt mục tiêu tăng trưởng 4% cho năm 2025 và hết quý I, chúng ta đã đạt 3,69%. Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đặt mục tiêu 64-65 tỷ USD, trong đó quý I đã đạt 15,72 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, với diễn biến mới từ Mỹ, cần đánh giá lại và triển khai các giải pháp phù hợp để duy trì đà tăng trưởng. Các ngành hàng cần điều chỉnh chiến lược sản xuất, xuất khẩu để đáp ứng tình hình mới.
Giải pháp nào cho ngành thủy sản?
NĐT: Thủy sản là một trong những ngành chịu tác động trực tiếp từ chính sách thuế mới của Mỹ. Ngành này cần có phương án gì để thích ứng?
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Hiện xuất khẩu thủy sản sang Mỹ đạt trên 300 triệu USD trong 3 tháng đầu năm 2025, trong khi các thị trường khác như châu Âu cũng chiếm tỉ trọng lớn.
Chúng ta cần rà soát lại cơ cấu ngành hàng, đặc biệt là cá tra và tôm – hai sản phẩm xuất khẩu chủ lực. Hiện tôm có sản lượng 1,3 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu 4,3 tỷ USD; cá tra đạt 1,65 triệu tấn, giá trị trên 2 tỷ USD.
Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt với Ấn Độ, Ecuador…, Việt Nam cần đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng để duy trì vị thế tại Mỹ.
Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt với Ấn Độ, Ecuador…, Việt Nam cần đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng để duy trì vị thế tại Mỹ. Điều này bao gồm: Tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về an toàn thực phẩm, kim loại nặng, vi sinh vật và kháng sinh; Tăng năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng con giống. cải thiện chuỗi sản xuất cá tra, đáp ứng nhu cầu 4,5 tỷ con giống tại Đồng bằng sông Cửu Long; mở rộng thị trường sang Trung Quốc, châu Âu và các nước tiềm năng khác.
Tóm lại, với những thay đổi về thuế nhập khẩu của Mỹ, Việt Nam cần có chiến lược linh hoạt và chủ động để giảm thiểu tác động tiêu cực, đồng thời tìm kiếm cơ hội từ các thị trường khác nhằm đảm bảo mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trong năm 2025.
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/my-ap-thue-den-46-dau-la-huong-di-cho-nong-san-viet-a208443.html