Trách nhiệm của cha mẹ phải gắn liền với nghĩa vụ của con cái

(PNTĐ) - “Trẻ cậy cha, già cậy con” - đúc kết ngắn gọn này của ông bà ta như một cẩm nang ứng xử trong gia đình. Nhưng ở mỗi thế hệ, chữ “cậy” vẫn còn mang nhiều hàm ý…

Trách nhiệm của cha mẹ phải gắn liền với nghĩa vụ của con cái - ảnh 1
Bà Đàm Thanh (bên trái) và con dâu. Ảnh: NVCC
 

Con chăm cha không bằng bà chăm ông

Theo quan niệm của nhiều cha mẹ, khi sinh con ra, nuôi con khôn lớn rồi dựng vợ gả chồng chỉ mong lúc già yếu có chỗ nương tựa. Nhưng với tôi, các con trưởng thành rồi đều phải tự xây dựng cuộc đời và có trách nhiệm với mỗi gia đình nhỏ của mình. Tôi nhớ đã từng nghe câu nói rằng “Con cái giống như những ngôi sao lấp lánh tự do trên trời, chỉ là vừa vặn, rơi vào sân nhà chúng ta mà thôi”. Chính vì vậy, tư duy sinh con để nhờ cậy lúc tuổi già sẽ không thật sự phù hợp.

Vợ chồng tôi sinh được hai cậu con trai, cả hai đều đã lập gia đình và đều ở riêng. Gia đình con trai cả của tôi làm ăn xa nhà nhưng mỗi ngày đều hỏi han, quan tâm cha mẹ, 2-3 tuần đều đặn về quê. Thi thoảng các con trai, con dâu còn tổ chức những chuyến du lịch, đi chơi cho đại gia đình để gắn kết tình cảm, đoàn kết giữa các thành viên.

Bởi vậy với tôi, con cái ngoan ngoãn, trưởng thành, có ý thức quan tâm đến cha mẹ là tốt, khiến cha mẹ ấm lòng. Tôi và chồng vẫn hay tâm sự với nhau và nói với các con rằng “Con chăm cha không bằng bà chăm ông”, có chăng con cái chỉ dừng lại ở việc giúp đỡ chứ không bắt các con phải gánh vác. Trong cuộc sống này, vợ chồng “già” chăm sóc nhau là chính, sống bằng tình cảm vợ chồng sẽ thoải mái hơn và chăm sóc nhau chu đáo hơn. Từ lâu, hai vợ chồng tôi đã bắt đầu tích luỹ, tiết kiệm tiền bạc; quan tâm đến sức khoẻ, khám định kỳ… để tuổi già được an nhàn, vui sống theo ý mình, không phải nhờ cậy con cái. 

Cha mẹ không thể đi theo con cái suốt đời, không thể chăm bẵm, lo chỗ ăn, ở cả đời  cho con. Các con cũng phải lo cho bản thân, cuộc sống, tổ ấm riêng của chúng. Thế nên, những bậc cha mẹ chúng ta hãy quan tâm và yêu thương chính bản thân mình trước đã, với tuổi trung niên, tuổi già, tinh thần thoải mái, sảng khoái là yếu tố tiên quyết tạo nên chất lượng cuộc sống.

ĐÀM THANH (56 tuổi, huyện Mê Linh, Hà Nội)

Mong có đủ khả năng để bố mẹ “cậy” mình
Tôi nghĩ chúng ta không nên đặt trách nhiệm cho chữ “cậy” nặng nề quá. “Trẻ cậy cha” là khi ta sinh ra được bố mẹ nuôi dưỡng, khi ta già không còn khả năng chăm sóc cho bản thân thì con cái chăm sóc, phụng dưỡng lại. Đó là “già cậy con”, chứ đâu cứ già là khoác cho con cái gánh nặng nuôi dưỡng. Các thành viên yêu thương và chăm sóc lẫn nhau thì đó mới là hơi ấm của một gia đình thật sự. Bố tôi luôn hướng các con đến một cuộc sống gia đình, mà ở đó ai cũng có tiếng nói, ai cũng được nói, và được nghe, ai cũng có thể “cậy” nhờ người khác.

