Đàm phán “phá băng” Mỹ-Trung Quốc: Tín hiệu tích cực

Phải mất nhiều tuần Trung Quốc và Mỹ mới đồng ý đàm phán, và nhiều nhà phân tích dự đoán các cuộc thảo luận sẽ xoay quanh việc xác định mong muốn của mỗi bên và cách thức đàm phán có thể tiến triển.

Cuộc họp giữa các quan chức thương mại hàng đầu của Mỹ và Trung Quốc được cả thế giới dõi theo đã diễn ra tại Geneva, Thụy Sĩ vào ngày 10/5, và dự kiến sẽ tiếp tục vào ngày 11/5.

Đây là cuộc họp đầu tiên giữa hai bên kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tăng thuế đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc lên 145% và Bắc Kinh đáp trả bằng mức thuế nhập khẩu 125%.

Cuộc họp "phá băng" giữa hai siêu cường hàng đầu được thiết lập để đàm phán về các vấn đề quan trọng có thể quyết định hướng đi của nền kinh tế toàn cầu, vốn đang bị ảnh hưởng bởi làn sóng xung đột thương mại.

Đây có thể là bước đầu tiên để hai bên cùng thoát khỏi tình huống mà các nhà phân tích mô tả là tình huống "đôi bên cùng thua" đối với nền kinh tế của họ, nhưng kỳ vọng về một bước đột phá dẫn đến một thỏa thuận mà cả doanh nghiệp và thị trường đang vô cùng mong đợi là không cao.

Phải mất nhiều tuần Trung Quốc và Mỹ mới đồng ý đàm phán, và nhiều nhà phân tích dự đoán các cuộc thảo luận sẽ xoay quanh việc xác định mong muốn của mỗi bên và cách thức đàm phán có thể tiến triển.

Đại diện cho Bắc Kinh tại cuộc họp là ông Hà Lập Phong (He Lifeng), Phó Thủ tướng Trung Quốc phụ trách chính sách kinh tế. Chính phủ Trung Quốc vẫn chưa xác nhận những ai khác sẽ tham gia cùng ông Hà Lập Phong tại các cuộc họp.

Bên kia bàn đàm phán là Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent và Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer. Cố vấn thương mại hàng đầu của ông Trump, Peter Navarro, không có kế hoạch tham gia các cuộc đàm phán.

Đàm phán “phá băng” Mỹ-Trung Quốc: Tín hiệu tích cực- Ảnh 1.

Tàu OOCL Violet, cập cảng Long Beach, California vào ngày 25/4/2025, là một trong những con tàu đầu tiên cập cảng Mỹ chở hàng hóa từ Trung Quốc với mức thuế suất 145%. Ảnh: Bloomberg

"Hai bên sẽ nói về chương trình nghị sự và quy trình. Họ đang chuẩn bị cho một cuộc đàm phán chính thức hơn", ông Evan Medeiros, Giáo sư tại Đại học Georgetown, trước đây làm việc cho chính quyền Barack Obama, cho biết. "Chúng ta mới đang ở giai đoạn đầu của sự khởi đầu".

Tuy nhiên, thực tế là việc Bắc Kinh và Washington cuối cùng cũng đàm phán đã làm dấy lên hy vọng rằng căng thẳng giữa họ có thể được xoa dịu và thuế quan cuối cùng có thể được hạ xuống.

Tác động của các khoản thuế nặng nề đã lan rộng khắp nền kinh tế toàn cầu, định hướng lại chuỗi cung ứng và khiến các doanh nghiệp chuyển thêm chi phí cho người tiêu dùng.

Các cuộc đàm phán sẽ được các nhà kinh tế và nhà đầu tư theo dõi chặt chẽ, những người lo ngại rằng một cuộc chiến kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ dẫn đến tăng trưởng chậm hơn và giá cả tăng cao trên toàn thế giới.

