Nâng tầm vị thế của Việt Nam trong mạng lưới tài chính toàn cầu
Chiều 17/4, tiếp tục Phiên họp thứ 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam.
Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, từ cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn trong nước và quốc tế thì việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam là hết sức cần thiết.
Việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về Trung tâm tài chính quốc tế với các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội nhằm mục đích hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để xây dựng và phát triển Trung tâm tài chính quốc tế, đặt tại Tp.Hồ Chí Minh và Đà Nẵng trở thành Trung tâm tài chính quốc tế hàng đầu, vận hành theo các chuẩn mực quốc tế tiên tiến, kết nối với các thị trường và trung tâm tài chính lớn trên thế giới. Qua đó nâng tầm vị thế của Việt Nam trong mạng lưới tài chính toàn cầu.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng (Ảnh: Media Quốc hội).
Đồng thời, thúc đẩy tài chính bền vững, khuyến khích phát triển các sản phẩm tài chính xanh, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Tạo điều kiện liên kết các sàn giao dịch trong nước với quốc tế, thúc đẩy dòng vốn và công nghệ tài chính vào Việt Nam.
Thu hút và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyên gia trong nước và nước ngoài trong các lĩnh vực tài chính và dịch vụ hỗ trợ vào làm việc tại Trung tâm tài chính quốc tế.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về Trung tâm tài chính quốc tế dự kiến gồm 6 Chương và 36 Điều.
Trong đó, dự thảo Nghị quyết quy định một số thủ tục hành chính cần thiết để thực thi các cơ chế, chính sách đặc thù trong việc vận hành, phát triển Trung tâm tài chính quốc tế.
Nội dung các thủ tục hành chính được quy định theo hướng đơn giản, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các tổ chức, cá nhân tham gia vào phát triển Trung tâm tài chính quốc tế.
Ngoài ra, để phù hợp với chủ trương tiếp tục đẩy mạnh phân quyền, phân cấp giữa cơ quan nhà nước ở Trung ương với cơ quan Nhà nước ở địa phương, dự thảo Nghị quyết quy định cho phép: Chính phủ được ban hành nghị định xử lý các vấn đề phát sinh khác với luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Cơ quan điều hành, Cơ quan giám sát được ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Cơ quan điều hành được quyết định sử dụng vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách địa phương để hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người lao động làm việc tại Trung tâm tài chính quốc tế.
Nên quy định những nội dung đã rõ, mang tính ổn định cao
Thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi cho biết, hồ sơ Dự thảo Nghị quyết cơ bản đủ điều kiện trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9.
Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính đề nghị đánh giá cụ thể hơn cả về mặt tích cực và cả những thách thức, mức độ rủi ro, khả năng quản lý rủi ro; làm rõ hơn tác động khi có Trung tâm tài chính quốc tế; những kinh nghiệm quốc tế phù hợp để vận dụng vào thực tế Việt Nam.
Thẩm tra tính đầy đủ, bao quát, Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính đề nghị Cơ quan soạn thảo làm rõ: Với các nhóm chính sách như tại Dự thảo đã đủ tiền đề để tạo lập khuôn khổ pháp lý cho hình thành và vận hành Trung tâm tài chính quốc tế hay chưa.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi (Ảnh: Media Quốc hội).
Các quy định đã đủ sức nặng, sức hấp dẫn, bảo đảm tính cạnh tranh chưa; Đâu là những chính sách được coi là vượt trội, khác biệt riêng có của Việt Nam.
Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính nhận thấy, vận hành Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam là vấn đề mới ở Việt Nam. Do vậy, Nghị quyết chỉ nên quy định những vấn đề chung, mang tính nguyên tắc và những nội dung đã rõ, mang tính ổn định cao.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo thẩm quyền ban hành hướng dẫn cụ thể để bảo đảm tính linh hoạt, kịp thời.
Phân cấp cho 2 thành phố những nội dung gắn với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn địa phương, bảo đảm quyền chủ động, linh hoạt, sáng tạo theo pháp luật.
Về thẩm quyền thành lập và việc thành lập 1 Trung tâm tài chính quốc tế đặt tại 2 thành phố, dự thảo Nghị quyết chưa quy định rõ ràng cơ quan có thẩm quyền quyết định thành lập Trung tâm tài chính quốc tế.
Điều 8 của Dự thảo Luật chỉ quy định chung chung: "Chính phủ ban hành Nghị định về thành lập Trung tâm tài chính quốc tế". Vì vậy, thường trực Ủy ban đề nghị quy định rõ theo hướng: Quốc hội chỉ quyết định chủ trương và ban hành Nghị quyết về chủ trương thành lập Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam theo tinh thần Kết luận số 47 của Bộ Chính trị. Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành Quyết định thành lập Trung tâm tài chính quốc tế tại Tp.Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.
Đối với việc thành lập 1 Trung tâm tài chính quốc tế đặt tại 2 thành phố, Thường trực Ủy ban đề nghị cơ quan soạn thảo báo cáo rõ hơn về căn cứ, cơ sở để đề xuất mô hình mới khác với Kết luận 47 của Bộ Chính trị.
Làm rõ mô hình, mối quan hệ, tính độc lập giữa 2 cơ sở đặt ở 2 nơi; cơ quan quản lý Nhà nước đối với 2 cơ sở này.
Căn cứ vào đặc điểm riêng biệt của mỗi thành phố (Tp.Hồ Chí Minh và Đà Nẵng), Nghị quyết có thể quy định chính sách chung, nhưng tại các văn bản dưới luật cần có quy định tương ứng để phát huy tiềm năng, thế mạnh riêng biệt của mỗi cơ sở.
Trong tổ chức thực hiện, cần nâng cao hiệu quả quản lý, kiểm soát để bảo đảm cạnh tranh lành mạnh…
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/danh-gia-cu-the-thach-thuc-rui-ro-khi-co-trung-tam-tai-chinh-quoc-te-tai-viet-nam-a210381.html