Quảng Nam đề xuất điều chỉnh vị trí xây dựng Khu thương mại tự do từ Đà Nẵng vào huyện Núi Thành

Chủ tịch tỉnh Quảng Nam kiến nghị điều chỉnh vị trí xây dựng Khu thương mại tự do từ Đà Nẵng vào huyện Núi Thành, gắn với phát triển Sân bay Chu Lai và hệ thống cảng biển, logistics tại khu vực Nam Quảng Nam.

Đề xuất gắn Khu thương mại tự do với cảng, sân bay Chu Lai

Ngày 29/4, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng vừa có văn bản gửi Ban Thường vụ Đảng ủy UBND tỉnh, đề nghị thống nhất và trình Tỉnh ủy bổ sung nhiều nội dung vào Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh. 

Trong đó, nổi bật là đề xuất điều chỉnh vị trí xây dựng Khu thương mại tự do hiện đang quy hoạch tại Đà Nẵng vào địa bàn huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam.

Quảng Nam đề xuất điều chỉnh vị trí xây dựng Khu thương mại tự do từ Đà Nẵng vào huyện Núi Thành- Ảnh 1.

Ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam.

Theo ông Dũng, việc chuyển đổi này sẽ gắn liền với định hướng phát triển Sân bay Chu Lai, Cảng nước sâu Chu Lai – Cửa Lở và Trung tâm logistics container đã được phê duyệt tại Quyết định 72/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ từ đầu năm 2023.

Đây được xem là tiền đề để hình thành hệ sinh thái kinh tế vùng Đông Nam Quảng Nam, đồng thời tạo thế cân bằng phát triển giữa đồng bằng và miền núi, giữa trung tâm và vùng ven sau khi thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính giữa Quảng Nam và Đà Nẵng.

Quảng Nam đề xuất điều chỉnh vị trí xây dựng Khu thương mại tự do từ Đà Nẵng vào huyện Núi Thành- Ảnh 2.

Cảng biển quốc tế Chu Lai.

Ngoài ra, UBND tỉnh Quảng Nam cũng đề xuất nhiều nội dung trọng điểm khác như: quy hoạch đô thị mới Tam Kỳ – Thăng Bình – Duy Xuyên – Núi Thành; định hướng chuyển đổi nghề cho ngư dân theo hướng phù hợp với yêu cầu chống khai thác IUU; và kiến nghị điều chỉnh quy hoạch Làng Đại học Đà Nẵng về địa bàn Tam Kỳ, nhằm nâng cao vai trò trung tâm giáo dục – đào tạo vùng Nam Trung Bộ.

Khu thương mại tự do: Động lực tăng trưởng mới

Trước đó, theo Nghị quyết số 136/2024/QH15 của Quốc hội, thành phố Đà Nẵng được thí điểm thành lập Khu thương mại tự do đầu tiên của cả nước, kỳ vọng trở thành mô hình phát triển kinh tế mới có sức bật mạnh mẽ.

Theo tính toán của Sở Công Thương Đà Nẵng, khu này có thể đóng góp đến 25% GRDP thành phố vào năm 2050, thu hút hơn 130.000 lao động làm việc trong các lĩnh vực giá trị gia tăng cao như bán dẫn, công nghệ sinh học, điện tử hàng không, trung tâm đổi mới sáng tạo, logistics và thương mại dịch vụ. 

Quảng Nam đề xuất điều chỉnh vị trí xây dựng Khu thương mại tự do từ Đà Nẵng vào huyện Núi Thành- Ảnh 3.

Khu thương mại tự do được đánh giá là động lực tăng trưởng mới cho thành phố Đà Nẵng.

Khu vực dự kiến quy hoạch ban đầu có tổng diện tích hơn 2.000 ha, chia thành 10 phân khu chức năng không liền kề gắn với cảng Liên Chiểu và sân bay quốc tế Đà Nẵng.

Thành phố Đà Nẵng đã hoàn tất hồ sơ trình Thủ tướng phê duyệt thành lập, đồng thời xây dựng trung tâm hành chính "một cửa" do Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp vận hành.  

Quảng Nam chỉ đạo tiếp tục bồi thường, giải phóng mặt bằng tái định cư dự án 4 tỷ USDĐà Nẵng chi hơn 120 tỷ đồng bổ sung thiết bị y tế Bệnh viện Phụ sản – NhiĐà Nẵng khai trương mùa du lịch biển 2025 với chủ đề “Vũ điệu sóng xanh”Đà Nẵng đấu giá 10 ô tô công dư thừa, giá từ 14 triệu đồng

Mô hình quản lý được thiết kế nhằm rút ngắn thời gian cấp phép đầu tư xuống còn 15 ngày, thúc đẩy quá trình "hậu kiểm" thay vì "tiền kiểm", tạo điều kiện tối đa cho nhà đầu tư, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ cao.

Hiện, thành phố Đà Nẵng cũng đang xây dựng chính sách ưu đãi riêng cho nhà đầu tư hạ tầng và nhà đầu tư thứ cấp, đồng thời tiếp tục kiến nghị Quốc hội ban hành thêm các chính sách mới, đảm bảo khu thương mại tự do vận hành linh hoạt và hấp dẫn nhà đầu tư quốc tế.

Hơn 99% cử tri đồng thuận hợp nhất

Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Nam, sau hai đợt lấy ý kiến, đã có hơn 424.000 cử tri (chiếm 99,02%) tham gia, trong đó 98,52% tán thành phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh. Riêng cấp xã, hơn 422.000 cử tri tham gia với tỷ lệ đồng thuận đạt 96%.

Đề án sau khi được HĐND tỉnh thông qua dự kiến sẽ sáp nhập toàn tỉnh còn 78 xã, phường – giảm hơn 66% số lượng hiện có. Việc tổ chức lại hệ thống hành chính cấp tỉnh sẽ bắt đầu từ 1/9/2025, còn cấp xã bắt đầu từ 1/7/2025.

Trong khi đó, theo báo cáo tổng hợp của UBND thành phố Đà Nẵng, tại địa phương này có tổng số cử tri đại diện hộ gia đình là 224.259 người. Trong đó, 223.000 người tham gia lấy ý kiến, đạt 99,44%. Kết quả, 222.482 người đồng ý với phương án hợp nhất tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng, đạt tỷ lệ 99,77%.

Thành phố Đà Nẵng mới sẽ có diện tích tự nhiên hơn 11.867 km², dân số hơn 3 triệu người và 94 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm 23 phường, 70 xã và đặc khu Hoàng Sa. Sau khi sáp nhập, Đà Nẵng sẽ trở thành một trong những đơn vị hành chính cấp tỉnh lớn nhất khu vực miền Trung về diện tích và quy mô dân số.


Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/quang-nam-de-xuat-dieu-chinh-vi-tri-xay-dung-khu-thuong-mai-tu-do-tu-da-nang-vao-huyen-nui-thanh-a212138.html