26 bị cáo thực hiện hành vi buôn lậu một cách tinh vi
Ngày 18/4, sau 2 ngày xét xử và nghị án, TAND Tp.HCM đã tuyên án sơ thẩm (lần 2) vụ án Buôn lậu do Hoàng Duy Tiến (SN 1985); Võ Văn Đông (SN 1967) cùng 24 đồng phạm.
Các bị cáo liên quan trong đường dây buôn lậu quy mô lớn đều bị tuyên phạt án tù.
Theo bản án vừa tuyên, bị cáo Hoàng Duy Tiến là người am hiểu chính sách của Nhà nước trong việc cho phép nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất đã qua sử dụng từ nước ngoài về để phục vụ sản xuất tại chính doanh nghiệp nhập. Từ đó, Tiến đã cấu kết cùng nhiều người khác thiết lập một đường dây buôn lậu quy mô lớn.
Từ đầu tháng 8/2019, Tiến thuê Lê Trần Viết Luân (hiện không có mặt tại địa phương) thành lập công ty, làm hồ sơ nhập khẩu, thủ tục hải quan, giao dịch thanh toán… các container hàng.
Theo quy định, về điều kiện nhập hàng, hàng hóa nhập có thiết bị, máy móc cũ đã sản xuất trên 10 năm (giá rẻ hơn, về Việt Nam bán có lời hơn). Tiến đã chỉ đạo nhân viên khi làm hồ sơ phải chỉnh sửa năm sản xuất dưới 10 năm, đủ điều kiện nhập. Để giảm chi phí đóng thuế, Tiến chỉ đạo nhân viên khai trị giá hàng nhập thấp hơn rất nhiều giá trị thật.
Sau đó để hàng hóa đủ thủ tục thông quan, Hoàng Duy Tiến đã móc nối với Công ty cổ phần giám định Đại Minh Việt (gọi tắt là Công ty Đại Minh Việt) để lập các biên bản hiện trường giám định hàng hóa, cấp chứng thư có nội dung khống để cung cấp cho cơ quan Hải quan cho đủ thủ tục thông quan theo quy định.
Dù không có thỏa thuận trực tiếp với Hoàng Duy Tiến về việc nhập khẩu máy móc, thiết bị cũ, các bị cáo là Giám đốc, Phó Giám đốc, Trưởng phòng giám định và giám định viên của Công ty Đại Minh Việt vẫn cố tình vi phạm quy định pháp luật.
Họ đã lập khống biên bản, cấp khống chứng thư giám định, tạo điều kiện cho Hoàng Duy Tiến và các nhân viên của ông này hoàn thiện hồ sơ, qua mặt cơ quan chức năng để thông quan hàng hóa một cách trót lọt, bất chấp hậu quả có thể xảy ra.
Trong khoảng thời gian từ tháng 9/2019 đến 24/5/2021, Hoàng Duy Tiến và các nhân viên đã thành lập 47 công ty, rồi trực tiếp sử dụng pháp nhân của 45 công ty để làm thủ tục mở 1.153 bộ tờ khai hải quan, nhập lậu trót lọt về Việt Nam 1.287 container hàng, với tổng trị giá 217,6 tỷ đồng.
Đối với bị cáo Võ Văn Đông, khoảng tháng 2/2021, Đông gặp Tiến và nói có người bạn có nhu cầu nhập khẩu container hàng máy móc cũ từ nước ngoài vào Việt Nam và cả hai đồng ý "giúp đỡ". Từ tháng 2/2021 – tháng 4/2021, Tiến làm thủ tục, hồ sơ nhập cho Đông 6 container trị giá hơn 924 triệu đồng.
Ngày 24/5/2021, Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an Tp.HCM phối hợp với Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Sài Gòn khu vực 1 kiểm tra phát hiện 6 container hàng hóa là thiết bị, máy móc cũ từ Nhật Bản, Đài Loan nói trên.
Làm việc với những đối tượng đi làm thủ tục thông quan, giao nhận lô hàng trên, cơ quan công an xác định toàn bộ các doanh nghiệp đứng tên mở 6 tờ khai hải quan là Hoàng Duy Tiến.
Tất cả các bị cáo đều bị tuyên án tù giam
Tại phiên tòa, các bị cáo đều thừa nhận hành vi phạm tội. Trong lời nói sau cùng, nhiều bị cáo bật khóc, mong HĐXX lượng hình, tuyên mức án nhẹ.
