Từ ngày 6/5, lấy ý kiến nhân dân về sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, bắt đầu ngày mai (6/5) sẽ tổ chức lấy ý kiến nhân dân về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 trong 30 ngày.

Ngày 5/5, thảo luận ở tổ về đề nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; việc thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung này nhằm đảm bảo chính quyền địa phương hoạt động thông suốt, không gián đoạn, phù hợp với lộ trình thực hiện sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh việc sửa đổi sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 lần này chỉ tập trung sửa đổi để phục vụ cho việc tinh gọn, tổ chức bộ máy theo tinh thần Nghị quyết 18.

Từ ngày 6/5, lấy ý kiến nhân dân về sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp- Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu (Ảnh: Media Quốc hội).

Chủ tịch Quốc hội cho biết, giai đoạn 1, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội đã sửa 4 Luật đó là Luật tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi).

Quốc hội cũng đã ban hành 11 nghị quyết, trong đó có 4 nghị quyết liên quan tới công tác tổ chức. Bên cạnh đó, đã tinh gọn bộ máy của các ban Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các địa phương.

Giai đoạn 2 đang được thực hiện với việc sáp nhập cấp xã, dự kiến giảm từ 10.035 xã, còn khoảng 3.320 xã và sáp nhập cấp tỉnh. Nếu được Quốc hội thông qua chủ trương này thì từ 63 tỉnh, thành phố sẽ còn 34 tỉnh, thành phố.

Theo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, chỉ bàn đến 2 nhóm nội dung. Đó là các quy định của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội; các quy định tại chương 9 của Hiến pháp năm 2013 để thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp. 

Đồng thời quy định để đảm bảo chính quyền địa phương hoạt động thông suốt, không gián đoạn, phù hợp với lộ trình thực hiện sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã.

Tổng Bí thư Tô Lâm: Lắng nghe ý kiến của nhân dân để sửa Hiến phápQuốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung Hiến pháp với 2 nhóm nội dung

Một lần nữa Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV là kỳ họp lịch sử, nếu Quốc hội thông qua sẽ sửa đổi, bổ sung 8 điều trong tổng số 120 điều của Hiến pháp năm 2013.

Dự kiến, Quốc hội sẽ thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 trước ngày 30/6 để có hiệu lực ngày 1/7/2025. 

Sau đó, sẽ có khoảng 1,5 tháng để hoàn thành việc sắp xếp, sáp nhập tổ chức bộ máy chính quyền địa phương cấp xã, tiến hành Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIV của Đảng và bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, bắt đầu ngày mai (6/5) sẽ tổ chức lấy ý kiến nhân dân về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 trong 30 ngày, công tác tổng hợp được thực hiện trong 5 ngày. Chính phủ và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện nhiệm vụ này.

Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/tu-ngay-65-lay-y-kien-nhan-dan-ve-sua-doi-bo-sung-mot-so-dieu-cua-hien-phap-a212793.html