Giá vàng liên tục tăng, làm cách nào để "hạ nhiệt"?

Giá vàng trong nước tăng mạnh, tăng nhanh hơn giá vàng thế giới vì nguồn cung khan hiếm. Theo các chuyên gia, Ngân hàng Nhà nước cần có động thái can thiệp để bình ổn thị trường.

Giá vàng liên tục tăng "nóng"

Ghi nhận của báo Tiền Phong vào lúc 14h chiều 22/4, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng miếng SJC 112 - 124 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra, tăng 6,5 triệu đồng/lượng so với đầu giờ sáng. Như vậy, chỉ trong 2 ngày, giá vàng miếng SJC tăng 10 triệu đồng/lượng, thiết lập mốc lịch sử mới.

Giá vàng nhẫn cũng tăng mạnh, bám sát vàng miếng. Cụ thể, Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng nhẫn 119 - 122 triệu đồng/lượng; Tập đoàn Vàng bạc đá quý Phú Quý niêm yết 117 - 122 triệu đồng/lượng.

Tại các cửa hàng vàng lớn, người dân không mua được vàng miếng SJC và phải xếp hàng 1- 2 tiếng mới mua được 1 chỉ vàng nhẫn.

Từ giữa năm ngoái, khi thị trường vàng cũng tăng "nóng", để kéo vàng trong nước sát với giá thế giới, Ngân hàng Nhà nước can thiệp bằng cách bán vàng trực tiếp cho người dân thông qua 4 ngân hàng quốc doanh (Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank) và Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn. Theo đó, giá vàng trong nước từ khoảng cách 18 triệu đồng/lượng xuống còn 4-5 triệu đồng/lượng.

Giá vàng liên tục tăng, làm cách nào để "hạ nhiệt"?- Ảnh 1.

Khách hàng không thể đặt mua vàng trực tuyến tại một ngân hàng quốc doanh. Ảnh: Tiền Phong

Thế nhưng, trong khoảng hơn 1 tuần trở lại đây, giá vàng trong nước liên tục phá đỉnh.

Đến thời điểm này, 4 ngân hàng quốc doanh và Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn chưa có thông báo chính thức về việc ngừng bán vàng miếng SJC. Tuy nhiên, nhiều khách đặt mua vàng online đều không thực hiện được khi liên tục nhận được thông báo "hết lượt truy cập", "đặt lịch hẹn không thành công"...

Trao đổi với báo Tiền Phong, ông Lê Ngọc Lâm - Tổng Giám đốc Ngân hàng BIDV - xác nhận, đợt này BIDV không bán vàng và thực hiện theo chính sách điều hành của Ngân hàng Nhà nước.

Thời gian qua, mặc dù Chính phủ đã nhiều lần yêu cầu Ngân hàng Nhà nước thực hiện ngay các giải pháp ổn định thị trường vàng, không để xảy ra trục lợi, thao túng, làm giá, đầu cơ... nhưng đến nay giá vàng vẫn không ngừng tăng cao và nới rộng khoảng cách với giá thế giới.

Làm thế nào để ổn định giá vàng?

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, trong bối cảnh giá vàng trong nước liên tục tăng "nóng", những biện pháp đến từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) để giúp thị trường bình ổn hơn là vô cùng cần thiết.

"Hiện nay, một số biện pháp hành chính có thể giúp giá vàng hạ nhiệt, ông Hiếu nói.

Tuy nhiên ông Hiếu cũng nhấn mạnh, những biện pháp hành chính chỉ mang tính nhất thời mà không thể giải quyết tận gốc. Vấn đề hiện nay của thị trường vàng đến từ việc cung và cầu không gặp nhau, trong khi nhu cầu mua vàng ngày càng tăng thì nguồn cung lại rất giới hạn.

