Bắc Giang sẵn sàng cho vụ vải thiều 2025

(Chinhphu.vn) - Bắc Giang, thủ phủ vải thiều của cả nước, đang bước vào vụ mùa 2025 với nhiều kỳ vọng lớn dù đối mặt với không ít thách thức từ thời tiết và nguồn nước tưới. Với sự chuẩn bị bài bản từ sản xuất đến tiêu thụ, tỉnh đang nỗ lực để đảm bảo một vụ mùa thành công, vừa nâng cao giá trị kinh tế, vừa khẳng định thương hiệu vải thiều trên thị trường trong và ngoài nước.

Bắc Giang sẵn sàng cho vụ vải thiều 2025- Ảnh 1.

Bắc Giang đang áp dụng chiến lược tiêu thụ vải thiều đa dạng, kết hợp giữa thị trường trong nước và xuất khẩu

Sản lượng và chất lượng cao

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Bắc Giang, năm 2025, diện tích vải thiều toàn tỉnh được duy trì ổn định ở mức 29.700 ha, bao gồm 8.000 ha vải sớm và 21.700 ha vải chính vụ. Sản lượng dự kiến đạt 165.000 tấn, trong đó vải sớm ước tính 60.650 tấn và vải chính vụ 104.350 tấn. Giá trị sản xuất vải thiều được kỳ vọng đạt khoảng 5.000 tỷ đồng. Thời gian thu hoạch vải sớm sẽ diễn ra từ ngày 20/5 đến 15/6, trong khi vải chính vụ bắt đầu từ 10/6 và kéo dài đến 20/7/2025.

Dù thời tiết năm nay không thuận lợi với tình trạng nắng nóng và khô hạn kéo dài, tỷ lệ ra hoa của cây vải thiều vẫn đạt trên 90%, tỷ lệ đậu quả đạt hơn 80%. Tại Hội nghị kết nối, thỏa thuận hợp tác tiêu thụ vải thiều năm 2025 diễn ra ngày 23/4, ông Lê Bá Thành, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Bắc Giang khẳng định: "Chất lượng vải thiều Bắc Giang năm nay cao hơn năm trước và có thể nói là tốt nhất từ trước đến nay." Hiện tại, tỉnh có 16.000 ha vải thiều đạt tiêu chuẩn VietGAP, 204 ha đạt GlobalGAP và 10 ha sản xuất theo hướng hữu cơ, đảm bảo đáp ứng các yêu cầu khắt khe của thị trường.

Để đạt được kết quả này, ngay từ đầu vụ, Bắc Giang đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt. Các mã số vùng trồng được kiểm soát chặt chẽ với 240 mã số và 39 cơ sở sơ chế, đóng gói xuất khẩu. Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật được giám sát nghiêm ngặt, đảm bảo không sử dụng chất cấm hay chất gây hại. Ngành nông nghiệp cũng tăng cường theo dõi sâu bệnh, áp dụng các biện pháp phòng trừ kịp thời với phương châm lấy chất lượng và an toàn làm yếu tố cốt lõi.

Mặc dù triển vọng sản lượng và chất lượng khả quan, một lo ngại lớn hiện nay là tình trạng thiếu nước tưới. Nhiều tháng qua, Bắc Giang gần như không có mưa, dẫn đến một số cây vải ở vùng cao bị chết do hạn. Để khắc phục, ngành nông nghiệp đang tập trung hướng dẫn nông dân các biện pháp chăm sóc, kiểm soát chặt chẽ vật tư đầu vào, đồng thời dự báo kịp thời tình hình sâu bệnh để có biện pháp ứng phó hiệu quả. Những nỗ lực này không chỉ giúp giảm thiểu thiệt hại mà còn đảm bảo chất lượng quả vải trong bối cảnh thời tiết bất lợi.

Phát triển kênh tiêu thụ đa dạng

Bắc Giang đang áp dụng chiến lược tiêu thụ đa dạng, kết hợp giữa thị trường trong nước và xuất khẩu, đồng thời đổi mới phương thức bán hàng để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Ông La Văn Nam, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang, cho biết tỉnh xác định coi trọng tất cả các thị trường, từ nội địa đến quốc tế.

Về thị trường trong nước, tỉnh Bắc Giang đã chủ động kết nối ngay từ đầu vụ với các hệ thống phân phối lớn như Tập đoàn Central Retail, MM Mega Market Việt Nam, Saigon Co.op (Co.opmart), WinCommerce (WinMart), cùng các chợ đầu mối và chợ truyền thống tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Đồng Nai và nhiều tỉnh, thành phố khác. Các doanh nghiệp, thương nhân trong cả nước cũng được khuyến khích tham gia ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các hợp tác xã và nhà vườn.

Thị trường xuất khẩu cũng tiếp tục được mở rộng. Trung Quốc vẫn là thị trường truyền thống với quan hệ hợp tác lâu năm, nhưng tỉnh cũng chú trọng đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Malaysia, UAE, Singapore, Trung Đông, Thái Lan và Canada. Sản phẩm xuất khẩu bao gồm cả vải tươi và vải chế biến, nhằm đa dạng hóa sản phẩm và tăng giá trị gia tăng.

Đặc biệt, Bắc Giang đang đổi mới phương thức tiêu thụ bằng cách kết hợp bán hàng truyền thống với thương mại điện tử. Vải thiều được đưa lên các sàn thương mại điện tử trong và ngoài nước, cũng như quảng bá trên các nền tảng mạng xã hội như TikTok, Facebook, Zalo, Youtube. Các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối được khuyến khích mở rộng mạng lưới thu mua, ưu tiên phân phối vải thiều, đảm bảo đưa sản phẩm tươi ngon nhất đến tay người tiêu dùng.

Bắc Giang cam kết tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp, thương nhân trong và ngoài nước tham gia thu mua, chế biến và tiêu thụ vải thiều. Tỉnh đã chỉ đạo đơn giản hóa thủ tục hành chính, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện vật tư, dịch vụ phụ trợ phục vụ sản xuất và kinh doanh. Các đơn vị logistics, chuyển phát nhanh cũng được khuyến khích nghiên cứu giải pháp bảo quản, xây dựng chuỗi logistics chuyên biệt với chi phí hợp lý, rút ngắn thời gian vận chuyển để đảm bảo vải thiều luôn tươi ngon khi đến tay người tiêu dùng.

Trong thời gian tới, Bắc Giang sẽ xây dựng hệ thống logistics hiện đại để đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa ngày càng tăng, đồng thời phát triển các chợ nông sản đầu mối. Tỉnh cũng kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào các trung tâm logistics tại địa phương. Ngoài ra, Bắc Giang sẽ tham gia hội chợ trái cây tại Mỹ Tho (Cần Thơ) vào tháng 5/2025 để quảng bá vải thiều cùng các nông sản và nét văn hóa đặc sắc đến người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Bắc Giang không chỉ dừng lại ở việc tiêu thụ vải thiều tươi mà còn hướng đến chế biến sâu để gia tăng giá trị. Các sản phẩm chế biến từ vải như trà, đồ uống, bánh, mứt đang được khuyến khích phát triển, giúp kéo dài thời gian tiêu thụ và giảm áp lực mùa vụ. Việc sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và hữu cơ cũng được mở rộng, nhằm đáp ứng yêu cầu khắt khe của các thị trường quốc tế, đồng thời nâng cao giá trị thương hiệu "Vải thiều Lục Ngạn" – sản phẩm OCOP 5 sao nổi tiếng.

Đỗ Hương

Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Vải thiều đang được giáVải thiều đang được giá

Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/bac-giang-san-sang-cho-vu-vai-thieu-2025-a211359.html