Hợp lực xây dựng chuỗi giá trị nông nghiệp tuần hoàn

(Chinhphu.vn) - Trong bối cảnh ngành nông nghiệp đang đối mặt với nhiều thách thức như biến đổi khí hậu gay gắt, tài nguyên suy giảm và áp lực tăng trưởng xanh, các mô hình sản xuất truyền thống không còn phù hợp. Do đó, để nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm và bảo vệ môi trường sống, toàn ngành cần đổi mới tư duy và lấy khoa học công nghệ, chuyển đổi số làm nền tảng phát triển từ đó xây dựng chuỗi giá trị nông nghiệp tuần hoàn.

Hợp lực xây dựng chuỗi giá trị nông nghiệp tuần hoàn- Ảnh 1.

Để nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm và bảo vệ môi trường sống, toàn ngành cần đổi mới tư duy và lấy khoa học công nghệ, chuyển đổi số làm nền tảng phát triển từ đó xây dựng chuỗi giá trị nông nghiệp tuần hoàn - Ảnh: VGP/LN

Chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo: Chìa khóa thúc đẩy nông nghiệp tuần hoàn

Để hiện thực hóa mục tiêu Net Zero, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo đã trở thành giải pháp trọng tâm trong chiến lược phát triển nông nghiệp hiện đại. Chính phủ đã ban hành các chủ trương, chính sách lớn như Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết 193/2025/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết 71/NQ-CP của Chính phủ nhằm thúc đẩy khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp và môi trường.

Đây là nền tảng pháp lý vững chắc để đưa ngành nông nghiệp Việt Nam tiến bước trên con đường xanh hóa sản xuất, bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng nông sản.

Hội nghị triển khai thực hiện các nghị quyết quan trọng này vừa được tổ chức sáng 10/5/2025 tại Bắc Ninh, dưới sự chủ trì của Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp cùng UBND tỉnh Bắc Ninh. Hội nghị thể hiện rõ định hướng chiến lược của Chính phủ trong việc xây dựng chuỗi giá trị nông nghiệp tuần hoàn, thông minh và bền vững.

Hội nghị tập trung thảo luận về định hướng ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong hoạt động nghiên cứu trồng trọt và bảo vệ thực vật, lâm nghiệp, chọn tạo giống lúa, cây ăn quả, cà phê và hồ tiêu, cơ sở dữ liệu đất đai, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, quản lý sức khỏe đất và dinh dưỡng cây trồng.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy khẳng định, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo không còn là xu hướng mà đã trở thành yêu cầu tất yếu trong phát triển nông nghiệp hiện đại. Ngành nông nghiệp không thể tiếp tục dựa vào mô hình truyền thống trong bối cảnh biến đổi khí hậu, suy giảm tài nguyên và yêu cầu tăng trưởng xanh ngày càng cấp thiết. Khoa học, công nghệ và dữ liệu cần được xem là nền tảng cốt lõi để phát triển nông nghiệp bền vững.

Hợp lực xây dựng chuỗi giá trị nông nghiệp tuần hoàn- Ảnh 2.

Lễ ký kết giữa Bộ Nông nghiệp và Môi trường và Công ty Cổ phần Thành Thành Công – Biên Hòa (TTC AgriS) nhằm thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, phát triển mô hình nông nghiệp thông minh - Ảnh: VGP/LN

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng đề xuất 5 nhóm giải pháp trọng tâm: hoàn thiện thể chế để tháo gỡ các rào cản, cải cách tổ chức nghiên cứu theo hướng tinh gọn và tự chủ, thay đổi cách thức đặt hàng nhiệm vụ khoa học công nghệ gắn với thực tiễn sản xuất, phát triển nguồn nhân lực có chuyên môn sâu và đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện.

Đồng thời, kêu gọi sự chung tay của các địa phương, doanh nghiệp, viện trường, hiệp hội, tổ chức quốc tế và cộng đồng để tạo bước chuyển thực chất, bền vững cho ngành nông nghiệp và môi trường.

Thúc đẩy sự vào cuộc của các doanh nghiệp tiên phong

Để đẩy nhanh quá trình thực hiện mục tiêu và cần sự đồng hành của nhiều bên (Bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp), tại Hội nghị triển khai kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 57 NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 193/2025/QH15 ngày 19/02/2025 của Quốc hội, Nghị quyết số 71/NQ-CP ngày 01/4/2025 của Chính phủ về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia trong ngành nông nghiệp và môi trường do Bộ Nông nghiệp và Môi trường và UBND tỉnh UBND tỉnh Bắc Ninh tổ chức ngày10/05/2025 đã diễn ra lễ ký kết chương trình hợp tác giữa Bộ Nông nghiệp và Môi trường với Công ty Cổ phần Thành Thành Công – Biên Hòa (TTC AgriS) nhằm thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, phát triển mô hình nông nghiệp thông minh và xây dựng hệ thống dữ liệu mở, truy xuất nguồn gốc bằng blockchain.

