Khi scandal trở thành công cụ truyền thông

Những ngày qua, mạng xã hội Việt Nam không ngừng "dậy sóng" bởi những đoạn tin nhắn, clip, status úp mở xoay quanh chuyện tình cảm tan vỡ của một streamer đình đám tên V. – và những cô gái có liên quan.

Từ một câu chuyện mang tính cá nhân, hàng loạt nhân vật lần lượt lên tiếng, bóc phốt, phản bác, phản dame, kéo theo hàng nghìn lượt chia sẻ, hàng trăm bài phân tích, và một làn sóng công kích từ phía cộng đồng mạng. Nhưng điều đáng nói không phải là chuyện tình cảm đúng – sai, mà là cách cộng đồng đang bị cuốn vào một vở diễn được dựng nên khéo léo để câu tương tác.

Tôi gọi đó là một dạng "giải trí mang danh đạo đức", nơi công chúng hả hê khi đứng về phe chính nghĩa, sẵn sàng thả phẫn nộ, report, hay đào lại quá khứ để chỉ trích người khác, mà đôi khi quên mất rằng chính mình đang bị dắt mũi vào một màn kịch đậm tính khai thác cảm xúc.

Không dừng lại ở đó, một bài rap mới được nữ rapper P. tung ra đúng thời điểm ồn ào nhất, khiến nhiều người không khỏi đặt câu hỏi: Liệu đây có phải là sản phẩm âm nhạc xuất phát từ sáng tạo hay là một bước đi tính toán để hưởng lợi từ drama?

Cái được sau ồn ào là rõ ràng: P. ra bài nhạc đứng top 1 trending suốt nhiều ngày, N.K. – người từng là bạn gái của V. – tăng hàng trăm nghìn lượt theo dõi. Riêng V., dù hình ảnh có phần bị xói mòn, nhưng lại thu về nguồn thu nhập không nhỏ từ chính các buổi livestream nhiều lượt donate. Người mất nhiều nhất, có lẽ chính là cư dân mạng – những người mất ăn mất ngủ theo dõi từng diễn biến, tranh cãi từng câu chữ, thậm chí bỏ tiền túi donate để cổ vũ cho một màn kịch mà điểm dừng từ đầu đã được tính toán. 

Đáng lo hơn, không ít phụ huynh và chuyên gia tâm lý đã bày tỏ lo ngại khi những quan điểm yêu đương lệch chuẩn, thiếu trách nhiệm mà V. bày tỏ trên sóng livestream có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tư duy tình cảm của giới trẻ. Khi những phát ngôn như "yêu là thử nghiệm" hay "đàn ông có quyền lựa chọn nhiều hơn" được tung hô, lan truyền mà không qua kiểm chứng giá trị đạo đức, thì hệ quả xã hội không còn dừng ở một vụ drama giải trí nữa.

Khi scandal trở thành công cụ truyền thông- Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Chúng ta đang chứng kiến một thời kỳ mà scandal trở thành công cụ truyền thông, nơi bóc phốt trở thành chiêu thức định vị cá nhân, và sự riêng tư bị biến thành tài sản chung của đám đông để phân tích, giễu nhại, công kích hoặc tung hô.

Điều đáng lo không chỉ là sự xâm lấn ranh giới giữa thật – giả, riêng tư – công khai, mà còn là việc ngày càng nhiều người trẻ học theo mô hình này. Họ hiểu rằng chỉ cần một status tố ai đó, một đoạn clip khóc lóc, hay một câu chuyện tổn thương là đủ để hút hàng trăm nghìn lượt tương tác. Và trong khi khán giả tưởng mình đang đứng về phe đúng, họ thực ra chỉ là công cụ khuếch đại cho một chiến dịch truyền thông không tên.

