Mục tiêu lợi nhuận GPBank đạt tối thiểu 500 tỷ đồng
Chiều 28/4, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank - HoSE: VPB), thông tin về tình hình chuyển giao bắt buộc Ngân hàng TM TNHH MTV Dầu Khí Toàn Cầu (GPBank), ông Ngô Chí Dũng - Chủ tịch HĐQT VPBank cho biết biết hiện tại, ngân hàng đã thực hiện công bố danh sách nhân sự được Ngân hàng Nhà nước thông qua.
Ngân hàng đang sắp kết thúc việc xây dựng chiến lược kinh doanh cùng với đối tác tư vấn McKinsey. Từ nhân sự đến lĩnh vực hoạt động, chỉ tiêu hoạt động trong thời gian tới của GPBank đều đang được nghiên cứu.
"Trước khi được chuyển giao, một năm GPBank lỗ khoảng 1.000 tỷ đồng. Năm nay, dù chỉ còn 8 tháng nhưng thay vì lỗ, chúng tôi đề ra kế hoạch lợi nhuận tối thiểu 500 tỷ đồng. Chúng tôi đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, ban lãnh đạo tin tưởng sẽ tái cơ cấu GPBank thành công", ông Dũng nhấn mạnh.
Ban Chủ tọa ĐHĐCĐ VPBank.
Ngoài GPBank, FECredit cũng được nhiều cổ đông quan tâm, ông Nguyễn Đức Vinh - Tổng Giám đốc VPBankcho biết đến hết quý I/2025, dư nợ tín dụng của FECredit là khoảng 62.000 tỷ đồng, tăng trưởng gần 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngân hàng đồng thời cũng đẩy mạnh việc thu hồi và kiểm soát tín dụng.
Năm 2025, FECredit sẽ tập trung củng cố bộ máy, đảm bảo sự phục hồi bền vững. Trong 6 tháng đầu năm, mục tiêu là quản lý tốt nợ xấu, giảm quy mô danh mục rủi ro, và vận hành hiệu quả.
"Chúng tôi kỳ vọng đến cuối năm 2025, FECredit sẽ bước vào giai đoạn tăng trưởng trở lại, khi danh mục cho vay mới, đã kiểm soát chặt chẽ hơn, phát huy hiệu quả, còn danh mục cũ nhiều khó khăn sẽ tiếp tục giảm dần.
Mục tiêu lợi nhuận năm 2025 của FECredit là khoảng 1.200 tỷ đồng. Nếu xử lý tốt các vấn đề nội tại, những năm sau có lợi nhuận sẽ phục hồi ở mức 3.000 – 4.000 tỷ đồng như giai đoạn trước đây", ông Vinh nói.
Chắc chắn sẽ duy trì cổ tức tiền mặt trong năm tới
Tại Đại hội năm nay, việc chia cổ tức tiếp tục là vấn đề được nhiều cổ đông quan tâm. Ông Ngô Chí Dũng chia sẻ, ngân hàng đã cam kết duy trì chính sách cổ tức bằng tiền mặt trong 5 năm. Từ năm 2010 - 2012, ngân hàng đã kiên trì không chia cổ tức để tập trung vào phát triển.
Đến năm 2022, cân bằng giữa nhu cầu tăng trưởng dài hạn cũng như quyền lợi của cổ đông, ngân hàng quyết định chia cổ tức và đến nay đã là năm thứ ba thực hiện chia cổ tức bằng tiền mặt với số tiền khoảng 20.000 tỷ đồng và vẫn đảm bảo đủ đủ vốn để duy trì mục tiêu tăng trưởng tương đói cao trong các năm tới.
"Hai năm tiếp theo, chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục chia cổ tức tùy vào tình hình vĩ mô, huy động vốn và tăng trưởng của ngân hàng. Dù không thể nói chính xác con số chia cổ tức nhưng chúng tôi chắc chắn sẽ duy trì cổ tức tiền mặt trong năm tới", ông Dũng khẳng định.