TTC AgriS hiện là một trong những doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao tại Việt Nam. Doanh nghiệp đang chuyển mình mạnh mẽ từ nhà sản xuất nguyên liệu truyền thống sang mô hình công nghệ – dinh dưỡng – tiêu dùng bền vững. TTC AgriS hiện vận hành 7 nhà máy chế biến và vùng nguyên liệu trải dài tại Việt Nam, Lào, Campuchia, Úc và đang mở rộng sang Indonesia. Với hệ thống R&D đặt tại Việt Nam, Singapore và Úc, TTC AgriS đang xây dựng nền tảng cho chuỗi giá trị nông nghiệp tuần hoàn theo tiêu chuẩn quốc tế.

Theo bà Đặng Huỳnh Ức My, Chủ tịch HĐQT TTC AgriS, doanh nghiệp cam kết đồng hành cùng Chính phủ trong thực hiện chiến lược Nghị quyết 57, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng của nông sản Việt. TTC AgriS đã đầu tư công nghệ số và tự động hóa trong canh tác như ứng dụng Big Data, AI, IoT, drone, hệ thống quản lý chuỗi cung ứng thông minh và truy xuất nguồn gốc bằng blockchain.

Nhờ đó, TTC AgriS đã đạt những kết quả tích cực: năng suất vùng nguyên liệu tăng từ 15 - 30%, hơn 60% khâu logistics và thương mại được số hóa, sản phẩm đạt chuẩn xuất khẩu sang các thị trường khó tính như EU và Nhật Bản. Đồng thời, doanh nghiệp tận dụng phụ phẩm để giảm phát thải, đầu tư vào năng lượng tái tạo như biomass, điện mặt trời và hydrogen xanh.

Hợp lực xây dựng chuỗi giá trị nông nghiệp tuần hoàn- Ảnh 3.

Vinamilk cũng đã sớm đầu tư trang thiết bị, áp dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, thực hành nông nghiệp tái sinh, sử dụng hệ thống năng lượng tái tạo để thực hiện kinh tế tuần hoàn hướng đến sự phát triển bền vững - Ảnh: VGP/LN

Một doanh nghiệp lớn khác cũng đang tiên phong thực hiện mục tiêu kinh tế tuần hoàn trong mô hình sản xuất, kinh doanh là Vinamilk. Xuyên suốt quá trình phát triển, ngoài sứ mệnh mang đến những sản phẩm dinh dưỡng chất lượng tốt cho sức khỏe người dùng. Vinamilk cũng đã sớm đầu tư trang thiết bị, áp dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, thực hành nông nghiệp tái sinh, sử dụng hệ thống năng lượng tái tạo nhằm mục đích sử dụng bền vững và góp phần bảo tồn các nguồn năng lượng, tài nguyên hữu hạn.

Là một trong những doanh nghiệp dẫn đầu ngành sữa, đóng vai trò lớn trong thay đổi diện mạo ngành chăn nuôi bò sữa công nghệ cao, Vinamilk không ngừng mở rộng phạm vi của mình về phát triển bền vững, hướng đến sự cân bằng giữa tăng trưởng sản xuất, kinh doanh với trách nhiệm môi trường, xã hội.

Với 12 trang trại trải khắp cả nước, các dự án mới liên tục được đầu tư, quy mô đàn bò cũng theo đó tăng trưởng nhanh chóng, bài toán đặt ra cho Vinamilk về phát triển bền vững đã được giải như thế nào? Đặc biệt trong bối cảnh ngành nông nghiệp Việt Nam ngày càng chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, ô nhiễm nguồn nước...

Việc đặt mục tiêu đến năm 2035, nước ta sẽ trở thành một trong các trung tâm đổi mới sáng tạo, cung cấp công nghệ, thiết bị, sản phẩm, dịch vụ và huy động vốn đầu tư cho kinh tế tuần hoàn trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) sẽ đưa Việt Nam trở thành hình mẫu phát triển xanh của khu vực.

Minh Thi


Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/hop-luc-xay-dung-chuoi-gia-tri-nong-nghiep-tuan-hoan-a213648.html