Ông Hiếu phân tích, vàng thuộc nền kinh tế thị trường, nó chịu ảnh hưởng bởi cung cầu thế nên rất bất định, không theo quy luật nào mà hoàn toàn phụ thuộc vào diễn biến của thị trường.

"Do đó, để có thể can thiệp được vào giá vàng, chúng ta cần phải có biện pháp quân bình được cân bằng cung cầu chứ không thể điều chỉnh thị trường. Vừa qua Chính phủ cũng đã yêu cầu NHNN kiểm soát thị trường, đặc biệt là việc đầu cơ", ông Hiếu nêu quan điểm.

Bên cạnh đó, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cũng cho biết, giá vàng trong nước chịu tác động mạnh mẽ từ giá vàng thế giới. Trong những ngày gần đây, giá vàng thế giới cũng liên tục tăng mạnh khiến giá vàng trong nước tăng theo là điều dễ hiểu.

"Nếu trong thời gian tới, tình hình thế giới không được ổn định trở lại, giá vàng sẽ tiếp tục tăng mạnh nữa", ông Hiếu trao đổi với VTC News.

Tuy nhiên, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng giá vàng cũng có thể giảm bất cứ lúc nào chứ không thể mãi đi lên. "Khi giá tăng cao quá sẽ dẫn đến việc nhiều người có vàng đổ xô đi bán chốt lời. Khi đó, nguồn cung được tăng lên, giá vàng sẽ giảm xuống", ông Hiếu phân tích.

Do đó, ông Hiếu lưu ý người dân cần theo dõi sát diễn biến của thị trường vàng để có thể quyết định việc mua vào hay bán ra, tránh những rủi ro về tài chính khi tham gia đầu tư vàng.

"Với thị trường vàng, không có mức nào gọi là đỉnh, không ai biết được đỉnh của nó cả. Ngày nay mức này là rất cao nhưng ngày mai lại có thể tăng tiếp. Nhu cầu về vàng là không có giới hạn, vì thế giá vàng có thể sẽ vẫn còn tăng tiếp", ông Hiếu nói.

Giá vàng liên tục tăng, làm cách nào để "hạ nhiệt"?- Ảnh 2.

Một cửa hàng "cháy vàng" trong ngày giá cao nhất lịch sử. (Ảnh: Minh Đức/VTC News)

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cũng cho rằng Ngân hàng Nhà nước cần phải có biện pháp để đưa giá vàng trong nước về gần với giá vàng thế giới hơn. Không thể để tình trạng giá vàng thế giới tăng, chúng ta cũng tăng mạnh hơn khiến khoảng cách ngày càng được nới rộng sẽ tạo ra hệ lụy rất xấu. "Việc cần có các biện pháp hành chính để bỉnh ổn thị trường là rất cần thiết", ông Long nêu ý kiến.

Tuy nhiên, giải pháp quan trọng và bền lâu nhất theo TS. Nguyễn Trí Hiếu là cơ quan quản lý cần sớm cân nhắc bỏ độc quyền nhập khẩu vàng. Nếu tăng nguồn cung, đủ đáp ứng nhu cầu thị trường thì giá vàng trong nước có thể sẽ giảm nhiệt, thay vì tăng không ngừng và lại đang xa dần thế giới.

Ngoài ra, cần xem xét việc thiết lập sàn giao dịch vàng chính thức. Sàn giao dịch vàng sẽ giúp liên thông giá vàng trong nước và quốc tế, tạo điều kiện để vàng có thể giao dịch một cách minh bạch, hợp pháp. Việc thành lập sàn giao dịch vàng cũng được cho là sẽ hỗ trợ quản lý chặt chẽ hơn, giảm thiểu các giao dịch vàng qua "chợ đen" và tăng cường minh bạch cho thị trường.

Đồng quan điểm, trao đổi với báo Tiền Phong, ông Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế tài chính, Học viện Tài chính cho rằng, muốn hạ nhiệt giá vàng không có cách nào là nhập khẩu vàng.

