GỠ BẪY, GIẢI CỨU HÀNG TRĂM ĐỘNG VẬT HOANG DÃ
Mỗi chuyến tuần tra, các kiểm lâm viên tại VQG Vũ Quang phải đi sâu trong rừng từ 6 - 10 ngày. Thách thức băng rừng, vượt ghềnh thác không thể ngăn cản được họ bảo vệ rừng, tháo gỡ hàng ngàn chiếc bẫy, giải cứu hàng trăm loài thú.
Đặt bẫy ảnh
Chúng tôi ngược sông Ngàn Trươi, nơi có Vườn Quốc gia (VQG) Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh, một trong 32 khu rừng đặc dụng có tính đa dạng sinh học cao nhất toàn quốc. Sau một quãng đường đi ca nô, chúng tôi đặt chân đến Trạm Kiểm lâm Cò nằm lưng chừng dốc, khá cheo leo.
Dưới hơi nóng hầm hập đổ xuống căn nhà làm việc bằng gỗ cũ kỹ, anh Đinh Trọng Hoàng, cán bộ Phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế, VQG Vũ Quang, vẫn chăm chú với công việc tổng hợp hình ảnh, báo cáo từ phiếu ghi dữ liệu tuần tra bảo vệ rừng và giám sát đa dạng sinh học của các tổ bảo vệ rừng địa phương.
Con đường tuần tra vô cùng gian nan, thử thách.
Được biết, Dự án hỗ trợ kỹ thuật quản lý rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC) từ tháng 11/2022 đến năm 2024 đã giúp VQG Vũ Quang lắp đặt được gần 200 bẫy ảnh. Bẫy ảnh là công cụ quan trọng cho kiểm lâm viên, cũng là bằng chứng chân thực, sinh động cung cấp dữ liệu cho khảo sát nghiên cứu, đánh giá, lan truyền đa dạng sinh học VQG Vũ Quang.
Gần đây, qua bẫy ảnh, VQG Vũ Quang đã phát hiện nhiều loài động vật đáng chú ý như: mang lớn; mang Trường Sơn; thỏ vằn; cầy vằn; sơn dương; gà lôi trắng; gà tiền mặt vàng; cầy gấm; mèo gấm; voi; khỉ mốc; khỉ vàng; khỉ đuôi lợn; khỉ mặt đỏ…
Bẫy ảnh phát hiện thêm nhiều loài động vật quý hiếm tại VQG Vũ Quang.
Anh Hoàng là cán bộ đã có hơn 10 năm công tác với nhiệm vụ đặt bẫy ảnh, tìm dấu chân thú trên cánh rừng nguyên sinh. Với hệ thống giám sát SMART, các dữ liệu về hoạt động tuần tra bảo vệ rừng (số đợt tuần tra, thời gian, địa điểm tuần tra…), phát hiện các dấu hiệu động vật, hành vi vi phạm được thể hiện cụ thể ở từng vị trí trên bản đồ khu bảo tồn.
Anh Hoàng kể lại cho chúng tôi nghe về những cuộc tuần tra đầu tiên, khi anh là người trực tiếp cùng đồng nghiệp thực hiện công việc này. Chỉ đơn thuần những ký hiệu, nhưng mỗi tập phiếu ghi là thành quả của rất nhiều chuyến đi, có lúc kéo dài cả tuần trong rừng sâu.
Cầm trên tay chiếc bẫy ảnh, anh Hoàng nói, mỗi chuyến đi rừng ít nhất 9 ngày, nhiều thì 15 ngày mới về đơn vị. Bởi hành trang mỗi người mang theo chỉ đủ chừng ấy thời gian sinh sống ở rừng trong điều kiện khắc nghiệt.
Một điểm bẫy ảnh được các kiểm lâm viên VQG Vũ Quang gắn tại rừng.
Hành trang mang theo của những thành viên trong "biệt đội" này là: gạo, cá khô, thịt, nồi, võng, thuốc men cùng thiết bị bẫy ảnh... Để có sức băng rừng dài ngày trong điều kiện thời tiết bất lợi, anh em còn kèm theo những đồ ăn nhanh bên người để vừa đi, vừa ăn lấy sức.
Về mùa mưa, nước suối lúc nào cũng như lũ, gầm gào, chảy xiết và lạnh băng. Càng vào sâu rừng già, càng lên cao càng lạnh, những "chiến binh" phải đối mặt với nhiều nguy hiểm cận kề. Mặt khác, địa hình dãy Trường Sơn ở Hà Tĩnh là Đông bằng phẳng, Tây dốc đứng.
Từ các trạm kiểm lâm nằm giữa rừng già lên đỉnh Trường Sơn không hề có bất cứ một lối mòn nào để đi tuần rừng. Chuyến đi nào đi cũng phải vạch lối rừng già, cắt qua giăng núi, khe suối đi ngược lên. Mạo hiểm, vất vả với những bữa cơm, giấc ngủ vội giữa cánh rừng nhưng họ vẫn luôn cố gắng để hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Tháo gỡ hàng nghìn chiếc bẫy thú
Trong cuộc chiến giữ rừng, ngoài lực lượng kiểm lâm, còn có sự tham gia của người dân. Trong số họ, có những người trước kia từng xâm phạm rừng xanh khi làm thuê cho các đầu nậu gỗ, nay quay trở lại giữ rừng. Đó cũng là cách họ "tạ lỗi" với đại ngàn, gìn giữ màu xanh cho mai sau.
