Nằm trong chuỗi sự kiện hoạt động chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025), Festival Gốm truyền thống Biên Hòa đã chính thức khai mạc ngày 27/4 tại Trung tâm Sự kiện và đối ngoại tỉnh, mở ra không gian văn hóa đặc sắc, tôn vinh nghề gốm thủ công mỹ nghệ lâu đời của vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai.
Theo ghi nhận của Người Đưa Tin, hàng ngàn người dân và du khách đã đổ về khu vực trưng bày để chiêm ngưỡng những sản phẩm gốm xưa và nay.
Gian hàng gốm Biên Hòa nổi bật với những dòng sản phẩm gốm đất đen, gốm men xanh đồng trổ bông, gốm chạm khắc, chạm lộng, trang trí nét chìm...
Những kỹ thuật chế tác tinh xảo, nhuốm màu thời gian đã gây ấn tượng mạnh với khách tham quan, gợi nhớ một thời kỳ vàng son của làng gốm Biên Hòa.
Chia sẻ cảm xúc sau khi tham quan, chị Nguyễn Thị Minh Thư (32 tuổi, ngụ Tp.Biên Hòa) cho biết: "Tôi thật sự bất ngờ trước vẻ đẹp tinh tế của các sản phẩm gốm truyền thống. Festival này không chỉ giúp tôi hiểu hơn về nghề gốm mà còn khơi gợi niềm tự hào về quê hương mình".
Còn anh Lê Văn Phúc (42 tuổi, du khách đến từ Tp.Dĩ An) bày tỏ: "Tôi ấn tượng với cách mà các nghệ nhân giới thiệu và hướng dẫn làm gốm tại chỗ. Được tự tay nặn đất, tạo hình, tôi cảm nhận rõ sự kỳ công và tâm huyết đằng sau mỗi sản phẩm".
Với quy mô hơn 3.000m², Festival năm nay quy tụ sự tham gia của 6 địa phương, đơn vị nổi tiếng trong ngành gốm mỹ nghệ trên cả nước. Ông Nguyễn Văn Lĩnh, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Xúc tiến thương mại Đồng Nai (Sở Công thương), cho biết sự kiện kéo dài từ ngày 27/4 đến 30/4, quy tụ hàng trăm sản phẩm gốm nghệ thuật mang giá trị văn hóa và thẩm mỹ cao. Các dòng gốm danh tiếng như gốm Thanh Hà (Quảng Nam), gốm đỏ (Vĩnh Long), gốm Bàu Trúc (Bình Thuận), gốm sứ Bình Dương... cùng hiện diện, tạo nên một bức tranh văn hóa đa sắc màu.
Không chỉ dừng lại ở việc trưng bày, Festival còn mang đến những trải nghiệm văn hóa sống động. Tại khu vực Bảo tàng Đồng Nai, nhiều loại tranh gốm độc đáo được giới thiệu, cùng với những câu chuyện thú vị về quá trình hình thành và phát triển của nghề gốm Biên Hòa.
Du khách còn được trực tiếp quan sát và tham gia vào một số công đoạn làm gốm thủ công như nhào đất, tạo hình, khắc họa tiết, mang đến cảm giác gần gũi và hiểu hơn về sự kỳ công trong từng sản phẩm.
Festival sẽ tiếp tục diễn ra đến hết ngày 30/4 với nhiều hoạt động hấp dẫn như biểu diễn nghệ thuật, giao lưu nghệ nhân và workshop trải nghiệm làm gốm. Với không khí sôi động, đậm đà bản sắc, Festival Gốm truyền thống Biên Hòa năm nay hứa hẹn sẽ để lại những dấu ấn khó quên trong lòng du khách thập phương.
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/kham-pha-ve-dep-tinh-xao-cua-gom-truyen-thong-bien-hoa-tai-festival-gom-2025-a211926.html