Thuế quan Mỹ ảnh hưởng không lớn đến VPBank
Về tác động của thuế quan Mỹ đến hoạt động ngân hàng, ông Nguyễn Đức Vinh - Tổng Giám đốc VPBank nhìn nhận chắc chắn chính sách của Mỹ sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế toàn cầu cũng chứ không chỉ riêng Việt Nam. Đối với VPBank, doanh nghiệp tham gia xuất khẩu đi mỹ chỉ chiếm khoảng 3% trong số các mảng giao dịch của ngân hàng, vì vậy thuế quan ảnh hưởng không lớn đến ngân hàng.
Về phía doanh nghiệp FDI, hiện công ty đang phục vụ khoảng 500 doanh nghiệp tại Việt Nam thông qua SMBC, tuy nhiên mới ở giai đoạn đầu với tổng mức huy động khoảng 10.000 tỷ đồng và cho vay khoảng 6.000 tỷ đồng. Thời điểm này, doanh nghiệp FDI mà VPBank giao dịch chưa ảnh hưởng nhiều. Ngoài ra, một mảng khác cũng có thể chịu ảnh hưởng từ thuế quan là bất động sản khu công nghiệp.
Ông Nguyễn Đức Vinh - Tổng Giám đốc VPBank phát biểu tại Đại hội.
Dù vậy, ông Vinh cho rằng ngân hàng vẫn đánh giá bất động sản. VPBank đặc biệt coi trọng cho vay các dự án nhà ở để đáp ứng nhu cầu thực tế đang tăng cao.
"Hiện nay, dư nợ cho vay cá nhân mua bất động sản tại VPBank khoảng 100.000 tỷ đồng, chiếm hơn 40% tổng dư nợ cho vay cá nhân là khoảng 270,000 tỷ đồng. Tỉ trọng này vẫn còn thấp so với nhiều ngân hàng khác.
Chúng tôi đảm bảo dư nợ bất động sản luôn trong giới hạn cho phép của Ngân hàng Nhà nước, và đánh giá rủi ro thận trọng, đặc biệt chú trọng hồ sơ pháp lý, tình trạng tài sản, và biến động thị trường. Nếu thị trường bất động sản không có những cú sốc lớn, tỉ lệ an toàn sẽ được duy trì tốt", ông Vinh cho biết.
Ông Vinh cho biết điều khiến ngân hàng lo ngại nhất là thuế quan ảnh hưởng đến là sức mua của người dân vì VPBank là 1 trong những khách hàng phục vụ phân khúc mass và lower mass nhiều nhầu, nhất là FECredit.
Hiện ngân hàng đã có phân tích nhưng chưa đưa ra biện pháp cụ thể vì đang chờ đợi kết quả đàm phán cũng như diễn biến thị trường.
Năm nay, VPBank cũng dự kiến thành lập công ty con về bảo hiểm nhân thọ với vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng, ông Bùi Hải Quân – Phó Chủ tịch HĐQT VPBank cho biết việc thành lập công ty bảo hiểm nhân thọ là mảnh ghép không thể thiếu của tập đoàn tài chính. Nếu chỉ thông qua kênh phân phối hợp tác với đối tác khác, ngân hàng sẽ bị động về sản phẩm, không năm được mô hình kinh doanh cũng như không chủ động lựa chọn, chăm sóc được khách hàng.
Chính vì vậy, ngân hàng muốn chủ động trong mô hình kinh doanh bảo hiểm nhân thọ gắn chặt với ngân hàng. "Mặc dù còn một số vấn đề thủ tục liên quan đến đối tác. Tuy nhiên chúng tôi tin tưởng đạt được thỏa thuận hợp lý, có lợi nhất", ông Quân chia sẻ.
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/chu-tich-vpbank-ngo-chi-dung-gpbank-tung-lo-khoang-1000-ty-dong-moi-nam-nam-nay-se-lai-a212005.html