Các doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp phụ thuộc vào hàng nhập khẩu của Trung Quốc, cũng đang trong tình trạng báo động cao về các cuộc đàm phán khi họ vật lộn với cách đối phó với các loại thuế mới và sự không chắc chắn về việc liệu chúng có tiếp tục bị áp hay không.

Nhưng mức thuế quan 3 chữ số và 2 chiều không phải là điểm căng thẳng duy nhất trong các cuộc đàm phán cuối tuần. Các vấn đề phi thương mại như fentanyl, công nghệ, và địa chính trị, bao gồm cả xung đột ở Ukraine, có khả năng làm phức tạp thêm con đường giải quyết xung đột thương mại.

"Cả Mỹ và Trung Quốc đều có lợi ích kinh tế và tài chính mạnh mẽ trong việc hạ nhiệt căng thẳng thương mại, nhưng một sự hòa hoãn lâu dài khó có thể xảy ra", ông Eswar Prasad, cựu giám đốc bộ phận nghiên cứu về Trung Quốc của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), cho biết.

"Tuy nhiên", ông Prasad nói thêm, "điều này thể hiện sự tiến bộ đáng kể khi cả hai bên ít nhất là đang khởi xướng các cuộc đàm phán cấp cao, mang lại hy vọng rằng họ sẽ kiềm chế lời lẽ của mình và rút lui khỏi các hành động thù địch công khai hơn nữa về thương mại và các khía cạnh khác trong mối quan hệ kinh tế của họ".

Đàm phán “phá băng” Mỹ-Trung Quốc: Tín hiệu tích cực- Ảnh 2.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tham dự cuộc họp song phương bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Osaka, Nhật Bản, năm 2019. Ảnh: CNN

Trước thềm cuộc đàm phán quan trọng ở Geneva, Tổng thống Trump 9/5 cho biết mức thuế 80% đối với hàng hóa Trung Quốc "có vẻ hợp lý", lần đầu tiên đưa ra một con số cụ thể thay thế cho mức thuế 145% mà ông đã áp dụng.

Thuế quan 80%, mặc dù giảm mạnh so với mức 145% hiện tại, vẫn có khả năng đóng cửa hầu hết hoạt động thương mại giữa hai nước.

Kịch bản tốt hơn cho thị trường tài chính ở giai đoạn đầu này sẽ là một thỏa thuận giảm thuế quan xuống mức cho phép sản phẩm lưu thông theo cả hai hướng, nhưng vẫn gây áp lực nặng nề cho các doanh nghiệp Mỹ và Trung Quốc.

Kịch bản tuyệt vời nhất là giảm thuế xuống còn khoảng 20% – mức thuế đã áp dụng vào đầu tháng 4 trước khi ông Trump công bố mức thuế quan đối ứng 34% đối với hàng hóa từ Trung Quốc và kéo theo sau đó là các hành động trả đũa lẫn nhau, ông Wu Xinbo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quốc tế tại Đại học Phúc Đán ở Thượng Hải, cho biết.

"Nếu chúng ta có thể giảm xuống mức đó, thì tôi nghĩ đó sẽ là một bước tiến lớn hướng tới các cuộc đàm phán mang tính xây dựng hơn", ông Wu cho biết.

Ngay cả khi cuộc đàm phán ở Thụy Sĩ không mang lại thỏa thuận nào cụ thể, các chuyên gia tin rằng, Trung Quốc và Mỹ có thể thực hiện các động thái cụ thể khác để giúp mở đường cho các cuộc đàm phán trong tương lai.

Minh Đức (Theo NY Times. SCMP)

Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Nga tổ chức lễ duyệt binh kỷ niệm 80 năm Ngày Chiến thắng trên Quảng trường ĐỏNga tổ chức lễ duyệt binh kỷ niệm 80 năm Ngày Chiến thắng trên Quảng trường Đỏ

Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/dam-phan-pha-bang-my-trung-quoc-tin-hieu-tich-cuc-a213599.html