Ba vụ tự tử tại Vạn Hạnh Mall: Hiệu ứng Werther và sự lan nhiễm tâm lý từ truyền thông

Chỉ trong thời gian ngắn, 3 vụ tự tử tại Trung tâm thương mại Vạn Hạnh Mall có thể được lý giải dưới góc độ tâm lý học và xã hội học mang tên Hiệu ứng Werther.

Không có chuyện mê tín dị đoan

Mới đây, tại Trung tâm thương mại Vạn Hạnh Mall (Quận 10, Tp. HCM) lại xảy ra một vụ nghi tự sát. Trước đó, giữa tháng 3 và đầu tháng 4/2025, tại đây đã xảy ra 2 vụ tượng tự, những người tự tử đều có độ tuổi rất trẻ. Sự việc liên tiếp xảy ra tại một trung tâm lớn đã thu hút sự chú ý của nhiều người, đồng thời không ít ý kiến "mê tín dị đoan" lý giải về tình trạng đó.

Đây không phải hiện tượng dị đoan như những lời đồn. Thay vào đó, chúng ta cần chú ý về một hiện tượng nguy hiểm, đó là sự lan truyền của hành vi tự sát trong xã hội.

Dưới góc độ tâm lý học và xã hội học, hiện tượng những vụ tự sát liên tục xảy ra tại một địa điểm sau khi có thông tin trên truyền thông được gọi là Hiệu ứng Werther. Đây là thuật ngữ dùng để chỉ hiện tượng gia tăng các vụ tự sát sau khi truyền thông đưa tin chi tiết về một vụ trước đó.

Cụ thể, hiệu ứng trên bắt nguồn từ tiểu thuyết Nỗi khổ của chàng Werther (1774) của Goethe. Sau khi tác phẩm này phát hành, hàng loạt thanh niên ở Châu Âu đã bắt chước hành động tự kết liễu đời mình của nhân vật chính.

Ba vụ tự tử tại Vạn Hạnh Mall: Hiệu ứng Werther và sự lan nhiễm tâm lý từ truyền thông- Ảnh 1.

Việc xảy ra nhiều vụ tự sát tại một địa điểm như Vạn Hạnh Mall đã được lý giả bằng kiến thức khoa học, không có chuyện mê tín dị đoan.

Một ví dụ điển hình của Hiệu ứng Werther là tại thị trấn Bridgend (Anh), trong vòng hai năm (2007–2009), 25 thanh thiếu niên đã lần lượt tự sát. Tất cả khởi đầu vào tháng 1/2007, khi Dale Crole (18 tuổi) chết trong một nhà kho bỏ hoang cách thị trấn 10km. 

Tháng sau, người ta lại tìm thấy xác của David Dilling (19 tuổi) bạn của anh ta trong một ngôi làng lân cận. Và cứ thế, trong vòng hai năm, 25 thiếu niên tuổi từ 15 - 28 tự sát trong cả thị trấn và vùng phụ cận.

Dù nhiều người trong số họ chưa từng quen biết nhau nhưng điểm chung là họ đều tự sát bằng cách treo cổ giống như Dale Crole.

Các nhà nghiên cứu nhận ra rằng bắt đầu từ cái chết của Dale Crole, tất cả các vụ việc đều được báo chí địa phương đăng tải với mức độ chi tiết và cảm xúc cao, được nhiều người chú ý. Và chính điều đó đã vô tình biến tự sát thành một "mô hình hành vi" có thể bị bắt chước.

Một trong những người đầu tiên đã chứng minh được "Hiệu ứng Werther" là nhà xã hội học David P. Philips (Trường Đại học California) khi nghiên cứu hiện tượng tự sát tại Hoa Kỳ và quan sát những lúc cao điểm trong nhiều tháng liền.

