Làm rõ khái niệm và phạm vi "đổi mới sáng tạo"

Theo Chủ tịch Quốc hội, đổi mới sáng tạo là quá trình tạo ra hoặc cải tiến sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh, quy trình quản lý dựa trên công nghệ hoặc phi công nghệ, mang lại giá trị gia tăng và ứng dụng thực tế.

Bao quát toàn diện về đổi mới sáng tạo

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XV chiều 6/5, tham gia thảo luận tại tổ, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã có nhiều ý kiến góp ý quan trọng đối với Dự thảo Luật Khoa học Công nghệ và Đổi mới sáng tạo.

Nêu ý kiến, Chủ tịch Quốc hội đề nghị chỉnh sửa tên Luật theo hướng Luật Khoa học, Công nghệ (sửa đổi) và Đổi mới sáng tạo.

"Việc này là để công bố cho cả trong nước và quốc tế thấy Đảng, Nhà nước, Quốc hội hết sức quan tâm đến lĩnh vực khoa học, công nghệ. Chúng ta đã ban hành Luật Khoa học và Công nghệ từ năm 2013. Bây giờ, theo yêu cầu của Nghị quyết số 57 và yêu cầu của tình hình mới thì Luật Khoa học và Công nghệ được sửa đổi và bổ sung thêm một lĩnh vực nữa là đổi mới sáng tạo", Chủ tịch Quốc hội nói.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị làm rõ khái niệm và phạm vi "đổi mới sáng tạo". Khái niệm trong dự thảo Luật hiện nay còn thiên về công nghệ, chưa bao quát đầy đủ các khía cạnh phi công nghệ như đổi mới sáng tạo trong khoa học xã hội, nhân văn, mô hình kinh doanh, quản lý...

Do đó, "phải bao quát toàn diện về đổi mới sáng tạo", Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cần bổ sung rõ hơn, rộng hơn khái niệm "đổi mới sáng tạo".

Làm rõ khái niệm và phạm vi "đổi mới sáng tạo"- Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn (Ảnh: Media Quốc hội).

Theo đó, đổi mới sáng tạo là quá trình tạo ra hoặc cải tiến sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh, quy trình quản lý dựa trên công nghệ hoặc phi công nghệ, mang lại giá trị gia tăng và ứng dụng thực tế.

Làm rõ hơn phạm vi điều chỉnh bao gồm cả các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, quản trị công được khuyến khích đổi mới sáng tạo.

Thống nhất với ý kiến của nhiều ĐBQH tại phiên thảo luận về việc cần tăng cường hơn nữa các cơ chế ưu đãi và hỗ trợ tài chính. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, dự thảo Luật chưa có quy định điều khoản cụ thể nào về đột phá ưu đãi thuế, hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp khoa học công nghệ trong trường đại học.

"Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân đã nêu rất rõ. Đề nghị Ban soạn thảo phải cập nhật ngay những quan điểm, chỉ đạo của Nghị quyết", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, tỉ lệ đầu tư cho nghiên cứu phát triển tại Việt Nam hiện mới chỉ chiếm khoảng 0,44% GDP rất thấp so với nhiều nước trong khu vực. Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore rất ưu đãi cho đầu tư vào nghiên cứu phát triển.

Chủ tịch cho biết, cần quy định rõ, mạnh mẽ các ưu đãi thuế, như miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các sản phẩm thương mại hóa từ nghiên cứu khoa học; thiết lập các cơ chế tài chính linh hoạt như Quỹ đầu tư mạo hiểm hoặc hỗ trợ vốn ban đầu cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; đơn giản hóa các thủ tục thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học; giảm các rào cản hành chính để khuyến khích chuyển giao công nghệ...

Cho biết, với tinh thần đổi mới tư duy lập pháp, Quốc hội chỉ ban hành Luật khung, Chính phủ sẽ ban hành Nghị định, Bộ ban hành Thông tư để quy định chi tiết.

