Tôn vinh vẻ đẹp của áo dài truyền thống Việt Nam
Trong hành trình trải nghiệm văn hóa truyền thống Việt Nam do Học viện Phong thái Á Đông tổ chức, hơn 40 chị em phụ nữ tham dự, khoác lên mình những chiếc áo dài thướt tha được làm từ lụa đũi Nam Cao, cùng trải nghiệm nguyên bản làng nghề thủ công: Từ hái lá dâu, cho tằm ăn, ươm tơ đến dệt lụa đũi cùng nghệ nhân - tái hiện sống động tinh thần "thiền trong lao động".
Rời thành phố Hà Nội, đoàn người vận trang phục áo dài thướt tha về miền di sản ở Thái Bình, đi giữa cảnh trầm mặc của chùa Keo, rồi đến thăm làng nghề ươm tơ Hồng Lý (huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) để hoà mình trong những bãi dâu bát ngát, mướt mát xanh, và những nong kén vàng óng như lúa chín và điểm đến cuối cùng là làng nghề dệt đũi Nam Cao (huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình), cùng được trở về quá khứ khi chứng kiến những bà, những chị mặc áo nâu trầm, ngồi lặng lẽ kéo sợi, guồng sợi, đánh ống, se sợi, ve tua trước cái sân gạch phủ đầy rêu của ngôi nhà cổ trăm tuổi.
Các chị khoác lên mình tà áo dài truyền thống, xuất hiện nền nã giữa không gian làng quê - khơi gợi vẻ đẹp Á Đông từ trong từng cử chỉ, ánh nhìn, đồng thời lắng nghe các nghệ nhân kể về câu chuyện làm nghề, về sự hy sinh, cần mẫn và niềm kiêu hãnh của người phụ nữ gắn bó với nghề dệt…
Xúc động chia sẻ về hành trình, chị Quỳnh Trang - nhà sáng lập Học viện Phong thái Á Đông, đơn vị tổ chức chương trình cho biết: “Các chị em phụ nữ tham gia hành trình này không phải là những ngôi sao, cũng không phải là những diễn viên hay người mẫu gì cả mà chỉ là những bà mẹ bỉm sữa, nội trợ, văn phòng hay doanh nhân.
Trong hành trình này, các chị em được mặc những chiếc áo dài bằng lụa, bằng đũi, thể hiện phong thái Á Đông và quảng bá cho các làng nghề truyền thống của Việt Nam mà lụa đũi Nam Cao (huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) là địa điểm đầu tiên…”.
Là người được đào tạo bài bản ở nước ngoài về phong thái, chị Quỳnh Trang cho biết, vẻ đẹp của một con người chỉ có 20% là bên ngoài, thứ thu hút sự chú ý của người khác. 80% còn lại là bên trong, thứ giữ gìn mối quan hệ với người khác. Do đó, năm 2019, chị Quỳnh Trang thành lập Viện Phong thái Á Đông với mục tiêu giúp cho phụ nữ Việt đẹp từ bên trong ra bên ngoài, thể hiện sự tự tin đó qua những cử chỉ, dáng vẻ, điệu bộ; giúp cho họ biết cách yêu bản thân mình và biết chăm lo cho những người xung quanh. Hiện đơn vị đã có gần 30.000 học viên ở khắp cả nước.
Quảng bá làng nghề truyền thống Việt Nam
Trong hành trình ấy, lần đầu tiên ý tưởng áo dài truyền thống làm từ đũi Nam Cao được trình diễn trong không gian văn hóa chùa Keo là điều đặc biệt để quảng bá cho du lịch Thái Bình. Đũi Nam Cao là sản phẩm tự nhiên 100%, mới nhìn có thể không bóng bẩy, hào nhoáng nhưng lại đẹp một cách mộc mạc, rất thân thiện với cơ thể người mặc.
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Giám đốc phụ trách Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Bình kể vừa rồi ông có đến trụ sở của UNESCO ở Paris (Pháp) để bảo vệ hồ sơ vinh danh nhà bác học, danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn, quê ở xã Độc Lập, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. “Có đi xa mới thấy sự khác biệt về văn hóa của mỗi vùng miền, mỗi đất nước nhưng càng tiếp xúc nhiều thì tôi lại càng thêm yêu và tự hào về quê hương mình", ông Tuấn nói.