Ông nhận thấy làn sóng tự sát luôn diễn ra theo sau cái chết đầu tiên, được đăng lên trang bìa các tờ báo. Khi các báo địa phương khai thác đề tài này càng dữ dội thì làn sóng tự sát sau đó càng mãnh liệt, như thể truyền thông đã vô tình quảng cáo cho nó.

Tương tự với vụ việc tại Vạn Hạnh Mall, đây vốn là khu trung tâm mua sắm nổi tiếng, khi có vụ việc tự sát xảy ra thì thông tin nhanh chóng được lan truyền trên mạng xã hội một cách rộng rãi, được bàn luận với cảm xúc mãnh liệt và được mô tả bằng hình ảnh, clip, hay câu chuyện chi tiết thì có thể kích hoạt ý tưởng tự tử tiềm ẩn trong tâm trí nhiều người khác, gây ra nguy cơ về hiệu ứng domino.

Theo nghiên cứu của James Mercy và cộng sự tại Mỹ, nguy cơ tự tử ở một cá nhân tăng gấp hai lần nếu họ từng chứng kiến cái chết của người quen; thậm chí tăng gấp bảy lần nếu cái chết đó xảy ra trong vòng chưa đầy một năm.

Tuy nhiên, đáng sợ hơn cả là sự lan nhiễm tâm lý qua truyền thông không cần đến mối quan hệ cá nhân. Một bài viết, một video, hay một dòng trạng thái thương tiếc cũng có thể trở thành chất xúc tác cho người đang trong trạng thái bất ổn tinh thần.

Trong hiện tượng tự sát ở Vạn Hạnh Mall, có thể thấy cơ chế của Hiệu ứng Werther:

Đầu tiên là các vụ tự sát xảy ra tại nơi công cộng, được quay phim, đăng tải và chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội, gây nhiều chú ý, dễ kích hoạt cảm xúc đồng cảm sâu sắc nơi những người đang trải qua khủng hoảng tâm lý.

Chẳng hạn, với người đang trong giai đoạn bất ổn cảm xúc, cảm thấy tuyệt vọng và đã có ý tưởng tự sát trong đầu thì bất ngờ, xung quanh bàn tán về một vụ tự sát với các thông điệp như "muốn giải thoát", "không muốn làm gánh nặng",... Thì câu chuyện sẽ trở thành một gợi ý thúc đẩy khiến người đó muốn tự sát hơn, với phương thức giống như vụ tự sát mà người ta đã đồn thổi.

Tiếp theo, khi địa điểm xảy ra tự sát gắn với tính biểu tượng (Trung tâm thương mại) và từng có vụ tương tự trước đó thì tạo nên một sự ám thị trong tâm lý những người khác, khiến nơi này càng dễ trở thành địa điểm cho các vụ tự sát kế tiếp.

Theo các chuyên gia, việc chọn không gian công cộng có thể phản ánh mong muốn được "thấy", được "nghe" dù là trong khoảnh khắc cuối cùng. Đối với một số người đang tuyệt vọng, hành vi tự sát này không chỉ là kết thúc cá nhân, mà còn gửi một thông điệp về sự cô đơn và nỗi đau của mình để gửi tới xã hội.

Khi xã hội đáp lại bằng sự chú ý quá mức hoặc truyền thông đáp lại bằng sự kịch tính, điều đó có thể biến nỗi đau thành biểu tượng, tạo tiền lệ cho những người khác đi theo.

Những biện pháp ngăn chặn

Để ngăn ngừa những vụ việc tương tự tái diễn, truyền thông và người dùng mạng xã hội cần tránh mô tả chi tiết, không dùng hình ảnh, video hiện trường gây sốc. Đặc biệt, không được lãng mạn hóa hoặc kịch tính hóa hành động tự tử; cần nghĩ kỹ trước khi chia sẻ thông tin, đồng thời hãy chia sẻ thêm thông tin hỗ trợ tâm lý, dịch vụ tư vấn,…

Ngoài ra, cần phát triển tâm lý học cộng đồng mạnh mẽ hơn, mở rộng tiếp cận dịch vụ hỗ trợ tâm lý, đặc biệt với thanh thiếu niên là nhóm có nguy cơ cao nhất.

