Trí tuệ nhân tạo - động lực thúc đẩy chuyển đổi số báo chí

(PNTĐ) - Sáng 15/5, tại Hà Nội, Báo Kinh tế & Đô thị tổ chức hội thảo chuyên đề “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong quản trị tòa soạn thông minh”. Đây là một trong chuỗi sự kiện của Báo nhân kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2025) và hướng tới 100 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2025). Hội thảo quy tụ đông đảo chuyên gia trong lĩnh vực báo chí - truyền thông, lãnh đạo các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương, cùng đại diện doanh nghiệp côn...

Tin liên quan

Cảnh báo lừa đảo mạo danh nhóm hỗ trợ chương trình “Bình dân học AI“

Bồi dưỡng và tập huấn AI trong giảng dạy

Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang tác động mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống xã hội, báo chí - truyền thông không nằm ngoài làn sóng thay đổi đó. Nghị quyết số 57-NQ/TƯ ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị đã xác định khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là động lực then chốt để phát triển đất nước nhanh và bền vững. Với báo chí, đây không còn là xu thế mà là yêu cầu sống còn.

Trí tuệ nhân tạo - động lực thúc đẩy chuyển đổi số báo chí - ảnh 1
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền và các đại biểu trải nghiệm không gian ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong quản trị tòa soạn thông minh.

Hội thảo tập trung phân tích các vấn đề mang tính thời sự như: mô hình hợp tác giữa cơ sở đào tạo nghề báo chí chất lượng cao với các tòa soạn trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo; ứng dụng AI trong tác nghiệp truyền thông; tăng cường an ninh thông tin ngành báo chí trong chuyển đổi số; đạo đức báo chí trong môi trường số với các thách thức như tin giả, quyền riêng tư; và thực tiễn xây dựng tòa soạn thông minh tại Báo Kinh tế & Đô thị.

Trí tuệ nhân tạo - động lực thúc đẩy chuyển đổi số báo chí - ảnh 2
Lãnh đạo TP Hà Nội chúc mừng Hội thảo của Báo Kinh tế & Đô thị.

Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thành Lợi - Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị nhấn mạnh: “Chuyển đổi số là xu thế tất yếu đối với mọi cơ quan báo chí. Không chỉ nội dung hay, báo chí hiện đại phải tạo ra trải nghiệm mới cho bạn đọc thông qua ứng dụng công nghệ tiên tiến, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo. Tuy nhiên, đây cũng là quá trình phức tạp, đòi hỏi cơ quan báo chí phải đầu tư về công nghệ và đặc biệt là nguồn nhân lực có kỹ năng số.”

Trong chiến lược chuyển đổi số báo chí theo Quyết định số 348/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Báo Kinh tế & Đô thị đã sớm tiên phong. Ngày 17/10/2024, tòa soạn hội tụ của Báo chính thức đi vào vận hành. Cuối năm 2024, tại Hội nghị tổng kết công tác báo chí toàn quốc, Báo Kinh tế & Đô thị được Bộ Thông tin và Truyền thông ghi nhận là đơn vị có mức độ chuyển đổi số xuất sắc – minh chứng cho những nỗ lực không ngừng trong việc hiện đại hóa tổ chức và nâng cao hiệu quả truyền thông.

Trí tuệ nhân tạo - động lực thúc đẩy chuyển đổi số báo chí - ảnh 3
Các đại biểu trải nghiệm không gian ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong quản trị tòa soạn thông minh.

Mô hình tòa soạn thông minh mà Báo Kinh tế & Đô thị triển khai là hệ thống đa nền tảng, tích hợp quy trình từ thu thập, xử lý, sản xuất đến phân phối nội dung trên cùng một CMS, sử dụng các công nghệ như AI, Big Data, điện toán đám mây, blockchain, IoT… Hệ thống còn hỗ trợ nhiều tiện ích: quản trị văn phòng điện tử, chuyển đổi văn bản - âm thanh - hình ảnh, kiểm tra lỗi chính tả, phân tích hành vi người dùng, truy xuất tài liệu số hóa, đề xuất chủ đề nội dung, hỗ trợ tác nghiệp bằng chatbot, v.v.

Đáng chú ý, trí tuệ nhân tạo đang trở thành công nghệ lõi trong hoạt động báo chí hiện đại. Ở nhiều quốc gia phát triển, AI đã được ứng dụng rộng rãi để tự động hóa quy trình biên tập, phân tích dữ liệu độc giả, hỗ trợ biên tập viên ra quyết định nội dung, và thậm chí sản xuất tin tức dạng cơ bản. Tại Việt Nam, xu hướng này đang bắt đầu được triển khai, đặc biệt tại các cơ quan báo chí tiên phong như Kinh tế & Đô thị.