Sau thời gian nghị án kéo dài, HĐXX cho rằng, bị cáo Hoàng Duy Tiến đã chủ mưu, cầm đầu và phân công các bị cáo là nhân viên thành lập; sử dụng 45/47 pháp nhân để làm thủ tục nhập khẩu máy móc, thiết bị đã qua sử dụng về Việt Nam, trái các quy định pháp luật.
Đối với các bị cáo là chủ hàng với mong muốn hưởng lợi từ hàng hóa, dù phải chịu trách nhiệm đồng phạm với bị cáo Tiến nhưng xét về giá trị hàng hóa dao động 1-5 tỷ đồng, chiếm tỉ lệ rất nhỏ đối với số tiền 217 tỷ đồng mà Tiến hưởng lợi.
Các bị cáo khác trong vụ án là các nhân viên đã làm theo chỉ đạo của Tiến, phạm tội có tổ chức, thực hiện hành vi phạm tội trong một thời gian dài nên phải chịu trách nhiệm hình sự tương ứng với hành vi đã gây ra.
Quá trình lượng hình, HĐXX cũng xem xét nhiều tình tiết làm căn cứ giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo. Trong đó, bị cáo Hoàng Duy Tiến, Võ Văn Đông có nhiều thành tích trong công tác. Một số bị cáo thành khẩn khai báo, có nhân thân tốt, gia đình có công với cách mạng, phạm tội lần đầu, chủ động nộp lại số tiền thu lợi bất chính,…nên xem xét giảm cho các bị cáo một phần hình phạt.
Từ các nhận định nêu trên, HĐXX tuyên phạn bị cáo Hoàng Duy Tiến mức án 12 năm tù; bị cáo Võ Văn Đông bị tuyên phạt 5 năm tù; 24 bị cáo còn lại nhận mức án 5 - 11 năm tù, cùng về tội Buôn lậu.
Trong đó, 5 bị cáo là chủ hàng trong phiên sơ thẩm lần 1 lãnh án phạt tiền, nay HĐXX tuyên phạt: Bị cáo Lê Văn Thành, Phạm Toàn cùng 8 năm tù; Nguyễn Đình Thiều 9 năm tù; Nguyễn Thị Mai Phương, Nguyễn Mạnh Toàn cùng 7 năm tù về tội Buôn lậu.
Đây là lần thứ hai bị cáo Hoàng Duy Tiến và đồng phạm phải hầu tòa sơ thẩm. Trước đó, xử sơ thẩm lần 1 hồi tháng 5/2023, TAND Tp.HCM đã tuyên phạt bị cáo Tiến 13 năm tù, Võ Văn Đông 7 năm tù về tội Buôn lậu. 19 bị cáo khác là đồng phạm bị phạt từ 2 năm đến 11 năm tù.
Có 5 bị cáo là các chủ hàng bị phạt 1,5 tỷ đồng nhưng không bị phạt tù, gồm: Nguyễn Mạnh Toàn, Nguyễn Thị Mai Phương, Nguyễn Đình Thiều, Lê Văn Thành, Phạm Toàn.
Sau đó, Viện trưởng VKSND TP.HCM kháng nghị một phần bản án sơ thẩm nêu trên, đề nghị TAND Cấp cao tại Tp.HCM khi xét xử phúc thẩm không áp dụng hình phạt tiền với 5 bị cáo là các chủ hàng và tăng hình phạt đối với 8 bị cáo gồm 1 chủ hàng và 7 giám định viên của Công ty giám định Đại Minh Việt.
Ngày 15/11/2024, TAND Cấp cao tại Tp.HCM xét xử phúc thẩm và tuyên hủy bản án sơ thẩm để điều tra xét xử lại.
Lý do được tòa phúc thẩm đưa ra là do tòa sơ thẩm chỉ tuyên phạt tiền đối với 5 chủ hàng là chưa tương xứng mới mức độ, hành vi phạm tội các bị cáo gây ra. Nhằm đảm bảo tính công bằng đối với các bị cáo khác, HĐXX quyết định hủy toàn bộ bản án để điều tra, xét xử lại.
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/tuyen-an-so-tham-lan-2-voi-26-bi-cao-trong-duong-day-buon-lau-1287-container-may-moc-cu-a210512.html