Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank - HoSE: VPB) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2025 với tổng tài sản tăng 7,6% so với đầu kỳ lên 994.037 tỷ đồng. Trong đó, cho vay khách hàng tăng 5,4% lên 729.969 tỷ đồng, tiền gửi của khách hàng tại ngân hàng tăng 13,7% lên 552.374 tỷ đồng.
Về cơ cấu nợ vay theo ngành, VPBank cho vay nhiều nhất đối với hoạt động làm thuê các công việc trong hộ gia đình, sản xuất sản phẩm vật chất và dịch vụ tự tiêu dùng của hộ gia đình (192.956,7 tỷ đồng) và hoạt động kinh doanh bất động sản (185.898 tỷ đồng).
Kết thúc quý I/2025, VPBank ghi nhận thu nhập lãi thuần tăng 17,9% so với cùng kỳ lên gần 13.356 tỷ đồng. Về phía các khoản thu ngoài lãi, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ của ngân hàng đã giảm 25% xuống còn 1.169 tỷ đồng, lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối giảm 61% xuống còn 119 tỷ đồng. Mảng chứng khoán đầu tư khiến VPBank lỗ 135 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi 37 tỷ đồng.
Ngược lại, hoạt động chứng khoán kinh doanh đem về cho VPBank khoản lãi 184 tỷ đồng. Đặc biệt, hoạt động khác của VPBank lãi gấp 3,9 lần năm trước lên 872,8 tỷ đồng.
Nhờ thu nhập lãi thuần và một số khoản thu ngoài lãi tăng trưởng mạnh, dù chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của VPBank tăng 16% lên 6.677 tỷ đồng, ngân hàng vẫn báo lãi trước thuế tăng 20% lên gần 5.015 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 3.935 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2024.
Tại thời điểm kết thúc 3 tháng đầu năm 2025, tổng số nhân viên bình quân của VPBank đã tăng thêm 2.229 người, từ 25.112 nhân viên lên 27.351 nhân viên, tương ứng mức tăng 8,8%.
Tổng quỹ lương của ngân hàng cũng đã tăng thêm 20% so với cùng kỳ năm trước lên gần 2.486 tỷ đồng.
Tiền lương bình quân tháng của nhân viên tăng từ 27,36 triệu đồng/người lên 30,3 triệu đồng/người. Thu nhập bình quân tháng tăng từ 28,6 triệu đồng/người lên 32,96 triệu đồng/người.
Ngày 28/4 tới đây, Đại hội đồng cổ đông thường niên của VPBank dự kiến sẽ diễn ra tại Hà Nội với nhiều nội dung quan trọng dự kiến trình đại hội như kế hoạch kinh doanh 2025 với mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 25.270 tỷ đồng, tăng 26% so với mức thực hiện năm 2024.
Trong đó, lợi nhuận của của ngân hàng mẹ là 22.219 tỷ đồng, của Chứng khoán VPBank (VPBankS) là 2.003 tỷ đồng (tăng 64%) và của Bảo hiểm OPES là 636 tỷ đồng (tăng 34%). Đặc biệt, ngân hàng lên mục tiêu tăng trưởng 120% đối với lợi nhuận của FECredit, tương đương mức tăng gấp đôi từ 512 tỷ đồng lên 1.126 tỷ đồng.
Ngân hàng đặt mục tiêu tổng tài sản hợp nhất tăng 23% lên hơn 1,13 triệu tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi khách hàng và giấy tờ có giá hợp nhất dự kiến tiến đạt 742.311 tỷ đồng, tăng 34%.
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/vpbank-lai-hon-5000-ty-dong-trong-quy-i2025-a211152.html