Chi tiêu quân sự toàn cầu lập kỷ lục trong bối cảnh mới

Căng thẳng địa chính trị đã khiến chi tiêu quân sự tăng lên ở tất cả các khu vực trên thế giới.

Chi tiêu quân sự trên toàn thế giới đã chứng kiến mức tăng mạnh nhất vào năm 2024 kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, đạt 2,7 nghìn tỷ USD trong bối cảnh mới khi giao tranh và căng thẳng gia tăng đóng vai trò thúc đẩy.

Thông tin trên được đưa ra trong báo cáo mới nhất của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) công bố hôm 28/4.

Trên thực tế, chi tiêu quân sự vào năm 2024 đã tăng 9,4% trên toàn cầu so với năm 2023, với việc năm 2024 cũng đánh dấu năm thứ 10 liên tiếp chỉ số này tăng, theo SIPRI.

"Đây thực sự là điều chưa từng có", ông Xiao Liang, một nhà nghiên cứu của Chương trình Sản xuất Vũ khí và Chi tiêu Quân sự SIPRI, nói với AFP. "Đây là mức tăng theo năm cao nhất kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc".

Dữ liệu từ SIPRI cho thấy, căng thẳng địa chính trị đã khiến chi tiêu quân sự tăng lên ở tất cả các khu vực trên thế giới, với mức tăng trưởng đặc biệt nhanh chóng ở cả châu Âu và Trung Đông.

Chi tiêu quân sự toàn cầu lập kỷ lục trong bối cảnh mới- Ảnh 1.

Chi tiêu quân sự toàn cầu đạt mức đỉnh mới vào năm 2024, với khoảng 2,7 nghìn tỷ USD - cao hơn 9,4% so với năm 2023. Ảnh: SCMP

"Hơn 100 quốc gia trên khắp thế giới đã tăng chi tiêu quân sự vào năm 2024", SIPRI cho biết trong báo cáo của mình.

"Khi các chính phủ ngày càng ưu tiên an ninh quân sự, thường là gây tổn hại đến các lĩnh vực ngân sách khác, thì những đánh đổi về kinh tế và xã hội có thể có tác động đáng kể đến xã hội trong nhiều năm tới", báo cáo cho biết.

Cuộc chiến ở Ukraine và những nghi ngờ về cam kết của Mỹ đối với liên minh NATO đã khiến chi tiêu quân sự ở châu Âu (bao gồm cả Nga) tăng 17%, đẩy chi tiêu quân sự của "cựu lục địa" vượt quá mức được ghi nhận vào cuối Chiến tranh Lạnh.

Chi tiêu quân sự của Nga ước tính đạt 149 tỷ USD vào năm 2024, tăng 38% so với năm 2023 và gấp đôi mức năm 2015. Con số này chiếm 7,1% GDP của Nga và 19% tổng chi tiêu của chính phủ.

Tổng chi tiêu quân sự của Ukraine tăng 2,9% lên 64,7 tỷ USD, tương đương 43% chi tiêu của Nga. Với chi tiêu quân sự chiếm 34% GDP, Ukraine là quốc gia gánh chịu gánh nặng quân sự lớn nhất vào năm 2024.

"Ukraine hiện đang phân bổ toàn bộ doanh thu thuế cho quân đội", SIPRI cho biết. "Trong bối cảnh tài chính eo hẹp như vậy, Ukraine sẽ gặp khó khăn trong việc tiếp tục tăng chi tiêu quân sự".

Mỹ, quốc gia chi mạnh nhất thế giới, đã tăng chi tiêu 5,7%, đạt 997 tỷ USD. Chỉ riêng con số đó đã chiếm 37% chi tiêu trên toàn thế giới và 66% chi tiêu quân sự trong số các quốc gia NATO.

Tổng chi tiêu quân sự của 32 thành viên trong liên minh NATO do Mỹ đứng đầu đã tăng lên 1,5 nghìn tỷ USD khi hầu như tất cả các thành viên đều tăng chi.

"Chúng tôi đã thấy vào năm 2024 rằng 18 trong số 32 quốc gia NATO đạt được mục tiêu chi tiêu 2% GDP, đây là mức cao nhất kể từ khi thành lập liên minh", ông Liang cho biết.

Trong khi một số khoản tăng là kết quả của viện trợ quân sự của châu Âu cho Ukraine, thì nó cũng được thúc đẩy bởi những lo ngại về khả năng Mỹ sẽ không tham gia vào liên minh.

"Đã thực sự có sự thay đổi trong các chính sách quốc phòng của châu Âu, nơi chúng ta sẽ thấy các kế hoạch mua sắm quy mô lớn vào ngành công nghiệp vũ khí trong những năm tới", ông Liang giải thích.

Ngân sách quân sự cũng tăng mạnh ở Trung Đông lên mức ước tính là 243 tỷ USD, tăng 15% so với năm 2023.

Khi Israel tiếp tục cuộc tấn công ở Gaza, chi tiêu quân sự của nước này đã tăng vọt 65% lên 46,5 tỷ USD vào năm 2024. SIPRI lưu ý rằng đây là "mức tăng hàng năm lớn nhất kể từ Chiến tranh Sáu ngày năm 1967".

Ngược lại, Iran đã giảm 10% xuống còn 7,9 tỷ USD vào năm 2024, "mặc dù có sự tham gia vào các cuộc xung đột khu vực và hỗ trợ cho các lực lượng ủy nhiệm khu vực", báo cáo cho biết thêm.

"Tác động của các lệnh trừng phạt đối với Iran đã hạn chế nghiêm trọng khả năng tăng chi tiêu của nước này", SIPRI cho biết.

Quốc gia chi tiêu lớn thứ hai thế giới, Trung Quốc, đã tăng ngân sách quân sự của mình thêm 7% lên mức ước tính là 314 tỷ USD, "đánh dấu 3 thập kỷ tăng trưởng liên tiếp".

Trung Quốc – quốc gia đã đầu tư vào việc hiện đại hóa quân đội và mở rộng năng lực chiến tranh mạng và kho vũ khí hạt nhân – chiếm một nửa tổng chi tiêu quân sự ở châu Á và châu Đại Dương.

Minh Đức (Theo France24, Reuters)

Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Ông Trump hé lộ điều ông Zelensky yêu cầu trong cuộc hội đàm mới nhấtÔng Trump hé lộ điều ông Zelensky yêu cầu trong cuộc hội đàm mới nhất
Tham khảo thêm
“Bà đầm thép” Nga hành động kiên quyết trong bối cảnh mới“Bà đầm thép” Nga hành động kiên quyết trong bối cảnh mới

Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/chi-tieu-quan-su-toan-cau-lap-ky-luc-trong-boi-canh-moi-a211992.html