Hà Nội - trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa của cả nước - hiện đang tích cực thúc đẩy chiến lược chuyển đổi số toàn diện, với ba trụ cột chính: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Báo chí Thủ đô giữ vai trò then chốt trong việc lan tỏa các chủ trương này, đồng thời phản biện chính sách, định hướng dư luận và củng cố niềm tin xã hội. Do đó, việc nghiên cứu, ứng dụng và nhân rộng mô hình tòa soạn thông minh trên nền tảng trí tuệ nhân tạo là bước đi tất yếu. Các tham luận tại Hội thảo cũng đã chỉ ra AI giúp báo chí có những bước tiến vượt bậc trong sản xuất, phát triển. Đây là đòn bẩy để báo chí sớm có những bước tiến dài trong kỷ nguyên số.

Lãnh đạo thành phố Hà Nội khẳng định sẽ tiếp tục đồng hành, tạo hành lang pháp lý thuận lợi và khuyến khích các cơ quan báo chí mạnh dạn thí điểm ứng dụng công nghệ mới. Đồng thời, việc đào tạo nguồn nhân lực báo chí chất lượng cao, có khả năng thích ứng với môi trường số, là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.

Trí tuệ nhân tạo - động lực thúc đẩy chuyển đổi số báo chí - ảnh 4
PGS.TS Nguyễn Thành Lợi - Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị

Không thể phủ nhận tính ưu việt của AI, tuy nhiên đây cũng là thách thức không nhỏ với báo chí hiện nay. PGS,TS Nguyễn Thành Lợi - Ủy viên BCH Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị cho rằng, chuyển đổi số báo chí là hoạt động mới và cũng khá khó trong tổ chức thực hiện, bởi trong quá trình vận hành các cơ quan báo chí phải phụ thuộc khá nhiều về công nghệ cũng như nguồn nhân lực mới.

“Hiện nay, đối với các cơ quan báo chí tại Việt Nam nói chung và Báo Kinh tế & Đô thị nói riêng, đang phải đối mặt với 4 vấn đề trong quá trình phát triển. Một là, nguy cơ bị tấn công mạng với quy mô lớn, có thể gây ra những tổn hại lớn. Hai là, ảnh hưởng đến thông tin từ mạng xã hội, thậm chí bị tác động bởi tin tức giả mạo, thiếu kiểm chứng… trong khi việc xác minh các nguồn tin cũng như xác định các trào lưu trên không gian mạng rất khó khăn, thậm chí là bất khả thi nếu không có các công cụ thích hợp. Ba là, xu hướng cá nhân hóa trong tiếp nhận thông tin cũng ngày càng cao. Bốn là, sự thay đổi vai trò, vị thế của công chúng, đang từ thế bị động chuyển sang chủ động, vừa là người tiêu thụ các sản phẩm báo chí truyền thông, nhưng đồng thời cũng là người tham gia vào quá trình truyền tải thông tin. Bên cạnh đó, sự phát triển mạnh mẽ của báo chí đa phương tiện, các loại hình truyền thông xã hội như trang thông tin điện tử, mạng xã hội (facebook, zalo, Twitter, youtube…) đã tạo ra sự cạnh tranh gay gắt cho hoạt động báo chí. Xu hướng hình thành các cơ quan truyền thông đa phương tiện ngày càng trở nên phổ biến cũng đặt ra những thách thức cần sự chuyển đổi số tại các cơ quan chí, chuyển đổi từ tập trung cho báo in sang tập trung cho báo điện tử. Đặc biệt, yêu cầu cập nhật thông tin nhanh nhạy, chính xác của bạn đọc. Vì vậy, đòi hỏi báo chí phải có sự đổi mới về công nghệ, tổ chức bộ máy để theo kịp xu thế đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao về yêu cầu nhiệm vụ chính trị”- Ông Nguyễn Thành Lợi nhấn mạnh.

Trí tuệ nhân tạo - động lực thúc đẩy chuyển đổi số báo chí - ảnh 5
Hội thảo thu hút đông đảo chuyên gia và các đơn vị công nghệ thông tin hàng đầu tham gia 

Bên cạnh đó, theo các đại biểu, đạo đức báo chí trong thời đại công nghệ cũng là vấn đề được đặt ra nghiêm túc. Việc sử dụng AI trong sản xuất nội dung cần bảo đảm tính chính xác, minh bạch và nhân văn. Công nghệ chỉ là công cụ; chính nhà báo - con người - mới là chủ thể quyết định hướng đi và chất lượng thông tin lan tỏa trong xã hội.

Hội thảo “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong quản trị tòa soạn thông minh” không chỉ là dịp chia sẻ kinh nghiệm, khẳng định vai trò tiên phong của Báo Kinh tế & Đô thị trong chuyển đổi số báo chí, mà còn là một bước quan trọng trong lộ trình kiến tạo hệ sinh thái báo chí hiện đại - nơi công nghệ phục vụ con người, chứ không thay thế con người.


Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/tri-tue-nhan-tao-dong-luc-thuc-day-chuyen-doi-so-bao-chi-a214358.html