Đề xuất chi khoảng 12.500 tỷ đồng/năm cho xây dựng pháp luật

Chính phủ đề xuất Ngân sách Nhà nước chi cho công tác xây dựng pháp luật không thấp hơn 0,5% tổng chi ngân sách hằng năm và tăng dần theo yêu cầu phát triển.

Sáng 15/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.

Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cho biết dự thảo Nghị quyết bổ sung cơ chế tài chính đặc biệt cho công tác xây dựng pháp luật.

Đề xuất chi khoảng 12.500 tỷ đồng/năm cho xây dựng pháp luật- Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh (Ảnh: Media Quốc hội).

Cụ thể, về ngân sách Nhà nước bảo đảm chi cho công tác xây dựng pháp luật, dự thảo Nghị quyết quy định: Ngân sách Nhà nước bảo đảm chi cho công tác xây dựng pháp luật không thấp hơn 0,5% tổng chi ngân sách nhà nước hằng năm và tăng dần theo yêu cầu phát triển và không bao gồm chi thường xuyên về trả lương.

Cơ quan soạn thảo cho rằng quy định tỉ lệ ngân sách bảo đảm cho công tác xây dựng pháp luật của dự thảo Nghị quyết là phù hợp, với dự kiến mức chi khoảng 12.500 tỷ đồng/năm.

Việc chi này đảm bảo giải quyết được thực trạng mức chi cho công tác xây dựng pháp luật hiện quá thấp, không đảm bảo chất lượng công tác xây dựng pháp luật, kinh phí dành cho công tác nghiên cứu, đánh giá chính sách, xây dựng pháp luật chưa được bố trí kịp thời.

Các nước cũng có những đầu tư tương xứng cho công tác xây dựng pháp luật. Do đó, cơ quan soạn thảo cho rằng đề xuất trên không tạo ra xáo trộn đối với ngân sách, bảo đảm chi cho công tác xây dựng pháp luật là tỉ lệ chi thấp nhất so với các lĩnh vực khác do ngân sách nhà nước bảo đảm.

Dự thảo luật cũng quy định thành lập Quỹ hỗ trợ xây dựng chính sách, pháp luật.

Theo đó, quỹ hỗ trợ xây dựng chính sách, pháp luật là Quỹ tài chính nhà Nước ngoài ngân sách, có tư cách pháp nhân, trực thuộc Bộ Tư pháp, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận.

Quỹ được Nhà nước hỗ trợ vốn điều lệ từ ngân sách nhà nước trong tỉ lệ ngân sách Nhà nước bảo đảm chi (khoảng 6,5%).

Quỹ được nhận các nguồn hỗ trợ hợp pháp ngoài ngân sách nhà nước từ các tổ chức, cá nhân trong nước. Quỹ được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước, ngân hàng thương mại hoạt động hợp pháp tại Việt Nam theo quy định của pháp luật.

ĐBQH: Sửa Hiến pháp là bước đầu của cuộc cách mạng xây dựng pháp luật

Quỹ có mục tiêu hỗ trợ, tài trợ cho các dự án, nhiệm vụ, hoạt động không được ngân sách nhà nước cấp kinh phí hoặc cần bổ sung kinh phí nhằm tạo thay đổi đột phá, tích cực, hiệu quả, bền vững về xây dựng pháp luật.

Cụ thể, quỹ có thể chi cho: Nghiên cứu, hoạch định chiến lược về xây dựng pháp luật; tổ chức, tham gia các hội nghị, hội thảo, diễn đàn pháp lý trong nước, quốc tế; hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ, hoạt động của Ban chỉ đạo Trung ương về hoàn thiện thể chế, pháp luật…

Cơ quan soạn thảo lý giải, hiện nay chưa có quỹ dành riêng cho công tác xây dựng chính sách, pháp luật.

Trong khi đó, theo thống kê chưa đầy đủ, có khoảng 30 quỹ tài chính Nhà nước do các bộ, ngành thành lập hoặc được giao quản lý; một số quỹ mới được cơ quan có thẩm quyền cho phép thành lập gần đây.

Trong bối cảnh nhiều quỹ tài chính Nhà nước, tổ chức, địa phương quản lý đã được thành lập, đi vào hoạt động và có những đóng góp tích cực cho hoạt động trong các lĩnh vực chuyên môn, việc hình thành Quỹ hỗ trợ xây dựng chính sách, pháp luật sẽ góp phần hỗ trợ cho các hoạt động chuyên môn trong công tác nghiên cứu chính sách, pháp luật được chất lượng, hiệu quả, kịp thời hơn.

Đề xuất chi khoảng 12.500 tỷ đồng/năm cho xây dựng pháp luật- Ảnh 2.

Quang cảnh phiên họp sáng 15/5 (Ảnh: Media Quốc hội).

Thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng cho biết Ủy ban và các cơ quan tán thành với quy định của dự thảo Nghị quyết về ngân sách Nhà nước bảo đảm chi cho công tác xây dựng pháp luật và việc thành lập Quỹ hỗ trợ xây dựng chính sách, pháp luật...

Lý do là vì các chính sách lớn này đều xuất phát từ yêu cầu thực tiễn là cần có cơ chế thích hợp bảo đảm và tăng cường nguồn lực đầu tư, đổi mới cơ chế phân bổ, sử dụng hiệu quả kinh phí xây dựng và thi hành pháp luật.

Đồng thời, các chính sách này giúp tăng tính chủ động cho các chủ thể trong quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, giảm bớt thủ tục hành chính.

Bên cạnh đó, góp phần khắc phục những hạn chế, bất cập trong quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí cho công tác này thời gian qua. Từ đó, nâng cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật, tăng hiệu quả trong sử dụng ngân sách Nhà nước.

Đây là giải pháp quan trọng, thiết thực để thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư về "đổi mới mạnh mẽ công tác xây dựng, hoàn thiện và thực thi pháp luật, coi đây là yếu tố quan trọng để phòng, chống lãng phí.

Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/de-xuat-chi-khoang-12500-ty-dongnam-cho-xay-dung-phap-luat-a214330.html