Làm sống lại quá khứ đau thương nhưng hào hùng
Văn học viết về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước không chỉ là một phần không thể thiếu của lịch sử dân tộc, mà còn là một di sản tinh thần quý báu, phản ánh chân thực hiện thực chiến tranh, đồng thời hun đúc nên những lý tưởng cao đẹp và đậm đà bản sắc văn hóa. Trong dòng chảy văn học đương đại, câu hỏi đặt ra là: Thế hệ hôm nay sẽ tiếp nối và phát huy những lý tưởng ấy như thế nào?
Tiến sĩ Phạm Duy Nghĩa - Phó Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội, nhìn nhận: “Là một “binh chủng” đặc biệt, văn học đã tiên phong đứng trên tuyến đầu chống Mỹ. Hàng trăm nhà văn, nhà thơ xung phong vào chiến trường vừa cầm súng vừa cầm bút cống hiến trọn vẹn tuổi xuân và tài năng văn chương cho Tổ quốc. Nhiều người trong số họ đã ngã xuống với tư thế một anh hùng.
Văn học góp phần khích lệ, cổ vũ cả nước ta đoàn kết thành một khối “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai” (Tố Hữu). Không khí hừng hực “lên đường” ngoài cuộc sống phả vào văn chương, kết lại và tỏa sáng thành những hình tượng sử thi mang tính biểu tượng của lòng yêu nước ở những tác phẩm trong vắt một lý tưởng cách mạng, với Người mẹ cầm súng của Nguyễn Thi, Hòn Đất của Anh Đức, Gia đình má Bảy của Phan Tứ, Dấu chân người lính của Nguyễn Minh Châu, Bài ca chim chơ-rao của Thu Bồn, Mặt đường khát vọng của Nguyễn Khoa Điềm, Vầng trăng quầng lửa của Phạm Tiến Duật... Văn học đã xây dựng những nhân vật như những vầng hào quang trên bầu trời sử thi tỏa chiếu ánh sáng lý tưởng soi rọi, hướng bạn đọc đi về phía cái cao cả, cái anh hùng”.
Tiến sĩ Phạm Duy Nghĩa còn nhấn mạnh: “Con người yêu nước là con người không được quên đi quá khứ của dân tộc mình. Một quá khứ đau thương nhưng cao cả, hào hùng phải luôn được làm sống lại trong mỗi con tim người Việt hôm nay và mai sau”.
Đại tá, nhà văn Nguyễn Bình Phương - Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội, khẳng định: Kháng chiến chống Mỹ cứu nước là một cuộc chiến vô cùng hào hùng và khốc liệt trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta. Trong giai đoạn đó, văn học đã tham gia tích cực, ở nhiều giai đoạn là vũ khí vô cùng quan trọng. Những tác phẩm văn học ra đời đã động viên, khích lệ, cổ vũ chiến đấu, góp phần đắc lực vào thắng lợi của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước…
Từ thực tiễn cuộc sống và chiến đấu, một đội ngũ cây viết sung sức hùng hậu của văn học Giải phóng miền Nam ra đời. “Với những trang văn, vần thơ khỏe khoắn, tràn đầy nhiệt huyết, nảy sinh từ cuộc sống và chiến đấu gian khổ, ác liệt đã khơi dậy lòng yêu nước mãnh liệt, niềm tự hào và ý chí của nhân dân, quân đội trong cuộc chiến tranh vệ quốc. Những trang văn có sức mạnh thôi thúc, những trang văn từ thực tiễn chiến đấu đã dựng nên hình ảnh đẹp đẽ về người lính. Đó là vẻ đẹp của phẩm giá con người, vẻ đẹp của sự cao cả, chính nghĩa” - theo nhà thơ Trần Anh Thái.
Nhà phê bình Hoàng Đăng Khoa cho thấy: “Văn học viết về cuộc kháng chiến chống Mỹ ngay trong lòng cuộc kháng chiến đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phục vụ chiến tranh và cổ vũ chiến đấu, góp phần đắc lực vào thắng lợi của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước”.
