Tin liên quan
Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm: Động lực mới cho phát triển kinh tế
Bước mở đầu cho một “cuộc cách mạng về công tác xây dựng pháp luật“
Trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật Phá sản và Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Lê Minh Trí trình bày cho biết, dự án Luật tập trung sửa đổi, bổ sung các quy định về thẩm quyền của Tòa án các cấp trong giải quyết các vụ việc dân sự, vụ án hành chính, giải quyết phá sản, tổ chức thực hiện hoạt động hòa giải, đối thoại theo quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, có liên quan trực tiếp đến tổ chức bộ máy, thẩm quyền của Tòa án nhân dân.
Dự thảo Luật gồm 6 điều, sửa đổi, bổ sung các quy định về thẩm quyền của Tòa án nhân dân khu vực, Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân tối cao.
Theo đó, điều chỉnh tăng thẩm quyền của Tòa án nhân dân khu vực theo hướng Tòa án nhân dân khu vực có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm tất cả các vụ việc dân sự, vụ án hành chính (Điều 35 Bộ luật Tố tụng dân sự, Điều 31 Luật Tố tụng hành chính); giải quyết phá sản (Điều 8 Luật Phá sản); tổ chức thực hiện hoạt động hòa giải, đối thoại theo quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án (Điều 7 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án).
Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền phúc thẩm các vụ việc dân sự, vụ án hành chính mà bản án, quyết định của Tòa án nhân dân khu vực chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị (Điều 37 Bộ luật Tố tụng dân sự, Điều 32 Luật Tố tụng hành chính)… Tòa án nhân dân cấp tỉnh không còn thẩm quyền về giải quyết theo thủ tục sơ thẩm các vụ án hành chính, vụ việc dân sự; giải quyết phá sản; tổ chức thực hiện hoạt động hòa giải, đối thoại.
Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp tỉnh bị kháng nghị (khoản 2 Điều 337 Bộ luật Tố tụng dân sự, khoản 2 Điều 266 Luật Tố tụng hành chính).
Quy định các Tòa chuyên trách tại một số Tòa án nhân dân khu vực
Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng trình bày nêu, Ủy ban tán thành sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của 5 luật; cho rằng, nội dung dự thảo Luật phù hợp, thống nhất với hệ thống pháp luật, tính tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.
Phạm vi sửa đổi, bổ sung tập trung vào các quy định về thẩm quyền của Tòa án nhân dân các cấp trong giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính, giải quyết phá sản; tổ chức thực hiện hòa giải, đối thoại theo quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật Tư pháp người chưa thành niên để thống nhất về tên gọi của Tòa án, thẩm quyền của các cơ quan có liên quan sau sắp xếp tổ chức bộ máy.
Ủy ban cơ bản nhất trí quy định về thẩm quyền của các Tòa án nhân dân và Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao trong xét xử, giải quyết các vụ án, vụ việc và xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm.
Cụ thể, Tòa án nhân dân khu vực sơ thẩm tất cả các vụ việc dân sự, vụ án hành chính, giải quyết phá sản. Quy định này là điều chỉnh tăng thẩm quyền của Tòa án nhân dân khu vực so với Tòa án nhân dân cấp huyện hiện nay. Đồng thời, dự thảo Luật quy định cụ thể thẩm quyền của Tòa Kinh tế thuộc Tòa án nhân dân khu vực; Tòa Sở hữu trí tuệ, Tòa Phá sản tại một số Tòa án nhân dân khu vực để các Tòa chuyên trách này có cơ sở thực hiện.
Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án, quyết định của Tòa án nhân dân cấp tỉnh đã có hiệu lực bị kháng nghị. Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị giao Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp tỉnh thẩm quyền giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án, quyết định của Tòa án nhân dân cấp tỉnh đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị.
Tòa án nhân dân cấp tỉnh phúc thẩm các bản án, quyết định dân sự, hành chính của Tòa án nhân dân khu vực chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị; giải quyết đơn đề nghị, kháng nghị quyết định phá sản; giám đốc thẩm bản án, quyết định của Tòa án nhân dân khu vực đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị.
Ủy ban cũng cơ bản thống nhất với nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung của Luật Tư pháp người chưa thành niên và Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; đồng thời, đề nghị Tòa án nhân dân tối cao phối hợp với các cơ quan có liên quan tiếp tục rà soát kỹ 2 luật này để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/sua-doi-bo-sung-cac-quy-dinh-ve-tham-quyen-cua-toa-an-cac-cap-a213895.html