Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên với nhiều nội dung trọng tâm - Ảnh: VGP/HT
Chiều ngày 28/4, tại Hà Nội, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên với nhiều nội dung trọng tâm.
Tăng trưởng tín dụng vượt ngành, kiểm soát nợ xấu bất động sản
Theo Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Vinh, tính đến hết quý I/2025, tăng trưởng dư nợ tín dụng của VPBank đạt 5,4%, cao hơn mức bình quân ngành chỉ khoảng 3%. Nếu tính cả phần dư nợ hỗ trợ Công ty Quản lý tài sản (VAMC), tốc độ tăng đạt gần 8%, phản ánh nỗ lực duy trì tăng trưởng song song với kiểm soát rủi ro.
Tuy nhiên, lợi nhuận hợp nhất trong quý I/2025 chỉ đạt khoảng 4.900 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Dẫu vậy, ngân hàng vẫn hoàn thành được khoảng 20% kế hoạch lợi nhuận cả năm, cho thấy khả năng điều tiết hoạt động kinh doanh linh hoạt.
Đáng chú ý, ngân hàng dự kiến trong 6 tháng đầu năm sẽ hoàn thành khoảng 40-45% kế hoạch lợi nhuận năm 2025, tương đương 6.000-7.000 tỷ đồng. Theo ông Vinh, nếu diễn biến thuận lợi, hoạt động tài chính sẽ bứt phá mạnh mẽ trong nửa cuối năm, khi tín dụng và tiêu dùng gia tăng.
Về nợ xấu, VPBank xác định đây là một thách thức chủ yếu trong 6 tháng đầu năm, đặc biệt do các khoản nợ bất động sản đã hết thời gian cơ cấu từ năm 2024. Các dự án lớn đã cải thiện khoảng 30% hồ sơ pháp lý, ngân hàng kỳ vọng sẽ tiếp tục xử lý phần còn lại trong thời gian tới. Mặc dù tỷ lệ nợ xấu bất động sản có xu hướng tăng trong quý I và II, song VPBank tin tưởng sẽ ổn định trở lại từ nửa cuối năm, do đó duy trì nền tảng an toàn tài chính.
Thời gian tới, VPBank tiếp tục ưu tiên cho vay đối với bất động sản nhà ở để đáp ứng nhu cầu thực tế của thị trường. Đồng thời, ngân hàng đặc biệt chú trọng vào việc lựa chọn chủ đầu tư uy tín, tránh xa các dự án nghỉ dưỡng hoặc bất động sản rủi ro cao.
Các đại biểu tham dự ĐHĐCĐ VPBank - Ảnh: VGP/HT
Mở rộng chiến lược số hóa
Về công ty tài chính FE Credit, dư nợ tín dụng tính đến hết quý I/2025 đạt khoảng 62.000 tỷ đồng, tăng gần 30% so với cùng kỳ. Song song đó, VPBank tiếp tục đẩy mạnh thu hồi nợ và kiểm soát danh mục tín dụng nhằm đảm bảo sự phục hồi bền vững.
Mục tiêu năm 2025 của FE Credit là đạt lợi nhuận khoảng 1.200 tỷ đồng. Đặc biệt, nếu xử lý tốt các vấn đề nội tại, công ty có thể quay trở lại mức lợi nhuận 3.000-4.000 tỷ đồng như giai đoạn trước. Ngoài ra, FE Credit tập trung hoàn thiện bộ máy vận hành, tăng cường kiểm soát chất lượng tín dụng mới, đồng thời giảm dần quy mô danh mục rủi ro cũ.
Đối với mảng tài sản số, VPBank cho biết đang thận trọng tiếp cận xu hướng mới này, trong khi chờ đợi hướng dẫn cụ thể từ cơ quan quản lý. Ngân hàng sẽ chủ động nghiên cứu các sản phẩm tài chính số nhưng đồng thời đảm bảo cân bằng giữa rủi ro và cơ hội phát triển.
Chính sách cổ tức hài hòa mục tiêu phát triển, mở rộng hệ sinh thái tài chính
Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngô Chí Dũng chia sẻ, việc chia cổ tức tiền mặt năm 2024 ở mức 5% là sự cân đối hài hòa giữa nhu cầu ngắn hạn của cổ đông và mục tiêu dài hạn của ngân hàng. Mặc dù chia cổ tức tiền mặt có ảnh hưởng nhất định tới vốn tự có, song đây là cam kết đã được duy trì liên tục trong ba năm gần đây.
Đồng thời, VPBank khẳng định chưa triển khai kế hoạch mua cổ phiếu quỹ trong giai đoạn hiện tại, nhằm tập trung nguồn lực cho việc mở rộng tín dụng và tăng trưởng quy mô theo đề án tái cơ cấu GPBank.
Việc được chấp thuận nới room sở hữu nước ngoài lên tối đa 49% cũng tạo dư địa hấp dẫn cho nhà đầu tư quốc tế, qua đó hỗ trợ thêm nguồn vốn cho chiến lược phát triển quy mô của ngân hàng.