Tiếp tục có sức sống với hiện đại
Văn học viết về kháng chiến chống Mỹ vẫn luôn hiện diện như một phần quan trọng trong kho tàng văn học Việt Nam. Tuy nhiên, làm thế nào để thể loại này không chỉ dừng lại ở vai trò “ký ức” mà tiếp tục có sức sống với bạn đọc hôm nay là câu hỏi đang được giới sáng tác và nghiên cứu quan tâm.
GS.TS Đinh Xuân Dũng cho rằng: “Văn học Việt Nam viết về chiến tranh ngay trong khi chiến tranh đang diễn ra đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử của nó. Từ sau năm 1975, đặc biệt từ những năm 1980 đến nay, văn học Việt Nam viết về chiến tranh đang ở giai đoạn thứ 2 với sự lộ diện dần những đặc điểm mới của nó trong sự tìm kiếm vất vả và quyết liệt của tư duy sáng tạo. Ở giai đoạn 2 này, văn học trở về với quá khứ chiến tranh tự đặt cho mình một nhiệm vụ: Tiếp tục khám phá và cả khám phá lại để phát hiện những vấn đề còn ẩn sâu trong chính quá khứ chiến tranh”.
“Đội ngũ sáng tác về chiến tranh sẽ không chỉ dừng lại ở những nhà văn đã có mặt trong chiến tranh, những người trực tiếp trải nghiệm, mà sẽ lôi cuốn vào đó những cây bút trẻ, tìm hiểu chiến tranh ít nhiều gián tiếp, xuất phát từ đam mê đề tài lịch sử và từ sự phân tích tác động của hậu quả chiến tranh trong hiện tại mà họ đang sống, xuất phát từ nhu cầu của bản thân hiện tại, họ sẽ viết về chiến tranh với góc nhìn mới, sự khám phá và đồng hóa mới hiện thực chiến tranh đó. Đã xuất hiện một số cây bút trẻ nhiều triển vọng như vậy. Chiến tranh vẫn sẽ còn là một đề tài lớn và hấp dẫn, đội ngũ nhà văn viết về chiến tranh ở giai đoạn 2 này sẽ tiếp tục nối dài hơn nữa theo thời gian” - theo GS.TS Đinh Xuân Dũng.
Đại tá, nhà thơ Trần Anh Thái bày tỏ, muốn văn học viết về chiến tranh tiếp tục có được những tác phẩm xứng tầm với cuộc kháng chiến chống Mỹ là vấn đề lớn. Các nhà văn khi viết về chiến tranh không phải họ "bê nguyên si" hiện thực đồ sộ của các sự kiện vào tác phẩm, mà chỉ dựa trên nền tảng của các sự kiện để khai thác triệt để mọi góc cạnh trong những tầng sâu nhân tính và thân phận con người… Những tác phẩm văn học lớn của Việt Nam và thế giới là những tác phẩm như vậy.
Theo nhà thơ Trần Anh Thái, để có được những tác phẩm có giá trị lớn viết về chiến tranh và người lính, các nhà văn không có cách nào khác là viết với tư cách là một nghệ sĩ; phải sáng tạo ra những giọng điệu riêng biệt trong cả ngôn ngữ, hình ảnh và cấu trúc.
Viết về chiến tranh không chỉ là trách nhiệm với quá khứ, mà còn là cách để đối thoại với hiện tại. Văn học viết về kháng chiến chống Mỹ, nếu biết làm mới, sẽ không bị lãng quên, tiếp tục là một dòng chảy mạnh mẽ trong nền văn học dân tộc. Để lịch sử không hóa ký ức mà còn là chất liệu sống động cho sáng tạo - điều đó phụ thuộc vào cả người viết và người đọc hôm nay.
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/tieng-vong-tu-qua-khu-doi-thoai-voi-hien-tai-a210485.html