Một hành trình gian nan

Là tôi nói về hành trình hòa bình và thống nhất của dân tộc ta.

Thế hệ của ba tôi, chú tôi, khi ra Bắc tập kết và học tập đều giơ hai ngón tay chào tạm biệt quê hương, ý là 2 năm sẽ trở về.

Nhưng rồi con số 2 ấy phải cộng thêm số 1 nữa, thành 21 năm, đủ 1 thế hệ ra đời. Tôi thuộc thế hệ ấy. Thế hệ cha quê Nam mẹ quê Bắc, sinh ở miền Bắc, và năm 1975 mới biết mặt quê nội.

Nhưng mà rồi, cũng chưa hẳn đã có hòa bình và thống nhất thực sự.

Để rồi phải tới dịp 50 năm thống nhất đất nước, Tổng bí thư Tô Lâm ra thông điệp bằng một bài báo, có những câu rất xúc động: "Sau năm mươi năm đất nước thống nhất, chúng ta đã có đủ bản lĩnh, đủ niềm tin, sự tự hào và đủ bao dung để vượt qua đau thương cùng nhau nhìn về phía trước, để cuộc chiến tranh đã qua không còn là hố ngăn cách giữa những người con cùng một dòng máu lạc hồng".

Và chúng ta cũng vừa tổ chức một đại lễ tưng bừng. Có nụ cười có nước mắt, có những câu chuyện, có những nỗi niềm, có tự hào và có cả những ân hận. Những vòng tay, những cái ôm, những sẻ chia, những đoàn tụ.

Còn nhớ, hôm đầu tiên cùng ba về quê sau ngày hòa bình 1975, tôi ngủ chung giường với một chú em con cô ruột. Vai em nhưng nhiều tuổi hơn tôi, từng trải hơn tôi. Tôi là cậu trai hoi vừa tốt nghiệp cấp 3 hệ 10 năm. Chú em là lính quân đội Việt Nam cộng hòa.

Gần như thức trắng. Tôi khoe với chú em về miền Bắc Xã hội chủ nghĩa, chú kể với tôi chuyện miền Nam, những nơi chú đã qua, những việc chú đã làm. Ba tôi, các cô các dượng cũng thế, cũng hầu như thức trắng, khóc và cười.

Mới nhất, vợ chồng con gái chú em ấy tới thăm gia đình tôi. Cháu gái là cán bộ cơ quan Đảng của một tỉnh, cháu rể quê Thái Bình là cán bộ cục thuế.

Và có tới mấy đứa con của chú em cũng làm các cơ quan nhà nước.

Nên tôi đã rất xúc động xem cái phim trong chương trình VTV đặc biệt hôm kia, phim "hành trình thống nhất". Nhiều người như tôi, vỡ òa cảm xúc.

Nó thú vị nhất là, té ra những người làm phim đã ấp ủ đề tài này từ khá lâu trước đó, họ dự định làm để phát vào dịp 30/4 năm nay, nhưng vẫn hồi hộp, bởi biết trước những gian nan khi làm và đặc biệt là khi phát. Và họ cũng đã vỡ òa thế nào khi cũng dịp này, Tổng bí thư Tô Lâm có bài báo "Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một" như đã dẫn.

Toàn bộ ký ức những ngày sau 1975 hiện về mồn một trong tôi. Tức những ngày mới về quê ấy, những câu chuyện, những mảnh đời, những tha thứ, những hận thù... rồi cũng thu xếp xong, người ta cùng nhìn về một hướng..., thì cái phim này gợi lại chuyện ấy, hết sức xúc động. Trong những ngày thanh minh năm 2025, và cũng là sát dịp 30/4, câu chuyện về sự hòa giải cũng quyện lẫn trong mùi nhang ở nghĩa trang Nhân dân Bình An (trước đây là Nghĩa trang Biên Hòa), nơi từng chôn cất khoảng 16.000 tử sĩ của quân đội Việt Nam Cộng hòa. Lần đầu tiên cái nghĩa trang này "được lên" phim thì phải. Đó là câu chuyện của 2 anh em ông Bảy Hội, cựu lính Việt Nam Cộng hòa, thờ 4 liệt sĩ Cộng sản là ba, má và anh chị ruột. "Ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản" là như thế. Đó là chuyện của gia đình ông Sáu Cũ, có cả bát hương thờ người đã mất là bộ đội lẫn lính Việt Nam Cộng hòa. Có một câu tôi ám ảnh mãi: "Thời đó anh bên này, em bên kia, dù anh em ruột có gặp nhau thì cũng phải bóp cò thôi. Nếu anh bóp trễ thì anh chết". Cũng như thế, hoàn cảnh ở hai phía, nếu không đi lính phía này thì phải đi phía kia. Trai thời loạn mà.

