Còn “sạn" trong công tác truy xuất nguồn gốc
Ngày 22/3, phát biểu tại Hội thảo “Truy xuất nguồn gốc (TXNG), ứng dụng nền tảng số trong hỗ trợ kết nối, tiêu thụ nông sản Việt”, ông Bùi Bá Chính, PGĐ Phụ trách Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia, Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Bộ KHCN nhận định, dữ liệu truy xuất nguồn gốc của nước ta hiện nay còn bị phân tán, chủ yếu được lưu trữ trong nội bộ của doanh nghiệp hoặc các đơn vị cung cấp giải pháp.
Do đó, chưa có sự kết nối, chia sẻ giữa các Bộ, ngành, địa phương và các đơn vị cung cấp giải pháp để tự động hình thành thông tin và cập nhật hệ thống truy xuất. Điều này sẽ gây nhiều khó khăn cho việc hỗ trợ hoạt động thương mại bởi hầu hết các sản phẩm lưu hành trên thị trường đều chịu sự quản lý của đa ngành hoặc sản xuất tại nhiều địa phương, thậm chí cả ở nhiều quốc gia.
Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện Đề án 100 do Chính phủ ban hành, cũng như trong quá trình hỗ trợ cho doanh nghiệp thực tế, ông nhận thấy, thông tin TXNG hiện tại cũng chưa đáp ứng được các nguyên tắc cơ bản như: không đủ các bên tham gia chuỗi cung ứng, không đủ phần tử dữ liệu chính và thông tin không chính xác.
Ông lấy ví dụ, với sản phẩm nông sản, thành phần dữ liệu đặc biệt quan trọng là yếu tố về an toàn thực phẩm, thông tin, chỉ số thuốc bảo vệ thực vật, phân bón… thì hiện nay vẫn chưa đầy đủ.
Mặt khác, người dùng hiện tại có thể phải cài đặt nhiều phần mềm cùng lúc, do đơn vị cung cấp giải pháp chỉ cho phép dùng phần mềm nội bộ mới có thể truy cập được thông tin, gây ra sự nhiễu loạn và khó theo dõi cho người dùng.
Do đó, cần phải có sự chuẩn hóa lại các ứng dụng truy xuất, đồng thời bảo đảm tính kết nối hệ thống ứng dụng sau khi được chuẩn hoá.
Doanh nghiệp xuất nhập khẩu lo lắng
Từ góc nhìn của doanh nghiệp, bà Ngô Tường Vy, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Xuất nhập khẩu Chánh Thu cho biết, doanh nghiệp khi xuất khẩu mặt hàng nông sản sang thị trường nước ngoài, gặp rất nhiều khó khăn. Do vậy, khi đáp ứng đủ được những vấn đề về nguồn gốc như TXNG, sản phẩm sẽ có tính cạnh tranh hơn, đồng thời giảm bớt áp lực cho doanh nghiệp.
Nói về những khó khăn gặp phải khi xuất khẩu bưởi sang thị trường Mỹ của Công ty, bà chia sẻ, Mỹ là thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất hiện nay của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu trên 2,3 tỷ USD. Tuy nhiên, hiện nay mặt hàng trái cây tươi xuất khẩu sang Mỹ còn nhiều hạn chế, khó khăn do quy định của thị trường Mỹ nghiêm ngặt.
Theo đó, chương trình bảo vệ thực vật và kiểm dịch của Mỹ sẽ giám sát tất cả các loại trái cây nhập khẩu nhằm phát hiện các loài xâm lấn, côn trùng có nguy cơ cao đối với ngành nông nghiệp.
Mặt khác, sản phẩm nhập khẩu phải có giấy phép kiểm dịch đạt yêu cầu xuất khẩu ‐ Luật hiện đại hóa an toàn thực phẩm của Mỹ yêu cầu doanh nghiệp xuất khẩu phải đăng ký cơ sở sản xuất và người đại diện tại Mỹ. Sau 2 năm, phải tiến hành đăng ký lại thì mới được cấp mã số kinh doanh hợp lệ mới.
