Thành phố Đà Nẵng đã quy hoạch các quỹ đất sạch hơn 16 ha, có khả năng mở rộng thêm 62 ha để phục vụ phát triển trung tâm tài chính - Ảnh: VGP/Nhật Anh
Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng cho biết, thực hiện Thông báo kết luận số 47-TB/TW ngày 15/11/2024 của Bộ Chính trị về xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam, Thành phố đã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng và phát triển Trung tâm tài chính Đà Nẵng, đồng thời chỉ đạo các cơ quan chức năng tích cực phối hợp với Bộ Tài chính tham mưu xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về Trung tâm tài chính tại Việt Nam.
Thực hiện chủ trương trên, Thành phố đã quy hoạch các quỹ đất sạch hơn 16 ha bảo đảm kết nối, hạ tầng để thiết kế chức năng văn phòng, cung cấp các dịch vụ nghỉ dưỡng, hội nghị, giải trí, có khả năng mở rộng thêm 62 ha. Đây là không gian lõi, được tập trung nguồn lực phát triển trung tâm tài chính, có thể điều chỉnh mở rộng.
Bên cạnh đó, Thành phố cũng đang xây dựng Đề án phát triển không gian trên biển để xây dựng trung tâm tài chính, khu thương mại tự do với quy mô trên 1.000 ha.
Thành phố đang triển khai các nhiệm vụ về thu hút đầu tư vào kết cấu hạ tầng khu trung tâm tài chính, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là bộ máy quản lý trung tâm tài chính; thành phố sẽ lựa chọn đội ngũ cán bộ, giảng viên để cử đi đào tạo, thực tập tại một số trung tâm tài chính lớn.
Thường trực Thành ủy Đà Nẵng cho biết lãnh đạo thành phố đã có các chuyến công tác tại Thụy Sĩ, UAE và Singapore, làm việc với các tổ chức, định chế, quỹ đầu tư tài chính để trao đổi về phát triển trung tâm tài chính theo hướng đổi mới sáng tạo, phát triển tài sản mã hóa, tham vấn chính sách thu hút đầu tư, tìm hiểu kinh nghiệm quá trình xây dựng, quản lý và vận hành trung tâm tài chính.
Trên cơ sở đó, đã kiến nghị, đề xuất một số nội dung tại dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về Trung tâm tài chính tại Việt Nam. Theo đó, Thành phố đề xuất được áp dụng Luật thông lệ Anh để điều chỉnh các hoạt động tài chính, thương mại trong phạm vi trung tâm tài chính; cho phép thí điểm giao dịch trong trung tâm tài chính các tài sản mã hóa, thí điểm giao dịch, thanh toán một số dịch vụ du lịch, thương mại bằng tiền mã hóa...
"Chúng ta cần có tư duy, quan điểm vượt qua các quy định hiện nay để thể chế hóa tại Nghị quyết của Quốc hội với các cơ chế đặc thù, đột phá như áp dụng Luật thông lệ Anh trong phạm vi trung tâm tài chính, hay cơ chế thuê trọng tài quốc tế…Như vậy, trung tâm tài chính Việt Nam mới tham gia vào sân chơi chung của tài chính thế giới", Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng đề nghị.
Theo các chuyên gia, trung tâm tài chính Đà Nẵng cần tập trung vào dịch vụ tài chính xanh, trong đó có việc giao dịch tín chỉ carbon từ rừng - Ảnh: VGP/Nhật Anh
Tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng vừa qua, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình cho rằng để tránh xung đột với định hướng phát triển trung tâm tài chính tại TP. Hồ Chí Minh và tránh trùng lặp với mô hình của Singapore và UAE, hướng đi của trung tâm tài chính Đà Nẵng phải là tài chính xanh, kinh tế số.
"Điều kiện tiên quyết của trung tâm tài chính là khả năng kết nối toàn cầu chứ không phải làm cho toàn cầu, nếu chọn đúng con đường của Singapore và UAE sẽ không thể cạnh tranh với các trung tâm tài chính này", Phó Thủ tướng lưu ý.
Về lộ trình, Phó Thủ tướng đề nghị TP. Đà Nẵng khẩn trương phối hợp với các bộ, ngành Trung ương để triển khai các công việc về phát triển trung tâm tài chính tại Việt Nam theo thông báo kết luận số 47-TB/TW ngày 15/11/2024 của Bộ Chính trị. Cùng với Nghị quyết của Chính phủ, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng cần xây dựng nghị quyết riêng về trung tâm tài chính.
"Thành phố cần tiếp tục tham vấn ý kiến chuyên gia, lựa chọn hướng đi riêng trong phát triển trung tâm tài chính để đưa vào Nghị quyết của Ban Thường vụ. Con đường của trung tâm tài chính Đà Nẵng phải khác với TP. Hồ Chí Minh nhằm tránh xung đột, cạnh tranh nhau. Phát triển trung tâm tài chính không chỉ làm một vài tòa nhà là xong mà phải xây dựng cả hệ sinh thái huy động tài chính cho kinh tế xanh, kinh tế số", Phó Thủ tướng lưu ý.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng đề nghị TP. Đà Nẵng khẩn trương chuẩn bị về hạ tầng, thu hút nhân lực, chuyên gia về tài chính quốc tế; đồng thời chuẩn bị đội ngũ nhân lực để cử đi đào tạo, bồi dưỡng tại các trung tâm tài chính thế giới. Ngoài chính sách của Trung ương, Đà Nẵng cũng cần có cơ chế, chính sách đặc thù ưu đãi thuộc thẩm quyền của Thành phố để mời gọi các nhà đầu tư đến với Đà Nẵng.
Nhật Anh
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/da-nang-can-lua-chon-huong-di-rieng-trong-phat-trien-trung-tam-tai-chinh-a208969.html