Trách nhiệm của cha mẹ phải gắn liền với nghĩa vụ của con cái - ảnh 2
Trần Khánh Linh

Cho đến bây giờ, khi tôi đã có gia đình riêng, bố mẹ tôi đều được lên chức ông bà ngoại cả rồi nhưng họ vẫn luôn dành thời gian chăm sóc con cháu. Từ khi có gia đình của riêng mình, tôi hiểu hơn rằng, để có được những mâm cơm tươm tất nóng hổi không hề dễ dàng, và chưa bao giờ coi đó là điều đương nhiên. Vì thế, tôi càng thêm biết ơn bố mẹ mình. Nhờ có ông bà nhiệt tình giúp đỡ, tôi mới có thể yên tâm làm mẹ, dành thời gian chất lượng mỗi ngày cho em bé của mình. Hàng trăm hàng ngàn mâm cơm ông bà nấu cho con cháu, sự chăm sóc ấy của ông bà vẫn không hề đổi khác suốt bao năm qua. Bố mẹ tôi vẫn miệt mài ở bên cạnh con gái, như thể dù tôi lấy chồng rồi thì vẫn là con gái bé bỏng trong mắt ông bà vậy. Chưa thấy ông bà thực sự “kệ nó” bao giờ. Chính cách sống, cách đối đãi với con cháu của bố mẹ đã giúp tôi nhận ra rằng, trong một gia đình thực sự thì không hề có khoảng cách, không có câu nệ rằng ai phải chăm ai, ai phải có trách nhiệm với ai. Nó là tình cảm gia đình, đơn giản như vậy thôi.

Cũng đã có lần tôi nghĩ, với tính cách độc lập của bố mẹ thì có khi về già, hai ông bà cũng không cần các con chăm sóc đâu. Với lương hưu cùng rất nhiều mối quan hệ bạn bè, họ có cách hưởng thụ tuổi già rất phong phú. Nhưng trong sâu thẳm, nhớ lại những bữa ăn bố mẹ từng nấu cho mình, cho con mình, tôi chỉ ước mình có đủ khả năng để được bố mẹ “cậy nhờ” mà thôi. 

Trần Khánh Linh(sống tại Hải Phòng)

Nhiều người mong về già “cậy” con
Phải thừa nhận rằng, “nuôi con để sau này con lo cho tuổi già” là mong mỏi của nhiều người cao tuổi. Trong gia đình có con cái, khi cha mẹ bước vào tuổi già, dù gia đình có điều kiện thuê người trông nom thì đối với những người già, người phù hợp nhất để chăm sóc cho bản thân là những người gần gũi nhất với họ, tức là con cái.

Tôi nghĩ, khi già mình có trở thành gánh nặng của con cháu hay không phụ thuộc vào sự giáo dục của mình với con cháu ra sao từ khi mình còn trẻ. Chúng ta không bắt con cháu báo hiếu, nhưng việc con cháu có ý thức làm việc, học tập và đối xử với mọi người xung quanh như thế nào là nền tảng giáo dục xây dựng nhân cách. Tiếp nữa, khi người già càng có sự tự chủ trong mọi việc như rèn luyện chăm sóc sức khoẻ, đến tự chủ tích luỹ tài chính, các công việc sinh hoạt cá nhân, thì sẽ càng ít phụ thuộc vào suy nghĩ “nhờ cậy” con cháu. Và tôi nghĩ, điều quan trọng nhất mà người già nào cũng mong muốn đó là con cháu lúc nào cũng muốn gần gũi với mình, về thăm mình, chơi với mình, lắng nghe mình kể chuyện. Muốn vậy, trách nhiệm làm gương cũng lớn lắm. Góp ý ra sao để con cháu thấy đáng nghe, mà không phải là can thiệp quá sâu vào chuyện riêng nhà chúng. Càng trở thành sự phấn đấu noi gương cho con cháu thì sẽ càng giảm bớt áp lực khi con cháu phải chăm sóc mình.

Bà Phan Thị Bích Thu (65 tuổi, Yên Nghĩa, quận Hà Đông)

 

Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/trach-nhiem-cua-cha-me-phai-gan-lien-voi-nghia-vu-cua-con-cai-a211093.html