Chiều 23/4, Sở Thể thao và Văn hóa thành phố Đà Nẵng tổ chức khai mạc Triển lãm mỹ thuật “Vọng” tại Bảo tàng Đà Nẵng (42 – 44 Bạch Đằng, Hải Châu).
Phát biểu tại buổi khai mạc, ông Hà Vỹ, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Đà Nẵng, chia sẻ, Triển lãm "Vọng" là hoạt động nghệ thuật mang tính kết nối giữa ký ức và hiện tại, giữa di sản văn hóa truyền thống với công nghệ hiện đại, từ đó khơi gợi niềm tự hào và ý thức gìn giữ di sản trong cộng đồng, nhất là giới trẻ.
Ông Hà Vỹ, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Đà Nẵng, phát biểu tại buổi khai mạc triển lãm "Vọng".
Với hơn 70 tác phẩm của trên 30 nghệ sĩ, họa sĩ và kiến trúc sư, triển lãm mang đến ba không gian nghệ thuật đặc sắc. Mỗi không gian là một lát cắt ký ức sống động, kết hợp giữa truyền thống và công nghệ, giúp khán giả tiếp cận di sản văn hóa theo những cách thức mới mẻ, sâu sắc.
Nổi bật là không gian sắp đặt "Vọng âm Bài Chòi", nơi trò chơi dân gian Bài Chòi được tái hiện bằng 30 quân bài khổ lớn, làm từ gỗ, tre, giấy… Mỗi quân bài được thiết kế hiện đại, sắp đặt thành vòng tròn nhiều lớp, tạo cảm giác như đang bước vào một "khu vườn ký ức". Một số quân bài còn tích hợp mã QR giúp người xem tra cứu thông tin, tăng tính tương tác và khám phá.
Không gian "Vọng cảnh AR" lại mở ra trải nghiệm độc đáo khi công nghệ thực tế ảo tăng cường (AR) kết hợp cùng hình ảnh, âm thanh, chuyển động. Lấy cảm hứng từ các làng nghề và di sản văn hóa địa phương, "Vọng cảnh AR" giúp người xem "chạm" đến di sản bằng công nghệ – một phương pháp truyền cảm hứng hiệu quả đến thế hệ trẻ.
Cuối cùng là không gian "Di tích Đà Nẵng qua góc nhìn ký họa", trưng bày hơn 50 tác phẩm ghi lại các công trình kiến trúc và di tích tiêu biểu bằng nét vẽ tay đa sắc. Mỗi bức vẽ là một lát cắt ký ức, là lời mời gọi cùng nhìn lại vẻ đẹp trường tồn của thành phố bên sông Hàn.
Nhiều bạn trẻ thích thú với triển lãm "Vọng".
Ông Vỹ nhấn mạnh, triển lãm "Vọng" không chỉ là hoạt động nghệ thuật tưởng niệm ngày lịch sử, mà còn là hành trình khơi dậy tình yêu văn hóa, kết nối cộng đồng với cội nguồn qua nhịp cầu sáng tạo và công nghệ.
Tham quan tại buổi triển lãm, chị Nguyễn Thị Kim Ngân (22 tuổi, sinh viên Đại học Kiến trúc Đà Nẵng), chia sẻ, từng học về Bài Chòi trên sách vở nhưng khi bước vào không gian 'Vọng âm Bài Chòi', thật sự choáng ngợp. Các quân bài lớn được dựng như một khu vườn trừu tượng, mà vẫn gần gũi với văn hóa miền Trung. Lần đầu tiên chị cảm thấy một trò chơi dân gian có thể được tái hiện sáng tạo và hiện đại đến vậy.
Trong khi đó, anh Trần Minh Đức (25 tuổi, nhân viên thiết kế đồ họa) lại cảm thấy thích nhất là không gian "Vọng cảnh AR". Khi giơ điện thoại lên và thấy những hình ảnh sống động hiện ra, anh cảm nhận được di sản như đang chuyển động trước mắt. Đây là cách tiếp cận rất phù hợp với giới trẻ – dễ hiểu, trực quan và cảm xúc. Anh mong Đà Nẵng sẽ có thêm nhiều hoạt động sáng tạo như thế này để đưa văn hóa truyền thống đến gần hơn với người trẻ.
Bên cạnh đó, chị Lê Thị Thanh Như (20 tuổi, sinh viên Đại học Duy Tân) tâm sự: "Tôi xúc động khi đứng trước những bức ký họa di tích quen thuộc của thành phố. Có nơi tôi đi qua mỗi ngày, nhưng khi nhìn bằng con mắt của các họa sĩ, tôi thấy mọi thứ thân quen bỗng trở nên thiêng liêng. Tôi nghĩ triển lãm này không chỉ là nghệ thuật, mà còn là một lời nhắc, mình đang sống giữa những di sản cần được trân quý".
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/da-nang-khai-mac-trien-lam-vong-chao-mung-50-nam-giai-phong-mien-nam-thong-nhat-dat-nuoc-a211194.html