Những cuộc "chơi" tháng Tư của người không chịu già

Cô giáo dạy văn cấp 2 của tôi đang thực hiện một cuộc "chơi", một chuyến xuyên Việt, mà theo cô nói là, đầy ý nghĩa, bởi xuất phát từ Hà Nội 10 ngày trước, và dự kiến sẽ tới Tp.HCM sau khoảng gần 20 ngày, trùng với ngày thống nhất đất nước.

Nó ý nghĩa và lịch sử là bởi, cả cô và chú đều đã 85 tuổi. Và đi cùng là 3 người con, một trai hai gái, chất nhau lên 1 con xe, tức toàn... nội tộc, không dâu rể và các cháu nội ngoại, tất nhiên vì họ bận đi làm, đi học, còn cả 5 người trên xe đều đã... hưu, thời gian thì vô tư nhưng sức khỏe thì không dư dả nữa, nhưng không dịp này thì còn dịp nào.

Những cuộc "chơi" tháng Tư của người không chịu già- Ảnh 1.

Tác giả với gia đình cô giáo cũ.

Khi rời Hà Nội, trên xe có 2 bó hoa loa kèn, cô con gái thứ 2 của cô nói, xe chật gì thì chật, vẫn phải bỏ được hai bó hoa này lên. Một bó đặt ở ngã ba Đồng Lộc, một bó ở hang tám cô.

Hồi ấy tôi học ở trường cấp 2 xã Triệu Lộc, Hậu Lộc Thanh Hóa, cô Quy dạy môn văn. Ngoài tình cô trò, thì khi ấy Thanh Hóa có 2 xí nghiệp công nghiệp đóng gần nhau trong cùng xã, xí nghiệp than bùn do chú Lê Viết Dược làm phó giám đốc, và nhà máy Diêm do mẹ tôi làm phó giám đốc. Quen nhau từ ấy, sau này chú Dược là đại biểu quốc hội, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty thuốc lá Việt Nam. Cô Quy thì khi tôi vào học cấp 3 thì cũng để 3 đứa con cho chú chăm, vào Vinh học đại học để sau này thành một cô giáo dạy văn nổi tiếng xứ Thanh, và cũng là nhà thơ.

85 tuổi mà đến đâu ông bà cũng hào hứng như... các con mình. Cũng vào hang Tám cô, vào ngã ba Đồng Lộc thắp hương, cũng leo 120 bậc lên tới cột mốc ngã ba Đông Dương, nơi được mệnh danh một tiếng gà gáy ba nước đều nghe... Nguyên ngồi xe từng ấy thời gian, dù là con trai lái, con gái phục vụ, thì cũng quá nể sức khỏe và nhiệt tình của 2 cụ.

Khi tôi bày tỏ, em nể cuộc chơi của cô quá, cô bảo, gọi là chơi nhưng hết sức ý nghĩa em ạ, 50 năm đất nước hòa bình, may ra 50 năm nữa mới có lại không khí này...

Ghé Pleiku, tôi được làm hướng dẫn viên cho cả nhà một buổi, tất nhiên là tôi hết sức vinh dự tự hào khi được đưa gia đình cô thăm mấy nơi mang tính bản sắc phố cao nguyên.

Một người chơi cũng... luống tuổi nữa là nhà thơ Nguyễn Duy. Ông nhà thơ tài hoa này năm nào cũng nghĩ ra những trò chơi, gọi là chơi nhưng hết sức ý nghĩa. Xuân năm nay ông lại ra một quyển lịch thơ cực đẹp. Ảnh của nhà báo nhà văn Vĩnh Quyền, ông trực tiếp chép thơ mình lên đấy. Ông Vĩnh Quyền này, một đời viết văn viết báo, dùng chữ hành nghề, về hưu lại nhảy sang chơi ảnh, và chuyên chụp một loại rất khó chụp: chim. Nguyên thơ và chữ của Nguyễn Duy, đã hàng chục lần đình đám, từ trên thúng mủng giần sàng, nong nia nơm chúm, tới lịch, tới sách. Giờ, những ngày này, ông làm một cú đọc thơ xuyên Việt. Ông Nguyễn Duy mà đã đọc thơ mình thì kinh rồi, kiến trong lỗ cũng bò ra nghe. Cú đọc thơ của ông trang trọng với chủ đề: "Chào mừng năm mươi năm đất nước thống nhất". Nhà văn Bích Ngân, chủ tịch hội Nhà Văn Tp.HCM cho biết: "Ở gần sát cái tuổi tám mươi, nhà thơ Nguyễn Duy vẫn chưa nguội lạnh tình yêu thi ca. Chương trình đọc thơ "Tìm thân nhân" của ông được mở màn tại Tp.HCM và dự kiến đi qua nhiều địa phương khác của Việt Nam, với mục đích chứng minh giá trị thi ca đồng hành dân tộc và thời đại. "Tìm thân nhân" để hội ngộ nhau, "tìm thân nhân" để an ủi nhau, "tìm thân nhân" để thấu hiểu nhau, và "tìm thân nhân" còn để yêu thương nhau, sẻ chia nhau, nâng đỡ nhau…".