Tuy nhiên, ông Độ cho rằng, thời điểm nào nhập khẩu vàng là bài toán cần cân đối. Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam đối mặt nhiều thách thức trước việc áp thuế của Mỹ. Khi hàng không xuất được sang Mỹ ảnh hưởng đến nguồn thu USD.

"Tôi cho rằng, mục tiêu quan trọng của Ngân hàng Nhà nước vẫn là ổn định tỉ giá vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế. Thị trường vàng nên để tự điều tiết. Giá vàng không thể tăng mãi, khi có sự điều chỉnh giảm, nhu cầu người dân sẽ ít đi, từ đó khoảng cách giữa giá vàng trong nước và thế giới tự thu hẹp", ông Độ nói.

Theo ông Độ, thị trường vàng mang nặng tính đầu cơ, giá vàng tăng thì ảnh hưởng người tham gia cuộc chơi chứ không ảnh hưởng nhiều nền kinh tế nên không thể đánh đổi ngoại tệ để kéo giá vàng xuống thấp hơn.

Ông Nguyễn Quang Huy CEO Khoa Tài chính - Ngân hàng trường Đại học Nguyễn Trãi cũng nêu quan điểm, Việt Nam cần có chiến lược quản lý vàng mang tính linh hoạt, minh bạch và đồng bộ để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, hạn chế đầu cơ và tránh nguy cơ "vàng hoá" nền kinh tế trong một thế giới ngày càng khó lường.

Ông Huy phân tích, chênh lệch giá quá lớn giữa vàng trong nước và quốc tế ở mức cao khiến người dân cảm thấy vàng là kênh "lưu trữ tài sản an toàn", dẫn đến xu hướng "găm vàng", hạn chế dòng vốn luân chuyển.

"Tuy nhiên, việc "vàng hoá" chưa lan rộng do Ngân hàng nhà nước vẫn kiểm soát vàng miếng, tiền đồng vẫn ổn định, kênh chứng khoán và bất động sản vẫn thu hút dòng tiền. Nhưng nếu chênh lệch tiếp tục nới rộng, người dân ngày càng đổ xô đi mua tích trữ vàng thì ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường tài chính và làm suy giảm hiệu quả điều hành tiền tệ", ông Huy nói.

Ông Huy cũng cho rằng, trước diễn biến toàn cầu bất định, người dân lo ngại mất giá tiền đồng hoặc rủi ro hệ thống, dẫn đến giảm gửi tiết kiệm, tăng tích trữ vàng vật chất và tâm lý phòng thủ gia tăng. "Nguyên nhân là do chúng ta thiếu một số công cụ phòng ngừa rủi ro chuyên nghiệp", ông Huy nói.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 47 ngày 22/4/2025 về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2025.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương theo dõi chặt chẽ tình hình quốc tế, khu vực, việc điều chỉnh chính sách của các nền kinh tế lớn; sử dụng hiệu quả các công cụ điều hành để điều tiết tỉ giá, lãi suất phù hợp, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế. Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu giữ vững ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, thị trường vàng và an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.

Tại cuộc tiếp xúc cử tri Tp. Cần Thơ ngày 21/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Chính phủ đang xem xét sửa đổi Nghị định số 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, do không còn phù hợp với thực tiễn.

"Cơ quan công an đã khởi tố vụ án tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn; sắp tới tiếp tục xử lý một số tổ chức nữa. Những người làm đúng, làm tốt sẽ được ủng hộ, ai làm sai, vi phạm pháp luật thì phải xử lý nghiêm. Tôi đề nghị Bộ Công an điều tra, xử lý các doanh nghiệp có hành vi buôn lậu, găm hàng, đội giá, trốn thuế, buông lỏng", Thủ tướng nhấn mạnh.

Minh Hoa (t/h)

Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/gia-vang-lien-tuc-tang-lam-cach-nao-de-ha-nhiet-a211135.html