Ê kíp làm phim của trung tâm Truyền hình VN ở Tp.HCM đã rất giỏi và chuyên nghiệp, quay như không quay, tất cả mọi chuyện cứ tự diễn ra, như nó hàng ngày. Anh em nhậu với nhau, khóc, rồi hát, rồi kể chuyện, lau nước mắt cho nhau, ông bên này ông bên kia, sống như ngàn đời nay đã sống... Tôi ám ảnh mãi cảnh ông ông Bảy Hội vừa đi bộ trong ngõ vừa hát: "Trả súng đạn này, ôi sạch nợ sông núi rồi/ Anh trở về quê, trở về quê tìm tuổi thơ mất năm nao/ Vui cùng ruộng nương, cùng đàn trâu/ Với cây đa khóm trúc hàng cau/ Với con đê có chiếc cầu tre/ Đã bao năm vắng chân anh/ Nên trở thành hoang phế rong rêu…"...

Tôi rất thích cách làm phim hết sức tự nhiên như thế, quay như không quay, mọi người cứ tự nhiên như đời sống thường ngày của họ, cởi trần nhậu, rồi hát, rồi khóc, rồi kể... nếu ngày xưa, và rồi ôm nhau.

Một hành trình gian nan- Ảnh 1.

Cũng không phải dễ để có những cảnh quay ở nghĩa trang Biên Hòa. Nhưng họ đã vượt qua và làm được. Nơi đây từng được xem là vùng "nhạy cảm" trong lịch sử chiến tranh. Bộ phim ghi lại hành trình tiếp cận các nhân chứng, cựu binh và thân nhân của những người đã nằm lại nơi đây – không phân biệt bên thắng hay thua – để kể lại ký ức với một tinh thần hướng tới hòa giải và tưởng niệm nhân văn...

Kể từ thủ tướng Võ Văn Kiệt với những ý tưởng hòa hợp đầy nhân văn, tới tổng bí thư Tô Lâm hiện nay, nhiều người viết đã có những ý tưởng về hòa bình và thống nhất. Từ năm 2014 nhà báo nhà văn Xuân Ba đã có bài viết trên báo TP được rất nhiều người tìm đọc: "Thanh minh ở nghĩa trang Bình An", nghĩa trang Bình An chính là nghĩa trang Biên Hòa trước đó, và nguyên thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là người đã ký quyết định chuyển nghĩa trang Biên Hòa thành nghĩa trang Bình An, một việc cũng... động trời khi ấy. Hồi ấy, cố thủ tướng Võ Văn Kiệt đã trả lời phỏng vấn: "Có những cái vô lý, người sống đố kỵ nhau nên nó khổ liên quan đến người chết, trước đây coi như không thừa nhận nghĩa trang đó nên quân sự hóa mấy chục năm. Bây giờ thấy nó vô lý. Có một quyết định tuy trễ nhưng dù sao cũng rất tốt. Ông Nguyễn Tấn Dũng đã làm tốt cái đó, làm hơn tôi cái đó, lúc tôi làm thì chưa làm được cái này, quyết định giao lại cho dân sự. Tôi cho quyết định đó là đúng".

Trở lại bộ phim phát trên VTV trong chương trình VTV đặc biệt, nhiều người, nhiều facebooker đã nói và viết về nó, tôi trích ý kiến trên một trang fb: "Lần đầu tiên, ký ức về chiến tranh không chỉ được kể bằng tiếng súng hay bản đồ, mà bằng nước mắt của những người mẹ mất con, của anh em từng ở hai chiến tuyến phải giương súng vào nhau, của những người sống sót đi tìm mộ người thân vô danh sau hàng chục năm. Không có tiếng hô vang chiến thắng. Không có sự tung hô ai đúng, ai sai. Bộ phim chỉ có một thông điệp duy nhất: "Đã đến lúc người Việt ôm lấy nhau".

Đây là một bộ phim mà mọi người Việt Nam nên xem ít nhất một lần, không phải để nhớ về chiến tranh, mà để biết quý trọng hòa bình. Không phải để khơi lại hận thù, mà để học cách buông bỏ và bao dung... Xin được hoan nghênh VTV – vì sự tử tế, can đảm và nhân văn trong cách kể chuyện. Khi truyền hình không chỉ phản ánh hiện thực, mà góp phần chữa lành một dân tộc đã từng đổ máu vì chính mình".

Thì hành trình thống nhất nó gian nan là thế.

* Bài viết thể hiện quan điểm tác giả!

Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/mot-hanh-trinh-gian-nan-a212671.html