Tại sự kiện diễn ra ngày 20/4/2025 tại Phố Sách Hà Nội, hàng trăm đại biểu, chuyên gia, trí thức và người yêu sách đã hội tụ để cùng chung tay lan tỏa tri thức đến những “doanh nhân thầm lặng” của đất nước - những người nông dân Việt Nam.
Hành trình tri thức từ một cuốn sách
Không chỉ là một chương trình tặng sách thông thường, chiến dịch được thiết kế như một hành trình trao gửi tri thức bền bỉ và dài hơi. Điểm nhấn đặc biệt tại sự kiện là hoạt động “Ký tặng và gửi gắm tri thức”, trong đó mỗi người tham gia sẽ trực tiếp viết lời đề tặng, ký tên lên cuốn sách mình trao đi. Đó không chỉ là một hành động mang tính biểu tượng mà còn là cách lan tỏa tình cảm, tâm huyết và niềm tin đến tay những người nông dân đang cần tri thức để thay đổi cuộc sống.
Ông Lê Văn Thương, Trưởng ban tổ chức, phát biểu tại sự kiện: “Mỗi hộ nông dân là một doanh nghiệp. Mỗi cuốn sách là một hạt giống. Và mỗi hành động hôm nay sẽ làm nên sự chuyển mình sâu sắc cho nông thôn Việt Nam. Một cuốn sách đúng lúc có thể trở thành chiếc chìa khóa mở ra cánh cửa tư duy mới”.
Ông nhấn mạnh, mục tiêu cuối cùng của chiến dịch không chỉ là trao tặng sách, mà là tạo dựng một hệ sinh thái tri thức cho người nông dân, nơi họ có thể chủ động học hỏi, áp dụng và phát triển kinh tế bền vững trên chính mảnh đất quê hương.
Một triệu cuốn sách - Một triệu cơ hội đổi đời
Chiến dịch dự kiến sẽ được triển khai trên phạm vi toàn quốc, bắt đầu từ xã Hải Thanh, tỉnh Thanh Hóa. Các đầu sách được lựa chọn không chỉ phong phú về nội dung mà còn được biên soạn, chọn lọc kỹ lưỡng về tính thực tiễn. Từ các chủ đề như tư duy kinh doanh, thương mại điện tử, trí tuệ nhân tạo, kỹ năng phát triển bản thân đến khởi nghiệp, mỗi cuốn sách đều hướng tới mục tiêu: giúp người dân nông thôn tiếp cận kiến thức hiện đại để thích nghi với nền kinh tế số.
Không dừng lại ở đó, Halotimes đặt mục tiêu xây dựng ít nhất 100 thư viện kinh tế nông thôn với quy mô từ 1.000 - 2.000 đầu sách mỗi thư viện, được trang bị thêm máy tính và thiết bị số hóa để phục vụ việc học tập trực tuyến. Song song, các buổi hội thảo, workshop cùng chuyên gia, doanh nhân, nghệ sĩ sẽ liên tục được tổ chức nhằm truyền cảm hứng và chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn.
Ông Phạm Văn Đức, Trưởng Văn phòng đại diện Halotimes Hà Nội, nhấn mạnh: “Trong thời đại số hóa và truyền thông hiện đại như ngày nay, kiến thức và thông tin có thể được truyền tải một cách nhanh chóng và hiệu quả hơn bao giờ hết. Vì thế, chiến dịch ‘Một triệu cuốn sách làm giàu cho nông dân’ ra đời với hy vọng sẽ góp phần giúp nông dân Việt Nam nâng cao nhận thức, hiểu biết và kỹ năng cần thiết để phát triển sản xuất, quản lý tài chính, ứng dụng công nghệ mới và tìm kiếm hướng đi mới trong kinh doanh nông nghiệp”.
Tại buổi lễ, nhiều trí thức, học giả nổi tiếng đã trực tiếp tham dự, ký tặng và gửi tặng những cuốn sách mang giá trị tinh thần sâu sắc tới người dân. GS.TS Phạm Văn Đức – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Triết học Việt Nam bày tỏ cảm xúc: “Hôm nay tôi tham gia chương trình với mong muốn đóng góp một phần nhỏ bé và cũng mang đến một số cuốn sách tặng cho bà con nông dân. Trước hết là cuốn sách ‘Vang vọng lời nước non’ do Ban Tuyên giáo Trung ương biên soạn – trong đó có những câu trích đắt giá định hướng phát triển đất nước. Tôi tin rằng, người dân Việt Nam nói chung luôn kính trọng Bác Hồ và những lời dạy của Người vẫn còn nguyên giá trị như là kim chỉ nam cho các hoạt động của mình”.
Ngoài ra, ông còn gửi tặng cuốn "Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng xã hội tốt đẹp" và bộ sách "Tuyển tập nghề và làng nghề Việt Nam". Theo ông, khi người nông dân hiểu được truyền thống nghề nghiệp của mình, họ sẽ có nền tảng để phát triển nghề một cách bền vững và tự hào hơn với di sản cha ông để lại.
Nhà thơ, PGS.TS Nguyễn Linh Khiếu, người cũng ký tặng cuốn sách "Chân mây", chia sẻ: “Là người sinh ra từ nông thôn, tôi mong rằng chữ 'làm giàu' không chỉ là làm giàu về kinh tế, mà còn là làm giàu về tâm hồn. Đó không chỉ là sách dạy kỹ năng, mà cần bao gồm cả kiến thức về môi trường sinh thái, nơi người dân đang sống và gắn bó. Chỉ khi hiểu về thế giới xung quanh, sự làm giàu ấy mới thực sự bền vững”.
Ông cho rằng, việc đưa sách về làng quê không đơn thuần là hành động văn hóa mà còn là nghĩa vụ xã hội của người trí thức – người có khả năng kết nối các giá trị tri thức với cuộc sống thực tế.
Hướng tiếp cận mới cho văn hóa đọc
Hơn cả một hoạt động hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc, chiến dịch “Một triệu cuốn sách làm giàu cho nông dân Việt Nam” đã mở ra một hướng tiếp cận mới cho văn hóa đọc – lấy người nông dân làm trung tâm và coi tri thức là động lực phát triển kinh tế nông thôn.
Phát biểu kết thúc buổi lễ, ông Lê Văn Thương khẳng định: “Chúng tôi mong rằng, với sự chung tay của cộng đồng, mỗi cuốn sách được trao đi sẽ không chỉ dừng lại ở giá trị vật chất, mà còn trở thành món quà của tương lai – góp phần tạo nên một thế hệ nông dân tri thức, biết làm chủ công nghệ, làm chủ cuộc sống và làm chủ chính giấc mơ của mình”.
Chiến dịch đã, đang và sẽ tiếp tục lan tỏa với hàng loạt hoạt động tiếp nối trong năm 2025 và các năm sau đó. Halotimes kêu gọi cộng đồng, các doanh nghiệp, tổ chức xã hội cùng tham gia đồng hành vì một Việt Nam tri thức, phát triển bền vững và nhân văn.
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/trao-tang-mot-trieu-cuon-sach-lam-giau-cho-nong-dan-viet-nam-a210909.html