Việc sửa đổi Hiến pháp rất đúng thời điểm, hợp lòng dân

(PNTĐ) - Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng; Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội, hiện nay, đất nước ta đang phát triển nhanh và mạnh, bước vào kỷ nguyên số, kinh tế xanh, trí tuệ nhân tạo... Vì vậy, việc sửa đổi Hiến pháp 2013 là cần thiết và phù hợp.

Dưới đây là ý kiến góp ý của PGS.TS Bùi Thị An vào Dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 2023:

Hiến pháp là đạo luật gốc có giá trị pháp lý cao nhất trong hệ thống pháp luật nước ta, quy định những vấn đề cơ bản nhất về chủ quyền quốc gia, chế độ chính trị, chính sách kinh tế, xã hội; quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; tổ chức và hoạt động của các cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, pháp luật phải xuất phát từ thực tế cuộc sống.  Trong bối cảnh mới, nếu Hiến pháp không thay đổi thì sẽ không có cơ sở để thay đổi các quy định, điều luật khác. Vì vậy, trước tiên, tôi hoàn toàn nhất trí và  ủng hộ chủ trương sửa đổi Hiến pháp 2013.

Việc sửa đổi Hiến pháp rất đúng thời điểm, hợp lòng dân - ảnh 1
PGS.TS Bùi Thị An

Theo dự thảo, Hiến pháp 2013 sẽ sửa đổi 8 điều, gồm: Điều 9, 10 (thuộc Chương 1 về chế độ chính trị), Điều 84 (thuộc Chương V về Quốc hội) và các điều 110, 111, 112, 114, 115 (thuộc Chương 9 về chính quyền địa phương).

Qua nghiên cứu, tôi đánh giá việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này đã tiếp tục khẳng định tinh thần lấy dân làm gốc, dân là trung tâm. Dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 2013 có rất nhiều điểm mới quan trọng, mang tính tiến bộ.

Có thể kể tới quy định xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp  thay cho 3 cấp trong Hiến pháp sửa đổi, đồng thời, có quy định bảo đảm bộ máy chính quyền địa phương hoạt động thông suốt, không gián đoạn. Đây không chỉ là việc thay đổi tổ chức bộ máy, mà còn cơ sở để xây dựng một nền hành chính hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, giúp tiết kiệm ngân sách chi cho các hạng mục an sinh xã hội, đầu tư cơ sở hạ tầng, đồng thời chọn được những cán bộ đủ năng lực, đức, tài... để đưa vào đúng các vị trí qua đó, nâng cao chất lượng phục vụ Nhân dân.

Tôi cũng tâm đắc với Điều 9 trong dự thảo Hiến pháp sửa đổi về vai trò vị trí của MTTQ Việt Nam trong hệ thống chính trị. Trước đây, MTTQ Việt Nam đóng vai trò cầu nối giữa Đảng Nhà nước với nhân dân thì với dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này, MTTQ Việt Nam sẽ chủ động hoạt động phản biện, giám sát, thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân trong tham gia quản lý Nhà nước. Dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 2013 đã nhấn mạnh, nâng cao hơn nữa vị trí, vai trò của MTTQ Việt Nam là tổ chức trung tâm của khối đại đoàn kết toàn dân.

Dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 2013 sửa đổi cũng phân định rõ trách nhiệm của các cơ quan như Nhà nước, Quốc hội... để từ đó giảm thiểu sự chồng chéo trong hoạt động, điều hành, qua đó người dân sẽ được trực tiếp hưởng lợi do không bị ảnh hưởng bởi các thủ tục rườm rà...

Ngoài ra, dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này cũng sẽ là cơ hội để chúng ta tiếp tục khẳng định chủ quyền biển đảo, nhấn mạnh đến các nội dung mới về an ninh mạng, an ninh phi truyền thống...

Có thể nói, việc sửa đổi Hiến pháp lần này là rất đúng thời điểm, hợp lòng dân, phù hợp với sự phát triển chung, bền vững của đất nước ta. Quá trình sửa đổi, bổ sung Hiến pháp cần được tiến hành thận trọng, khoa học, đúng quy trình và minh bạch. Tôi mong các ý kiến đóng góp của người dân, chuyên gia, trí thức... sẽ được lắng nghe, chắt lọc để đưa vào sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện Hiến pháp, từ đó tạo ra bước tiến mới góp phần hiện thực hóa mục tiêu Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình.

Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/viec-sua-doi-hien-phap-rat-dung-thoi-diem-hop-long-dan-a213872.html