Do địa hình của VQG Vũ Quang rộng, và chia cắt, việc bảo vệ rừng và động vật hoang dã còn gặp nhiều khó khăn gian khổ khi lực lượng cán bộ của Vườn mỏng. Để chống lại nạn đặt bẫy săn bắt động vật hoang dã, lực lượng kiểm lâm VQG Vũ Quang cùng một số người dân đã lập nên tổ tuần tra rừng và tháo gỡ bẫy vào tháng 11/2022 với 6 thành viên. Trong đó có sự giúp sức của những người dân địa phương như anh Nguyễn Xuân Diệu, Bùi Văn Tú…
Từ ngày thành lập, tổ tuần tra rừng và tháo gỡ bẫy đã thực hiện hàng trăm chuyến đi, tháo gỡ được hơn 1.500 bẫy, phá được gần 30 lán trại xây dựng trái phép.
Những chuyến đi cứ lặng lẽ kéo dài từ ngày này qua tháng khác. Kể cả mùa mưa, dấu chân của các tổ tuần tra vẫn mải miết, in khắp các cánh rừng. Các loại bẫy thú thường gặp gồm: bẫy dây rút, bẫy lưới, bẫy kẹp… Phổ biến nhất là bẫy dây rút vì loại này đơn giản, dễ lắp đặt trong rừng.
Các loại bẫy này không chỉ gây bị thương và chết cho các loài động vật mà còn làm giảm đa dạng sinh học và cân bằng sinh thái của khu vực. Những cuộc tìm kiếm bẫy thú rừng không chỉ khó khăn về địa hình mà còn tiềm ẩn nguy hiểm cho cán bộ bảo vệ. Chỉ cần sơ suất, không có kinh nghiệm, họ cũng dễ giẫm vào bẫy thú.
Chúng tôi gặp anh Vương Khả Lâm - Phó hạt trưởng Hạt Kiểm lâm VQG Vũ Quang, kiêm Tổ trưởng Tổ gỡ bẫy - khi anh vừa trở về từ chuyến tuần tra kéo dài 6 ngày. Anh Lâm chia sẻ: "Do địa bàn rộng, ở một số nơi, người dân vẫn quen với việc đặt bẫy săn thú. Có khi, họ cũng đi suốt mấy ngày liền để đặt bẫy. Chúng tôi vừa tuần tra, vận động, vừa kết hợp tháo gỡ số bẫy này, tránh làm tổn hại đến động vật hoang dã".
Những "chiến binh" thầm lặng tại VQG Vũ Quang là ân nhân của động vật hoang dã.
Gần 3 năm, kể từ khi Tổ gỡ bẫy chính thức hoạt động, có đến hàng nghìn chiếc bẫy thú của người dân đặt trong rừng được các tổ tuần tra gỡ mang về, cũng là cuộc giải cứu lặng thầm cho hàng nghìn thú rừng của cán bộ bảo vệ VQG Vũ Quang.
Các kiểm lâm viên còn cho biết thêm, mỗi tháng, tổ tháo gỡ bẫy sẽ đi vào rừng 6 đến 10 ngày để giải cứu các loài thú. Biết bao kỉ niệm họ không nhớ xuể, đó là cuộc hành trình đầy hiểm nguy của rừng thiêng nước độc. Đổi lấy sự bình yên của rừng, sự sống của những loài động vật hoang dã, là biết bao miệt mài cống hiến, là tâm huyết của cán bộ kiểm lâm.
Khi có thông tin có một số đối tượng xuất hiện ở khu rừng giáp ranh với biên giới Lào, địa hình núi cao rất hiểm trở nhưng đội luôn sẵn sàng xuất kích ngay. Bởi chậm chân chút nào là bao nhiêu bẫy được giăng ra, bao nhiêu thú rừng bị sát hại.
Sự dũng cảm và tâm huyết của mỗi thành viên đã mang lại bình yên cho muôn loài thú ở rừng già.
Nhiều năm làm nhiệm vụ bảo vệ rừng ở VQG Vũ Quang, anh Lâm cùng đồng nghiệp đã thông thuộc từng địa hình, vị trí của các đồi núi. Hai năm qua, kể từ khi thành lập đội tuần tra và tháo gỡ bẫy, anh Lâm cùng các thành viên trong nhóm đã thực hiện hàng trăm chuyến vào rừng, tháo gỡ được hơn 1.500 bẫy, phá được gần 30 lán trại xây dựng trái phép.
Trong rừng sâu, dưới thảm thực bì, các anh lần tìm những chiếc bẫy. Những cuộc giải cứu theo đó cũng kéo dài hết ngày… Mỗi lần cứu được con thú nào, mọi người trong tổ lại vui mừng khôn xiết. Tình yêu đối với cánh rừng trên dãy Trường Sơn, với những con thú hoang dã cũng theo đó nhân lên trong lòng mỗi cán bộ, nhân viên Vườn qua năm tháng.
Với tình yêu thiên nhiên, lực lượng kiểm lâm bảo vệ rừng tại VQG Vũ Quang luôn lặng lẽ âm thầm thực hiện nhiệm vụ gian nan nhưng vô cùng vinh quang. Những bước chân của các anh đi qua mỗi khu rừng là nơi đó trở nên xanh thắm hơn. Sự dũng cảm và tâm huyết của mỗi thành viên đã mang lại bình yên cho các loài động vật hoang dã.
Hết!
Thiện Quyền
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/nguoi-tham-lang-bao-ve-la-phoi-o-vqg-vu-quang-ky-2-nhung-cuoc-giai-cuu-tham-lang-a210484.html