Là đơn vị đồng hành trong hành trình này, chị Lương Thanh Hạnh, nhà sáng lập thương hiệu Hạnh silk cho biết, trước đây, người người, nhà nhà ngày đêm làm đũi nhưng chỉ bán thô cho thương lái xuất sang Thái Lan, Lào mà không biết để làm gì. Thế rồi làng nghề hơn 400 năm tuổi này chỉ còn 3 hộ theo nghề. Bằng niềm đam mê và tình yêu với lụa đũi Nam Cao, chị đã vận động người dân tiếp tục làm nghề truyền thống. Đến nay, làng nghề Nam Cao đã có hơn 250 hộ theo nghề, sản phẩm được xuất khẩu qua 20 nước và bán ở 65 điểm trong nước. Nhiều khách quốc tế phải đến Nam Cao để trầm trồ ngắm nhìn những không gian đậm chất văn hóa Việt, những con người làm ra các sản phẩm lụa, đũi bằng tình yêu và sự khát khao.
Theo chị Hạnh, lụa đã được kéo bằng máy, còn đũi thì tới nay vẫn làm hoàn toàn thủ công theo cách nấu kén và vùi ủ trong tro rơm 3-5 giờ để cho sợi mềm ra, cho vào chậu nước rồi mới kéo. Đó là điểm khác biệt với tất cả các công nghệ về tơ, lụa trên thế giới. Mỗi ngày một nghệ nhân chỉ kéo được 70-100 gram sợi. Mùa đông, trong làn nước lạnh giá, tay họ vẫn thoăn thoắt kéo sợi. Chỉ có sự tỉ mỉ và tình yêu nghề mới có thể thực hiện được.
Người nước ngoài rất thích những sản phẩm như vậy. Bởi thế quần sóc của Pháp những năm đầu thế kỷ 20 đã được làm từ đũi Nam Cao nhưng dưới thương hiệu đũi Thái Lan mà không mấy người Việt biết được điều đó.
Dự án khôi phục, bảo tồn và phát triển du lịch làng nghề lụa đũi Nam Cao trên quy mô 4,5 ha của Hạnh silk cũng đã được phê duyệt để triển khai trong một tương lai gần.
Chị Xuân Thuỷ, cựu phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, thành viên của đoàn xúc động chia sẻ: “Chúng tôi như được trở về quá khứ khi chứng kiến những bà, những chị mặc áo nâu trầm, ngồi lặng lẽ kéo sợi, guồng sợi, đánh ống, se sợi, ve tua trước cái sân gạch phủ đầy rêu của ngôi nhà cổ trăm tuổi.
Không ai có thể làm được hết các công đoạn của đũi nên ai cũng là một miếng ghép không thể thiếu trong nghề. Riêng công đoạn ve tua được thực hiện trên ống đồng khiến cho các bà, các chị chân nhẵn thín, không còn nổi một sợi long
Với chị Xuân Thủy, một thước lụa không chỉ là sản phẩm mà là hồn vía của đất, của người. “Khoảnh khắc mặc bộ áo dài ấy, lòng tôi trào dâng niềm tự hào khó tả bởi không chỉ là khoác thêm một lớp vải mà là mang trên mình cả một nền văn hóa, sự khéo léo, bền bỉ và tinh thần của người Việt”, chị Thuỷ nói.
Trải qua bao thăng trầm, có những lúc làng nghề tưởng như bị mất hẳn vào những năm 60, 70 của thế kỷ trước. Nhưng bằng sự tâm huyết của người dân, cộng thêm sự đam mê những sản phẩm truyền thống của Hạnh silk mà làng nghề đã được phục hồi.
Những sản phẩm như áo dài, quần áo nam, cà vạt… bằng lụa, đũi Nam Cao được nhiều nguyên thủ quốc gia, phu nhân các nguyên thủ quốc gia của Việt Nam cũng như của các nước ưa thích. Đũi Nam Cao cũng đã trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2024 và mới được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao”.
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/trinh-dien-ao-dai-qua-nhung-mien-di-san-a213232.html