"Phải bảo đảm sự thông suốt từ Luật đến Nghị định, Thông tư, xóa các rào cản để khuyến khích các doanh nghiệp khoa học công nghệ phát triển", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Quan tâm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao 

Trong xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần quy định cụ thể trách nhiệm của từng chủ thể trong hệ sinh thái như: Doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học....

Đồng thời, có cơ chế chặt chẽ như mô hình đổi mới sáng tạo hoặc đặt hàng nghiên cứu từ doanh nghiệp; thúc đẩy các trung tâm đổi mới sáng tạo liên ngành, tích hợp khoa học xã hội và khoa học tự nhiên, tạo động lực cho hệ sinh thái bền vững; bổ sung chính sách hỗ trợ các trung tâm đổi mới sáng tạo kết nối với các hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.

Làm rõ khái niệm và phạm vi "đổi mới sáng tạo"- Ảnh 2.

Quang cảnh phiên thảo luận tổ 13 chiều 6/5 (Ảnh: Media Quốc hội).

Về vấn đề phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, theo Chủ tịch Quốc hội, cần bổ sung các chính sách ưu đãi như: Miễn giảm thuế thu nhập cá nhân, thưởng cho nghiên cứu cơ bản, chia lợi nhuận từ thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học; tăng cường đào tạo từ bậc phổ thông đến bậc cao, định hướng ngành nghề sớm cho học sinh, sinh viên; có các chương trình đào tạo liên ngành.

"Đất nước chúng ta muốn phát triển nhanh thì phải dựa vào khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo. Nếu có một nền giáo dục tốt sẽ có những nhà khoa học tốt. Đây là vấn đề mà toàn hệ thống chính trị phải quan tâm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay", Chủ tịch Quốc hội nói.

Khi đổi mới sáng tạo trở thành "gen" sống còn của doanh nghiệp Việt

Chủ tịch Quốc hội đề nghị trong xây dựng Luật lần này cần tăng cường sự liên kết giữa nghiên cứu và thị trường. Thực tế ở nước ta nhiều nghiên cứu khoa học chưa được ứng dụng vào thực tế hoặc thương mại hoá dẫn đến lãng phí nguồn lực, cần phải khắc phục.

"Tôi đề nghị phải khuyến khích cơ chế đặt hàng nghiên cứu từ doanh nghiệp, đảm bảo đề tài có tính thực tiễn cao, gắn với nhu cầu thị trường, quy định ưu tiên mua sắm công các sản phẩm từ hoạt động nghiên cứu và đổi mới sáng tạo", Chủ tịch Quốc hội cho hay.

 Từ đó, mới tạo động lực cho doanh nghiệp tham gia, đồng thời, có cơ chế hỗ trợ thành lập doanh nghiệp từ trường đại học, viên nghiên cứu để thương mại hoá kết quả nghiên cứu.

"Những nội dung này đã đưa vào Luật Khoa học công nghệ (sửa đổi) và đổi mới sáng tạo nhưng tôi đề nghị cần làm quyết liệt hơn. Mặt khác, cần đảm bảo đồng bộ với các quy định pháp luật liên quan như Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Thuế và các cam kết quốc tế, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập các Hiệp định thương mại tự do (FTA)", Chủ tịch Quốc hội nói.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng cho biết, dư luận các nhà khoa học rất quan tâm đến Luật này. Do đó, việc xây dựng phải đảm bảo tính đột phá mạnh mẽ, mới hơn Nghị quyết 193 của Kỳ họp bất thường.

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương đồng lòng xây dựng cơ chế thông suốt, từ Trung ương đến cơ sở, bảo đảm Luật sau khi thông qua sẽ đi vào cuộc sống một cách hiệu quả, thiết thực và mang lại chuyển biến rõ rệt cho đất nước.

Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/lam-ro-khai-niem-va-pham-vi-doi-moi-sang-tao-a212978.html