Không chỉ dừng ở việc phân tích tâm lý xã hội, Hiệu ứng Werther cũng cần được xử lý bằng giải pháp thiết kế môi trường để phòng ngừa hành vi tiêu cực.

Thay vì chỉ tập trung vào điều trị cá nhân, cách tiếp cận này nhấn mạnh đến việc thiết kế không gian vật lý nhằm giảm thiểu hành vi tiêu cực trong cộng đồng, tăng khả năng phát hiện hoặc can thiệp, thay đổi cảm nhận tâm lý tại môi trường đó.

Ba vụ tự tử tại Vạn Hạnh Mall: Hiệu ứng Werther và sự lan nhiễm tâm lý từ truyền thông- Ảnh 2.

Tấm "Pixel Veil" – một dạng lưới kim loại trang trí được thiết kế lắp đặt tại Thư viện Bobst của Đại học New York để giảm thiểu nguy cơ tự tử.

Các giải pháp có thể áp dụng tại Vạn Hạnh Mall như: Lắp đặt rào chắn hoặc lưới ở các tầng cao, đặc biệt khu vực lan can, cầu thang, giếng trời, khu vực ít người để hạn chế khả năng ai đó tiếp cận vị trí nguy hiểm; Đặt thêm các quầy hàng nhỏ hoặc đồ trang trí để giảm tránh góc khuất tĩnh lặng nơi người có ý định tự sát dễ lựa chọn để không bị chú ý hoặc ngăn cản; Lắp đặt bảng hiệu truyền thông tích cực, hướng dẫn tiếp cận dịch vụ tư vấn tâm lý,…

Ths. Ngọc cho biết thêm, biện pháp trên đã được áp dụng thành công tại Thư viện Bobst của Đại học New York (Manhattan). Vào năm 2003, sau khi hai sinh viên nhảy lầu tự sát tại đây, nhiều người khác trong cộng đồng cũng tìm đến tự sát tại nơi này, thậm chí họ còn cố trốn bảo vệ và trèo qua rào chắn đã được nâng cao để nhảy xuống.

LUG.vn tổ chức sự kiện sinh nhật tại Vạn Hạnh Mall với nhiều ưu đãi khủngĐiều tra vụ 1 phụ nữ rơi khỏi ô tô tử vong, người đàn ông đốt xe nghi tự sát

Đến năm 2012, thư viện đã lắp đặt "Pixel Veil" – một dạng lưới kim loại trang trí được thiết kế để giảm thiểu nguy cơ tự tử từ các tầng trên của thư viện. Bobst Pixel Veil tạo ra một không gian an toàn nhưng vẫn thẩm mỹ.

Việc kết hợp với các phong trào hỗ trợ tâm lý tại địa phương cũng được triển khai, từ đó không còn các vụ nhảy lầu tự sát tại Thư viện Bobst nữa. Đây là một ví dụ hiệu quả về giải pháp kết hợp tư duy sáng tạo với phòng ngừa tự tử.

Tự sát không phải là sự giải thoát, càng không nên trở thành một hành vi được nối tiếp. Hiệu ứng Werther cho chúng ta thấy rõ rằng nỗi đau có thể lây lan nếu không được kiểm soát đúng cách.

Đã đến lúc mỗi chúng ta cần hành động tỉnh táo, nhân văn và khoa học trong việc tiếp cận, chia sẻ thông tin, giữ cho cộng đồng an toàn, lành mạnh và không để những cái chết trở thành những ngọn lửa âm ỉ lan ra trong lòng xã hội.

ThS.Luật gia Lê Bảo Ngọc (Tác giả các sách về Tâm lý Tội phạm)

Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/ba-vu-tu-tu-tai-van-hanh-mall-hieu-ung-werther-va-su-lan-nhiem-tam-ly-tu-truyen-thong-a211755.html