Những cuộc "chơi" tháng Tư của người không chịu già- Ảnh 2.

Nhà thơ Nguyễn Duy trong một chuyến bay đi đọc thơ.

Cũng chị, có một nhận xét về thơ Nguyễn Duy rất thú vị: "Hành trình thơ Nguyễn Duy trải dài từ chiến tranh đến hòa bình. Trong khói lửa đạn bom, thơ ông đã lên tiếng. Trong giai đoạn đổi mới, thơ ông đã lên tiếng. Trong hội nhập quốc tế, thơ ông cũng đã lên tiếng. Những câu thơ Nguyễn Duy lặng lẽ vào đám đông, và cảm hóa đám đông. Những câu thơ Nguyễn Duy len lỏi vào mâu thuẫn, và xoa dịu mâu thuẫn. Thơ ông bắt một nhịp cầu kết nối giữa trái tim với trái tim, giữa con người với con người, không hoang mang, không oán trách, không hận thù".

Cú đọc thơ này Nguyễn Duy dự định "chơi" từ ngày 20/4 tới hết tháng, qua các địa phương TP.HCM, Hà Nội, Huế, Thanh Hóa và Nha Trang. Mỗi chương trình dự định có thời lượng từ 120 phút, số lượng bài thơ tùy thuộc vào thời lượng thực tế ở mỗi địa điểm. Và xin nhớ, ông sinh năm 1947, tức năm nay đã 78 tuổi, và tiểu đường 20 năm nay, trong chân và răng đang có... thép.

Bài thơ "Tìm thân nhân" ông làm ngay năm 1975 được ông chọn làm tên của cuộc "chơi" thơ này, có những câu: "Hai mươi mốt năm dài máu chảy/ hai mươi mốt năm dài thương đau/ đủ cho qua đi một thời con trai/ đủ cho qua đi hai thời con gái/ nhưng mà không qua cây cầu chờ đợi"... mà khi đọc nước mắt ông cứ nhạt nhòa.

Chiều nay tôi cũng sẽ đón một cặp đôi "không tuổi" nữa, cũng đi xuyên Việt, là nhà báo Nguyễn Thế Thanh và luật sư Trương Trọng Nghĩa, họ cũng có một cuộc đi, chắc cũng không phải ngẫu nhiên mà chọn đúng những ngày cuối tháng tư này. Từ Tp.HCM họ ngược Tây Nguyên. Ông Nghĩa là luật sư nổi tiếng, một tiếng nói có trọng lượng trên diễn đàn Quốc hội. Ông Nghĩa thì trẻ hơn các cụ tôi kể trên, mới... 72 tuổi. Ông là đại biểu quốc hội nhiều khóa, và là người tự ứng cử trúng cử. Chị Thanh vợ ông thì từng là Tổng biên tập một tờ báo thuộc loại "gai góc" một thời của TPHCM, một nhà văn nhà báo đàn anh của tôi có lần nhận xét về chị: Nữ TBT giỏi nhất hiện nay. Được lời khen của ông này không hề dễ. Có tờ báo đã phong cho chị là "Nữ tướng làng báo", nhưng thực ra chị cũng đã giữ các chức phó giám đốc sở Văn hóa TPHCM, chủ tịch hội Phụ nữ thành phố, nhưng cái làm nên chị nhất vẫn là nghề báo. Năm nay chị cũng xem xem tuổi ông Nghĩa nhưng đọc fb của chị thì thấy tốc độ di chuyển và thời gian làm việc của chị vẫn chóng mặt. Những chuyến bay liên tục, những cuộc làm việc như chưa hề có tuổi... trên 70.

Tôi cũng gọi cuộc đi của họ là cuộc chơi. Nhưng phía sau cuộc chơi ấy, tôi biết, là công việc, là những ấp ủ, những dự định.

Và nhìn họ, mới thấy, té ra mình còn rất trẻ, và những gì mình làm, mình "chơi", chả thấm gì với các tiền bối, dù cũng đã suýt soát 70 xuân.

Lại nhớ, làng văn Việt Nam cũng có mấy người chơi nổi tiếng, nổi tiếng về văn chương và nổi tiếng về chơi: Nguyễn Trọng Tạo, nhạc sĩ nhà thơ, Hoàng Phủ Ngọc Tường, nhà văn, Nguyễn Thụy Kha, nhà thơ nhạc sĩ..., và nhớ họ vì họ đã dừng cuộc chơi trần thế để mãi mãi viễn du miền cực lạc...

Những cuộc "chơi" đầy ý nghĩa trong những ngày cũng đầy ý nghĩa này.

* Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả

Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/nhung-cuoc-choi-thang-tu-cua-nguoi-khong-chiu-gia-a211070.html