Tin liên quan
Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn thành phố
Gần 3.000 chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường trung cấp Hà Nội
Hà Nội công bố chỉ tiêu lớp 10 của 77 trường tư thục
Thừa ủy quyền Chính phủ báo cáo tóm tắt tờ trình của Chính phủ về việc xây dựng Nghị quyết, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Nguyễn Kim Sơn cho biết: Giáo dục mầm non không chỉ là bước khởi đầu mà còn là nền móng vững chắc cho toàn bộ quá trình phát triển trí tuệ, nhân cách và năng lực học tập suốt đời của mỗi công dân.
Giáo dục mầm non vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức lớn
Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non đã phát triển rộng khắp đến tất cả các xã phường, thôn bản trên cả nước, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đưa trẻ đến trường; các điều kiện chăm sóc, giáo dục trẻ, chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ được nâng lên.
Hằng năm, có trên 5,1 triệu trẻ mầm non được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục tại 15.256 trường mầm non và 17.444 cơ sở giáo dục mầm non độc lập; tỷ lệ huy động trẻ em nhà trẻ đạt 34,6%, tỷ lệ huy động trẻ em mẫu giáo đạt 93,6%.
Quang cảnh phiên họp.
Tuy nhiên, giáo dục mầm non vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức lớn như: còn một số lượng khá lớn trẻ em mẫu giáo từ 3 - 4 tuổi chưa được tiếp cận với giáo dục mầm non, tạo ra sự mất công bằng trong tiếp cận giáo dục (có gần 300.000 trẻ em mẫu giáo chưa được đến trường, tập trung tại những nơi khó khăn, đặc biệt khó khăn, vùng cao, miền núi, biên giới, hải đảo, nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số).
Các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục mầm non còn nghèo nàn. Chính sách hiện hành dành cho trẻ em mầm non, giáo viên, cơ sở giáo dục, cơ chế, chính sách đầu tư, xã hội hoá giáo dục còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục mầm non.
Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn báo cáo tại phiên họp.
Hiện nay, Luật Giáo dục chỉ quy định về phổ cập cho trẻ 5 tuổi, để thực hiện phổ cập giáo dục mầm non trẻ mẫu giáo cần sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục. Tuy nhiên, việc sửa đổi Luật cần thời gian đánh giá toàn diện để giải quyết nhiều nội dung phức tạp, trong khi yêu cầu hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non trẻ mẫu giáo đã được đặt ra tại Nghị quyết số 42-NQ/TW “đến năm 2030 hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi”, Kết luận số 91-KL/TW yêu cầu "Từng bước thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 3, 4 tuổi".
“Vì vậy việc ban hành Nghị quyết Quốc hội lúc này là phương án rất cần thiết, cấp bách; vừa thực hiện Nghị quyết của Trung ương, vừa là đòi hỏi của thực tế”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.
Tập trung giải quyết 3 nhóm chính sách
Nghị quyết tập trung giải quyết 3 nhóm chính sách: Ưu đãi đối với trẻ em mẫu giáo trong độ tuổi thực hiện phổ cập, đảm bảo tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo được huy động đến cơ sở giáo dục mầm non để được nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục theo Chương trình giáo dục mầm non; chính sách đối với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; đầu tư phát triển mạng lưới trường, lớp giáo dục mầm non.
Cụ thể, với chính sách đầu tư mạng lưới trường lớp: Đề xuất chương trình đầu tư riêng trong Chương trình Mục tiêu quốc gia giáo dục, ưu tiên xây mới và nâng cấp trường lớp vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới và hải đảo; huy động tối đa nguồn lực xã hội hóa và các quỹ hợp pháp khác, bên cạnh nguồn ngân sách nhà nước.
Với chính sách đột phá cho đội ngũ giáo viên: Trợ cấp tuyển dụng giáo viên mầm non mới vào hệ thống trường công từ năm học 2025-2026; bổ sung 21.427 chỉ tiêu biên chế, khắc phục tình trạng thiếu giáo viên hiện nay…
Về hỗ trợ thiết thực cho trẻ em, đề xuất mở rộng diện được hỗ trợ học phí đến trẻ em học trường dân lập, tư thục là con công nhân tại khu công nghiệp. Việc này đang được thực hiện trong chỉ đạo của Bộ Chính trị về việc miễn học phí cho học sinh công lập từ mầm non đến trung học phổ thông. Tăng mức hỗ trợ tiền ăn trưa, hiện nay mới dừng ở mức 7.000 đồng/trẻ/ngày, không đủ để đảm bảo dinh dưỡng tối thiểu trong bối cảnh giá như hiện nay.
Làm rõ tính vượt trội của các chính sách
Thảo luận về vấn đề này, nhiều Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với việc cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và thực hiện mục tiêu "hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo vào năm 2030".
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, để triển khai thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo từ 3-5 tuổi, Nhà nước phải bảo đảm nguồn tài chính và nguồn nhân lực rất lớn. Trong đó nhấn mạnh các điều kiện đảm bảo về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ giáo viên, nguồn kinh phí thực hiện…
Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải.
Nêu vấn đề ở các thành phố, khu vực đông dân cư, nơi kinh tế - xã hội phát triển có nhiều nhà đầu tư đầu tư xây dựng trường mầm non, còn ở các vùng nông thôn, vùng khó khăn lại rất khó thu hút, Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu của Quốc hội Nguyễn Thanh Hải cho rằng, nếu có chính sách ưu đãi vượt trội và đột phá, đồng thời gắn với trách nhiệm xã hội thì có thể thu hút được nguồn đầu tư tốt hơn.
Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan.
Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan nêu kinh nghiệm quốc tế tại Indonesia khi thực hiện các giải pháp về vấn đề này đồng thời đề nghị Bộ GDĐT nghiên cứu thêm cách làm, cần xác định không chỉ là bữa ăn miễn phí mà là bữa ăn đảm bảo dinh dưỡng cho một thế hệ đến năm 2045. Cần chú trọng khoa học dinh dưỡng các bữa ăn để không những đủ no mà còn giải quyết tình trạng thấp còi và phát triển trí tuệ cho trẻ.
Phát biểu kết thúc nội dung Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh ghi nhận, đánh giá cao sự nỗ lực, chủ động, tích cực của Thường trực Ủy ban Văn hóa và Xã hội, Bộ GDĐT cùng các cơ quan có liên quan trong quá trình thẩm tra sơ bộ dự thảo Nghị quyết.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan phối hợp làm rõ tính vượt trội của các chính sách trong dự thảo Nghị quyết; tính khả thi về nguồn lực; rà soát kỹ lưỡng các chính sách của dự thảo Nghị quyết để tránh chồng lấn với các chính sách về giáo dục hiện hành.
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/cap-thiet-ban-hanh-nghi-quyet-pho-cap-giao-duc-mam-non-3-5-tuoi-a211110.html