Tiếp tục hướng tới mô hình tập đoàn tài chính đa năng, VPBank đã trình ĐHĐCĐ thông qua kế hoạch thành lập công ty bảo hiểm nhân thọ với vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng. Công ty mới sẽ hoạt động trong các lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, sức khỏe và liên kết chung.
Theo Phó Chủ tịch HĐQT Bùi Hải Quân, việc thành lập công ty bảo hiểm nhân thọ sẽ giúp VPBank chủ động kiểm soát sản phẩm, quy trình kinh doanh và chăm sóc khách hàng, thay vì chỉ đơn thuần phụ thuộc vào đối tác phân phối như trước. Ngoài ra, ngân hàng cũng đang triển khai kế hoạch thành lập công ty quản lý quỹ, nhằm hoàn thiện hệ sinh thái tài chính toàn diện.
Cùng với đó, mô hình ngân hàng số Cake by VPBank tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Tính đến nay, Cake đã huy động được gần 11.000 tỷ đồng, phục vụ khoảng 5 triệu khách hàng, vận hành tinh gọn với chỉ hơn 100 nhân sự. Đây được xem như mô hình "sandbox" thử nghiệm các chiến lược số hóa, tạo ra giá trị lan tỏa cho toàn hệ thống.
Các lãnh đạo VPBank đặt mục tiêu duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong giai đoạn 2026-2029, với dư nợ tín dụng và huy động vốn tăng trưởng 27-28% mỗi năm, lợi nhuận tăng trưởng bình quân 30-35% mỗi năm - Ảnh: VGP/HT
Báo cáo trước cổ đông, Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Vinh nhấn mạnh bốn trọng tâm chiến lược năm 2025: tăng trưởng đồng bộ các phân khúc, kiểm soát chất lượng tài sản, mở rộng hệ sinh thái và tiết giảm chi phí vận hành. Cụ thể, VPBank đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 25%, huy động vốn tăng hơn 30%, doanh thu tăng trên 20% và lợi nhuận trước thuế đạt 25.270 tỷ đồng, mức cao nhất trong lịch sử ngân hàng. Đồng thời, ngân hàng chú trọng thúc đẩy CASA (tiền gửi không kỳ hạn), với kỳ vọng tăng thêm hơn 100.000 tỷ đồng trong năm 2025. Đây sẽ là động lực quan trọng để nâng cao hiệu quả huy động vốn và bảo vệ biên lãi ròng (NIM).
Ngoài ra, ngân hàng cũng xây dựng mô hình tập đoàn tài chính theo hướng tập trung hóa hoạt động vận hành, nhằm tiết giảm chi phí 15-20% và tối ưu hóa nguồn lực nội bộ.
Nhìn xa hơn, VPBank đặt mục tiêu duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong giai đoạn 2026-2029, với dư nợ tín dụng và huy động vốn tăng trưởng 27-28% mỗi năm, lợi nhuận tăng trưởng bình quân 30-35% mỗi năm.
Theo ban lãnh đạo, sở dĩ có thể đặt ra các mục tiêu tham vọng như vậy là nhờ nền tảng vững chắc đã được xây dựng trong các năm 2024-2025, bao gồm hiện đại hóa hệ thống công nghệ, kiện toàn bộ máy tổ chức và kiểm soát chặt chẽ rủi ro tín dụng. Từ năm 2025 trở đi, VPBank xác định tăng trưởng về quy mô, chất lượng tài sản và hiệu quả hoạt động sẽ là ba trụ cột chính để ngân hàng vươn lên nhóm các ngân hàng lớn nhất Việt Nam, đồng thời mở rộng mạnh mẽ sự hiện diện quốc tế.
Kết thúc Đại hội, tất cả các tờ trình đều được cổ đông thông qua với tỷ lệ ủng hộ cao, đánh dấu một bước khởi đầu đầy thuận lợi cho hành trình bứt phá mới của VPBank.
Liên quan đến đề án tái cơ cấu GPBank, Chủ tịch Ngô Chí Dũng cho biết, VPBank đã chuẩn bị kỹ lưỡng mọi khía cạnh, từ nhân sự đến chiến lược kinh doanh. Đặc biệt, với sự tư vấn từ McKinsey, ngân hàng đang từng bước tái thiết GPBank theo mô hình hiện đại. Mặc dù chỉ còn 8 tháng cho năm tài chính 2025, VPBank kỳ vọng GPBank không chỉ không lỗ mà còn đạt lợi nhuận tối thiểu 500 tỷ đồng ngay trong năm đầu tiên tái cơ cấu. Điều này phản ánh sự chủ động và quyết tâm rất lớn từ ban lãnh đạo.
Anh Minh
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/vpbank-dat-muc-tieu-mo-rong-he-sinh-thai-tai-chinh-loi-nhuan-ben-vung-a212011.html