Đề án hợp nhất tỉnh Hải Dương và Tp.Hải Phòng nhận được sự đồng thuận cao

Dự kiến, sau khi hợp nhất tỉnh Hải Dương và Tp.Hải Phòng, Tp.Hải Phòng mới sẽ có 114 đơn vị hành chính, bao gồm 46 phường, 66 xã, 2 đặc khu Cát Hải và Bạch Long Vĩ.

Người dân ủng hộ, đồng thuận cao

Ngày 22/4, trao đổi với Người Đưa Tin, ông Đỗ Văn Hùng - Bí thư Đảng ủy xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thụy, Tp.Hải Phòng, cho biết, địa phương vừa tiến hành lấy ý kiến cử tri về Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã năm 2025 của Tp.Hải Phòng và Đề án hợp nhất tỉnh Hải Dương và Tp.Hải Phòng.

Theo đó, xã Thuận Thiên sẽ sáp nhập với thị trấn Núi Đối, xã Hữu Bằng, xã Thanh Sơn, 1 phần xã Kiến Hưng (xã Thụy Hương cũ) thành xã Kiến Thụy 1.

Kết quả, 99,63% cử tri xã Thuận Thiên đồng ý với Đề án sáp nhập xã kể trên và 99,9% cử tri đồng ý với Đề án hợp nhất tỉnh Hải Dương và Tp.Hải Phòng.

"Người dân trong xã phấn khởi, đồng thuận cao với Đề án hợp nhất 2 địa phương cũng như Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn thành phố", ông Đỗ Văn Hùng thông tin.

Đề án hợp nhất tỉnh Hải Dương và Tp.Hải Phòng nhận được sự đồng thuận cao- Ảnh 1.

Dự kiến Trung tâm Chính trị - Hành chính của Tp.Hải Phòng mới sau khi hợp nhất 2 địa phương sẽ được đặt tại Tp.Thủy Nguyên hiện nay (Ảnh: Thái Phan).

Cùng với xã Thuận Thiên, các xã, phường, thị trấn trên địa bàn Tp.Hải Phòng và tỉnh Hải Dương vừa đồng loạt lấy ý kiến cử tri về Đề án hợp nhất 2 địa phương và Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn. Kết quả, cử tri ủng hộ, đồng thuận cao.

Theo thông tin từ Sở Nội vụ tỉnh Hải Dương, 99,11% cử tri tỉnh Hải Dương đồng ý với Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã năm 2025 của địa phương và 99,21% đồng ý với Đề án hợp nhất tỉnh Hải Dương và Tp.Hải Phòng.

Tại Tp.Hải Phòng, theo kết quả mới được công bố, hơn 99% cử tri quận Ngô Quyền, quận Hải An, Tp.Thủy Nguyên đồng ý với Đề án hợp nhất tỉnh Hải Dương và Tp.Hải Phòng cũng như Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã năm 2025 của Tp.Hải Phòng.

Hiện Tp.Hải Phòng có tổng cộng có 167 đơn vị hành chính cấp xã gồm: 79 phường, 7 thị trấn và 81 xã với tổng diện tích hơn 1.526km2, quy mô dân số hơn 2,4 triệu người. Theo Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã năm 2025 của UBND Tp.Hải Phòng, sau khi sắp xếp, sẽ giảm 70,05% xuống còn 50 đơn vị cấp cơ sở, gồm 24 phường, 24 xã, 2 đặc khu Cát Hải và Bạch Long Vĩ.

Đối với tỉnh Hải Dương, sau khi sắp xếp, từ 207 đơn vị hành chính cấp xã hiện tại giảm xuống còn 64 đơn vị hành chính cấp cơ sở, gồm 21 phường và 43 xã.

Giữ tên Hải Phòng là sự lựa chọn tối ưu

Theo Đề án hợp nhất tỉnh Hải Dương và Tp.Hải Phòng, việc hợp nhất bảo đảm định hướng của Trung ương. Theo đó, tại Nghị quyết số 60-NQ/TW ngày 12/4/2025 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII: Hợp nhất tỉnh Hải Dương và Tp.Hải Phòng, lấy tên là Tp.Hải Phòng, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại Tp.Hải Phòng hiện nay.

Sau khi hợp nhất, Tp.Hải Phòng mới sẽ có diện tích 3.194,7 km2 (đạt 212,98% so với tiêu chuẩn của thành phố trực thuộc Trung ương), quy mô dân số 4.664.124 người (đạt 466,41% so với tiêu chuẩn).

Việc lựa chọn tên địa phương mới là Tp.Hải Phòng sau khi hợp nhất bắt nguồn từ các lý do: Kế thừa lịch sử, truyền thống văn hóa lâu đời và gắn liền với nhiều dấu mốc lịch sử quan trọng.

Đề án hợp nhất tỉnh Hải Dương và Tp.Hải Phòng nhận được sự đồng thuận cao- Ảnh 2.

Lãnh đạo tỉnh Hải Dương và Tp.Hải Phòng ký kết Kế hoạch phối hợp trao đổi, thống nhất một số nội dung về triển khai thực hiện các Kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các văn bản của Trung ương về hợp nhất tỉnh Hải Dương và Tp.Hải Phòng; Sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị hành chính cấp xã của các địa phương (Ảnh: ĐT).

Trong đó, Hải Phòng có nhiều yếu tố lịch sử - văn hóa quan trọng để trở thành tên gọi chung, như: Có lịch sử hình thành và phát triển gắn liền với sự nghiệp dựng nước và giữ nước, là cửa ngõ quân cảng từ thời phong kiến, có vai trò chiến lược trong kháng chiến chống Pháp và Mỹ.

Bên cạnh đó, Hải Phòng là đô thị lớn từ thời Pháp thuộc được quy hoạch theo mô hình thành phố cảng hiện đại. Đồng thời, là biểu tượng của ý chí kiên cường, gắn liền với những dấu ấn lớn của dân tộc (Bạch Đằng Giang, chiến thắng Điện Biên Phủ trên không…). Do vậy, việc giữ tên Hải Phòng cho tỉnh mới sẽ giúp duy trì bản sắc lịch sử - văn hóa, tạo ra sự tự hào và gắn kết tinh thần cho người dân trong tỉnh.

Hải Phòng bổ nhiệm lãnh đạo các sở sau khi hợp nhất

Ngoài ra, Hải Phòng là địa danh có tính thương hiệu cao, nổi tiếng cả trong nước và quốc tế với các danh xưng "Thành phố Cảng", Thành phố Hoa Phượng đỏ", "Thành phố du lịch biển"… Hiện, Tp.Hải Phòng là 1 trong 6 thành phố trực thuộc Trung ương, nằm ở vị trí chiến lược có thể kết nối trực tiếp với các thị trường quốc tế thông qua đường biển và hàng không. Với quy mô kinh tế vượt trội, Tp.Hải Phòng có GRDP khoảng 430.000 tỷ đồng (năm 2024).

Đề án hợp nhất tỉnh Hải Dương và Tp.Hải Phòng nêu rõ, nếu đặt tên thành phố mới với tên gọi khác sẽ không phản ánh đúng bản chất kinh tế của khu vực sau sáp nhập. Khi một thực thể có Hải Phòng là hạt nhân phát triển, thì giữ tên Hải Phòng là sự lựa chọn tối ưu.

Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/de-an-hop-nhat-tinh-hai-duong-va-tphai-phong-nhan-duoc-su-dong-thuan-cao-a211044.html