Hoa Sơn luận kiếm là một trong những sự kiện huyền thoại nhất trong tiểu thuyết kiếm hiệp Kim Dung, được nhắc đến trong Anh hùng xạ điêu và Thần điêu đại hiệp. Đây là nơi tụ hội của những cao thủ võ lâm mạnh nhất thiên hạ để tranh tài, xác định danh hiệu Thiên hạ ngũ tuyệt – năm đại cao thủ đại diện cho năm phương Đông, Tây, Nam, Bắc và Trung Nguyên.
Trong các tác phẩm của Kim Dung, tổng cộng có ba kỳ Hoa Sơn luận kiếm. Trong đó, lần thứ hai diễn ra trong Anh hùng xạ điêu, với sự tham gia của những nhân vật đình đám như Đông Tà Hoàng Dược Sư, Bắc Cái Hồng Thất Công, Tây Độc Âu Dương Phong và chàng trai trẻ Quách Tĩnh.
Âu Dương Phong dù bị tẩu hỏa nhập ma nhưng không chết mà võ công lại mạnh lên bất thường.
Cuộc đấu bất phân thắng bại
Khác với lần đầu đầy kịch tính, Hoa Sơn luận kiếm lần thứ hai diễn ra khá vắng vẻ. Một số cao thủ như Nam Đế Đoàn Trí Hưng (lúc này đã xuất gia thành Nhất Đăng đại sư), Cừu Thiên Nhận và Chu Bá Thông có đến Hoa Sơn nhưng không trực tiếp tham gia tranh tài.
Do Quách Tĩnh là hậu bối so với Hồng Thất Công và Hoàng Dược Sư, Hoàng Dung – con gái Hoàng Dược Sư và cũng là người yêu của Quách Tĩnh – đã đề ra quy tắc: Hồng Thất Công và Hoàng Dược Sư lần lượt đấu với Quách Tĩnh trong 300 chiêu. Nếu không ai hạ được chàng, Quách Tĩnh sẽ thắng. Cả hai cao thủ đều hiểu ý Hoàng Dung muốn nâng đỡ người yêu nên không ra đòn quyết liệt. Kết quả, Quách Tĩnh trụ vững sau 300 chiêu.
Âu Dương Phong – Kẻ mạnh nhất nhưng trả giá đắt
Đúng lúc đó, Tây Độc Âu Dương Phong bất ngờ xuất hiện. Y từng bị Hoàng Dung lừa tu luyện bản Cửu Âm chân kinh giả mạo, dẫn đến tẩu hỏa nhập ma, kinh mạch hỗn loạn, tâm trí điên loạn. Tuy nhiên, chính điều này lại khiến võ công của y đạt đến cảnh giới khủng khiếp.
Dù không chính thức phân thắng bại, các cao thủ đều công nhận Âu Dương Phong là người mạnh nhất lúc đó. Nhưng y phải trả giá bằng trí tuệ – trở nên điên cuồng, mất hết ký ức.
Sự kiện cũng đánh dấu bước ngoặt của Cừu Thiên Nhận, người từng mang danh vọng đối đầu với Quách Tĩnh và Hoàng Dung. Sau khi tỉnh ngộ, y từ bỏ giang hồ, xuống tóc đi tu, trở thành đệ tử của Nhất Đăng đại sư với pháp danh Từ Ân, như một cách chuộc lại những sai lầm trong quá khứ.
Quốc Tiệp
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/kiem-hiep-kim-dung-ai-la-nguoi-manh-nhat-hoa-son-luan-kiem-lan-thu-hai-a210647.html