Tôi cho rằng đã đến lúc cần lên án mạnh mẽ xu hướng bóc phốt để trục lợi. Mạng xã hội là nơi thể hiện quan điểm, nhưng không nên trở thành đấu trường để ai đó lấy đám đông làm vũ khí cá nhân. Bên cạnh đó, cũng đến lúc công chúng Việt nên khắt khe hơn với những người được gọi là "người nổi tiếng". Danh xưng ấy không thể trao đi dễ dàng chỉ vì họ có nhiều người theo dõi hay biết cách tạo drama. Một idol, một nghệ sĩ thực thụ, phải có trách nhiệm với lời nói, hành vi và tác động của mình đối với cộng đồng.

Chúng ta có thể học hỏi cách Hàn Quốc hay Trung Quốc xử lý những nghệ sĩ vướng lùm xùm: phong sát, rút hợp đồng, chấm dứt hợp tác thương mại. Nghe có vẻ khắt khe, nhưng chính điều đó giúp nghệ sĩ nước họ giữ được hình ảnh, giữ chuẩn mực, và đặc biệt, giữ vai trò làm gương cho người trẻ. Ví dụ, ở Trung Quốc, nữ diễn viên P.B.B bị phong sát sau khi vướng scandal trốn thuế lên tới hơn 100 triệu USD. Tên tuổi, hình ảnh, và cả những hợp đồng quảng cáo của cô đều bị gỡ bỏ khỏi truyền thông. Cũng tại Trung Quốc, ca sĩ – diễn viên N.D.P từng là ngôi sao hạng A nhưng đã bị kết án 13 năm tù giam vì hành vi hiếp dâm và quan hệ tình dục tập thể với nhiều cô gái trẻ. Sau phiên toà, anh không chỉ bị tước mọi hợp đồng thương mại mà còn bị trục xuất khỏi Trung Quốc – một hình phạt cho thấy sự quyết liệt của nhà chức trách và phản ứng cứng rắn từ công chúng. Tên tuổi, hình ảnh, và cả những hợp đồng quảng cáo của cô đều bị gỡ bỏ khỏi truyền thông. Ở Hàn Quốc, nữ ca sĩ I. – người đang làm dậy sóng truyền hình qua bộ phim lấy đi quá nhiều nước mắt người xem - từng bị công chúng yêu cầu hạn chế hoạt động sau nghi vấn đạo nhạc và lời bài hát gây tranh cãi – dù không bị kết luận vi phạm pháp luật, nhưng cô vẫn lên tiếng xin lỗi và chủ động rút lui khỏi nhiều sự kiện lớn trong thời gian dài. Những án phạt không khoan nhượng đó thể hiện rõ tiêu chuẩn khắt khe mà công chúng đặt ra với nghệ sĩ, và là bài học đắt giá cho những ai muốn dùng danh tiếng để lách qua chuẩn mực đạo đức.

Bản thân tôi nhận thấy những chuyển biến tích cực: công chúng Việt đã bắt đầu phản ứng mạnh với những nghệ sĩ sai phạm. Không ít người từng được yêu mến đã bị khán giả quay lưng khi bị phát hiện kêu gọi từ thiện nhưng không thực hiện đúng cam kết, lảng tránh minh bạch tài chính, hoặc biến những lời kêu gọi xúc động thành công cụ đánh bóng tên tuổi. Như vụ kẹo rau củ, hay nghệ sĩ đi xe cứu thương vào thảm đỏ – mạng xã hội đã thể hiện vai trò phản biện xã hội rõ rệt. Tuy nhiên, sự khắt khe này vẫn chưa đồng đều. Trong vụ của V., có lẽ do hình ảnh thân thiện lâu năm, hay do chiến lược phản ứng truyền thông thông minh, mà công chúng lại dễ dãi hơn rất nhiều.

Giữa một thế giới mạng đầy nhiễu loạn, hy vọng chúng ta – những người dùng – không dễ dàng bị dẫn dắt bởi cảm xúc. Hãy tỉnh táo, đừng để mình bị lợi dụng làm công cụ truyền thông cho bất kỳ ai. Và nếu có thể, hãy yêu cầu nhiều hơn từ những người mình gọi là "idol".

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Hiệu ứng... một ngón tayHiệu ứng... một ngón tay

Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/khi-scandal-tro-thanh-cong-cu-truyen-thong-a208731.html