Áp lực hiện đang gia tăng đối với Liên minh châu Âu (EU) trong việc đạt được một thỏa thuận với Washington, đặc biệt là sau khi xuất hiện những thỏa thuận đầu tiên giữa Mỹ và các đối tác thương mại lớn nhất của nước này.
Hơn một tháng đã trôi qua kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố hoãn thi hành các mức thuế quan "có đi có lại" nặng nề trong 90 ngày. Cho đến nay, Nhà Trắng đã công bố đạt được thỏa thuận với Vương quốc Anh và Trung Quốc.
Khi Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent tuần này cho biết, Thụy Sĩ, một quốc gia châu Âu không phải thành viên EU, cũng đang trên đà đạt được thỏa thuận, vị quan chức Mỹ đồng thời cảnh báo Brussels rằng khối này đang chậm chân hơn nhiều.
Tuy nhiên, EU cho biết, họ không quá lo lắng. Khi nói đến thương mại, EU tự tin rằng quy mô của khối mang lại lợi thế cho họ.
EU – với tư cách một trong 3 nền kinh tế hàng đầu thế giới – sẽ không dễ dàng bị bắt nạt, và Brussels muốn có một thỏa thuận tốt hơn với Washington, các quan chức cấp cao của EU cho biết.
Ông Trump đã áp dụng mức thuế quan "cơ bản" 10% từ đầu tháng 4 đối với hầu hết đối tác thương mại trên thế giới, cùng với mức thuế 25% đối với xe hơi và kim loại.
Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn cân bằng thâm hụt thương mại xuyên Đại Tây Dương. Ảnh: Kaohoon International
Nếu EU và Mỹ không đạt được thỏa thuận vào đầu tháng 7, mức thuế cao hơn là 20% sẽ được áp dụng khi ông Trump tìm cách cân bằng thâm hụt thương mại xuyên Đại Tây Dương, mà ông đổ lỗi hoàn toàn cho EU.
Nhà lãnh đạo Mỹ gần đây lại chĩa mũi nhọn về phía Brussels. Khi tuyên bố đột phá trong đàm phán thương mại với Bắc Kinh hôm 12/5, ông Trump đã chuyển hướng chỉ trích sang EU, mô tả khối này là "tệ hơn cả Trung Quốc".
Bình luận của ông Trump đánh dấu sự thay đổi đáng kể so với những lời ấm áp của chính ông về Chủ tịch Ủy ban châu Âu tuần trước, trong đó ông ca ngợi bà Ursula von der Leyen là "tuyệt vời", đồng thời nói thêm rằng ông hy vọng hai người sẽ sớm gặp nhau.
Mặc dù nhiều nhà lãnh đạo châu Âu đã gặp ông Trump kể từ khi ông trở lại Nhà Trắng, bà Von der Leyen vẫn chưa ấn định được cuộc gặp chính thức nào với nhà lãnh đạo Mỹ. Hai bên mới chỉ trao đổi vài lời ngắn gọn tại tang lễ của Giáo hoàng Francis tại Vatican.
Tuần trước, bà Von der Leyen cho biết, bà sẽ chỉ gặp Tổng thống Mỹ nếu có một gói thương mại "cụ thể" có thể đàm phán được.
"Nếu tôi đến Nhà Trắng, tôi muốn có một gói mà chúng ta có thể thảo luận", người đứng đầu cơ quan điều hành EU cho biết khi phản hồi đề xuất gặp mặt của ông Trump.
Bình luận của bà Von der Leyen cho thấy EU mong muốn đàm phán một thỏa thuận thương mại toàn diện hơn chứ không phải là một thỏa thuận mang lại chiến thắng chính trị nhanh chóng nhưng có phạm vi hạn chế, chẳng hạn như thỏa thuận giữa Washington và London.
Theo dữ liệu của Mỹ, thương mại Mỹ - EU lớn hơn thương mại Mỹ - Anh hơn 6 lần. Khối 27 quốc gia tin rằng sức nặng của mình có giá trị trong các cuộc đàm phán.
Nhưng nhiều nỗ lực đàm phán với Washington để xóa bỏ thuế quan của Trump đối với hàng hóa châu Âu cho đến nay vẫn chưa mang lại bước đột phá nào cho Brussels.
Các nhà phân tích của Eurointelligence, một tổ chức tư vấn rủi ro chính trị, lưu ý rằng EU nên chuẩn bị cho các cuộc đàm phán vượt ra ngoài phạm vi thương mại.
Các quan chức Nhà Trắng đã nói rằng châu Âu sẽ cần phải hạ thấp các rào cản phi thuế quan do thuế giá trị gia tăng và các quy định về an toàn ô tô và thực phẩm tạo ra.
"Nếu EU muốn đạt được tiến triển trong lĩnh vực này, họ có thể cần phải xem xét lại cách tiếp cận của mình", Eurointelligence cho biết trong một bản tóm tắt.
Trong một diễn biến bất ngờ, trang Politico hôm 14/5 dẫn nguồn 4 nhà ngoại giao EU cho biết, Mỹ đã gửi một lá thư cho Ủy ban châu Âu (EC) – một động thái được hiểu là dấu hiệu đầu tiên cho thấy Washington sẵn sàng tham gia vào một thỏa thuận đàm phán với Brussels.
"Động thái diễn ra trong tuần này là động thái cụ thể tích cực đầu tiên từ chính quyền Donald Trump kể từ khi hai bên tạm dừng làn sóng thuế quan trả đũa. Các nhà ngoại giao cho biết lá thư này là phản ứng trước danh sách các nhượng bộ tiềm năng mà Liên minh châu Âu đã nói riêng rằng họ sẵn sàng đưa ra", Politico viết.
Danh sách các nhượng bộ tiềm năng được đề cập bao gồm việc nới lỏng quy định và nỗ lực chung để hạn chế sản phẩm dư thừa ở nơi khác tràn vào thị trường của cả hai bên bờ Đại Tây Dương.
Đồng thời với các nhượng bộ, Brussels cũng đưa ra mức thuế trả đũa đối với hàng hóa trị giá 95 tỷ Euro của Mỹ nếu đàm phán thất bại, và hiện EC đang tham vấn về những mức thuế này với các quốc gia và doanh nghiệp EU.
Minh Đức (Theo Reuters, Politico EU)
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/nguyen-nhan-eu-khong-voi-dam-phan-thue-quan-voi-my-a214419.html