Xung đột Ấn Độ-Pakistan: Đêm bình yên đầu tiên sau chuỗi ngày căng thẳng

Bình yên đang ngự trị có thể đánh dấu sự kết thúc của cuộc đối đầu quân sự tồi tệ nhất giữa Ấn Độ và Pakistan trong 25 năm qua, nhưng rất khó để đạt được một nền hòa bình lâu dài.

Biên giới giữa Ấn Độ và Pakistan đã trải qua đêm bình yên đầu tiên trong những ngày gần đây, Quân đội Ấn Độ cho biết hôm 12/5, sau lệnh ngừng bắn đạt được vào cuối tuần qua.

Thỏa thuận ngừng bắn giữa Delhi và Islamabad đã được nhất trí vào ngày 10/5 sau 4 ngày hai bên tấn công nhau qua lại bằng tên lửa, máy bay không người lái và pháo binh, khiến ít nhất 60 người thiệt mạng và hàng nghìn người phải chạy trốn.

Đây là vụ bạo lực tồi tệ nhất kể từ cuộc xung đột công khai cuối cùng vào năm 2019 giữa hai nước láng giềng Nam Á cùng sở hữu vũ khí hạt nhân, khiến toàn thế giới lo ngại nguy cơ leo thang thành chiến tranh toàn diện.

Ban đầu có những nghi ngờ khi hai bên cáo buộc nhau vi phạm lệnh ngừng bắn chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ công bố trên mạng xã hội rằng hai bên đã đạt được thỏa thuận.

"Đêm vẫn bình yên...", quân đội Ấn Độ cho biết trong một tuyên bố đầu vào ngày 12/5. "Không có sự cố nào được báo cáo, đánh dấu đêm bình yên đầu tiên trong những ngày gần đây", tuyên bố cho biết thêm.

Chính quyền ở tỉnh đông dân nhất Pakistan là Punjab cho biết các trường đại học trên khắp tỉnh sẽ mở cửa trở lại vào ngày 12/5.

Một số chủ doanh nghiệp ở Srinagar, thuộc phần Kashmir do Ấn Độ quản lý, bày tỏ hy vọng rằng ngành du lịch mũi nhọn của kinh tế địa phương sẽ phục hồi trở lại.

Xung đột Ấn Độ-Pakistan: Đêm bình yên đầu tiên sau chuỗi ngày căng thẳng- Ảnh 1.

Khói bốc lên sau một vụ nổ ở khu vực thuộc phần Kashmir do Ấn Độ quản lý, ngày 10/5/2025. Ảnh: Getty Images

Vòng xoáy đáng báo động hướng tới xung đột toàn diện bắt đầu trước bình minh ngày 7/5, khi Ấn Độ tiến hành các cuộc tấn công bằng tên lửa phá hủy những gì họ gọi là "trại khủng bố" ở phần Kashmir do Islamabad quản lý và sâu trong lãnh thổ của Pakistan.

Pakistan đã đáp trả các cuộc không kích bằng hỏa lực pháo hạng nặng, tuyên bố đã bắn hạ 5 máy bay chiến đấu của Ấn Độ – điều mà New Delhi chưa bình luận. Tiếp theo sau đó là hàng loạt đòn đánh "ăn miếng trả miếng".

Những điều này diễn ra sau một cuộc tấn công vào ngày 22/4 nhằm vào khách du lịch ở phần Kashmir do Ấn Độ quản lý, khiến 26 người thiệt mạng. Ấn Độ cáo buộc Pakistan hậu thuẫn cho cuộc tấn công, trong khi Islamabad phủ nhận sự liên quan.

Bình yên đang ngự trị có thể đánh dấu sự kết thúc của cuộc đối đầu quân sự tồi tệ nhất giữa hai nước trong 25 năm qua.

Nhưng nó không thuyết phục được các chuyên gia chính sách đối ngoại và nhà ngoại giao của cả hai nước tin rằng lệnh ngừng bắn do nước ngoài làm trung gian sẽ dễ dàng dẫn đến một nền hòa bình lâu dài.

Sự hòa giải của Mỹ đã cung cấp một lối thoát hữu ích cho cả hai quốc gia, bà Meera Shankar, cựu Đặc phái viên của Ấn Độ tại Mỹ, chia sẻ với DW.

"Cả hai đều cần lệnh ngừng bắn, nhưng không ai muốn là bên yêu cầu trước vì lòng tự hào dân tộc và cái tôi của các nhà lãnh đạo. Mỹ đã giúp điều này", ông Husain Haqqani, cựu Đại sứ Pakistan hiện là thành viên cấp cao tại Viện Hudson ở Washington, DC, cho biết.

Các nhà phân tích tin rằng, bất chấp những cáo buộc lẫn nhau về việc vi phạm lệnh ngừng bắn, tiếng súng có thể tạm ngừng trong ngắn hạn, chủ yếu là do áp lực quốc tế và cả hai nước đều thừa nhận cái giá phải trả của việc leo thang căng thẳng.

Bà Maleeha Lodhi, một chuyên gia về các vấn đề quốc tế và là cựu Đại sứ Pakistan tại Mỹ và Liên Hợp Quốc, cho rằng việc giảm căng thẳng sẽ mất nhiều thời gian hơn. "Lệnh ngừng bắn sẽ được duy trì vì cả hai nước đã đồng ý và không có lợi gì khi vi phạm lệnh này. Tuy nhiên, việc giảm căng thẳng sẽ mất nhiều thời gian hơn", bà nói thêm.

"Mối quan hệ với Pakistan có thể sẽ tiếp tục gặp nhiều thách thức", cựu Đặc phái viên của Ấn Độ tại Mỹ Shankar nói.

Điều quan trọng là, theo bà Elizabeth Threlkeld, giám đốc bộ phận Nam Á tại Trung tâm Stimson có trụ sở tại Washington, cần nhiều nỗ lực hơn nữa trong tương lai để đảm bảo rằng cuộc khủng hoảng này sẽ không lặp lại, và "đó phải là trọng tâm chính của cả hai bên, Mỹ và các đối tác quốc tế khác hỗ trợ nỗ lực này".

Minh Đức (Theo Digital Journal, DW)

Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Lãnh đạo Nga, Trung Quốc nhất trí một điều về dự án khí đốt khổng lồLãnh đạo Nga, Trung Quốc nhất trí một điều về dự án khí đốt khổng lồ
Tham khảo thêm
Thông tin mới liên quan đến công ty đứng sau Nord Stream 2Thông tin mới liên quan đến công ty đứng sau Nord Stream 2

Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/xung-dot-an-do-pakistan-dem-binh-yen-dau-tien-sau-chuoi-ngay-cang-thang-a213842.html