Không những thế, doanh nghiệp phải chịu chi phí tuân thủ và chi phí logistic tăng cao. Cụ thể, sản phẩm trái cây tươi khi xuất khẩu sang thị trường Mỹ đều phải được xử lý chiếu xạ.
Hơn nữa, do ảnh hưởng của dịch Covid, chi phí tàu chuyên chở hàng hóa tăng cao, các chuyến tàu cập cảng tại Mỹ trễ từ 10 đến 15 ngày so với thời kỳ trước dẫn đến chất lượng sản phẩm không được đảm bảo.
Từ đó, bà bày tỏ hy vọng, với sự vào cuộc của các Bộ, ban, ngành, hệ sinh thái doanh nghiệp, cùng nhau chung tay sẽ giải quyết được các thực trạng ở địa phương về TXNG như: Một số địa phương còn chưa dành sự quan tâm đúng mức đối với công tác kiểm tra, giám sát và quản lý vùng trồng; cán bộ kỹ thuật còn chưa có nhận thức và năng lực kiểm tra đồng đều.
Hay thực trạng khác, chưa có chế tài đủ mạnh để xử lý các trường hợp vi phạm về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói; nhận thức của người dân ở nhiều vùng được cấp mã số còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu của nước nhập khẩu.
Cùng vượt qua rào cản phi thuế quan
Trước thực trạng và lo lắng của doanh nghiệp, ông Bùi Bá Chính cho biết, Trung tâm đang khuyến nghị, phối hợp cùng các cơ quan chức năng để xây dựng nên tiêu chuẩn Quốc gia cho mã vùng trồng, với mục tiêu phù hợp xu hướng toàn cầu trong tương lai từ mặt hàng nông sản cho tới mọi sản phẩm công nghiệp khác của Việt Nam, khi xuất khẩu sẽ được định danh nơi sản xuất.
Qua đó, góp phần vượt qua những rào cản phi thuế quan, đặc biệt sau khi ký kết các Hiệp định tự do thương mại song phương, đa phương. “Chúng ta cần phải chuẩn bị từ bây giờ, bởi khi các rào cản phi thuế quan không còn nữa, thì các rào cản thuế quan cũng trở nên dễ dàng hơn”, ông Chính nhấn mạnh.
Khi Bộ KHCN triển khai Cổng thông tin TXNG Quốc gia, sẽ đảm bảo ngoài việc xây dựng tiêu chuẩn cho hệ thống hành lang pháp lý như Thông tư, Nghị định, bổ sung pháp lý, đồng thời đảm bảo kết nối hai chiều giữa hệ thống truy xuất vệ tinh của các Bộ khác như Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Bộ Y tế.
Ngoài ra, Cổng thông tin cũng sẽ kết nối hệ thống truy xuất ở các địa phương, đơn vị sản xuất, vùng trồng hay đơn vị cung cấp ứng dụng cho người dùng ở các doanh nghiệp, Tập đoàn.
Tuy nhiên, vẫn sẽ đảm bảo tính minh bạch thông tin bởi tính năng kiểm tra chéo, cập nhật thông tin liên tục dựa trên thời gian thực của Cổng, qua đó đảm bảo cho công tác thực thi, quản lý được diễn ra dễ dàng hơn.
Ông thông tin thêm, Trung tâm mã số, mã vạch Quốc gia hiện đang là thành viên trong tổ chức về Mã số, mã vạch toàn cầu gồm 115 nước. Bởi vậy, việc kết nối với các nước khác sẽ rất thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu, chia sẻ và thu thập dữ liệu, thông tin TXNG lẫn nhau.
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/doanh-nghiep-loay-hoay-vi-kiem-dinh-nguon-goc-nong-san-a21173.html