Tiếp phiên Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), chiều 24/3, các đại diện doanh nghiệp tiếp tục gửi kiến nghị đến Thủ tướng những khó khăn, vướng mắc để được tháo gỡ.
Tại Hội nghị, ông Đặng Ngọc Hoà - Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) cho biết, ngành hàng không tăng trưởng 2 con số trong 5 năm liền trước đại dịch Covid-19. Tuy nhiên ngành hàng không phải chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất trong 2 năm đại dịch năm 2020, năm 2021.
“Doanh nghiệp xác định nội lực là chính, do đó chúng tôi đã có đề án tái cơ cấu Vietnam Airlines”, Chủ tịch Vietnam Airlines cho hay.
Cũng theo ông Hoà, 3 tháng đầu năm 2022, với Vietnam Airlines thị trường nội địa đã phục hồi 80%, nhưng quốc tế chỉ hồi phục được 4% so với trước đại dịch. Do đó, thời gian tới vẫn thiếu khách và khó khăn vẫn tiếp tục kéo dài.
Nói về chiến lược năm 2022, Vietnam Airlines sẽ mở thêm 16 đường bay nội địa, mở lại đường bay tại các thị trường quốc tế.
Kiến nghị với Chính phủ, Chủ tịch Vietnam Airlines mong Chính phủ có giải pháp kiểm soát hiệu quả kinh tế vĩ mô ngành hàng không, trong đó đảm bảo các hãng hàng không ở Việt Nam đều phát triển bền vững, cạnh tranh bình đẳng nhưng có định hướng của Nhà nước.
[E] Miếng bánh hàng không Việt và những tay chơi mới
Ông Hoà lấy ví dụ, theo kinh nghiệm quốc tế, Chính phủ Hàn Quốc hiện đã thống nhất cho sáp nhập hãng hàng không với nhau. Hay Chính phủ Indonesia cũng đã định hướng sáp nhập hãng hàng không với doanh nghiệp cảng với nhau. Chính phủ Mỹ cũng bắt đầu kiểm soát số lượng hãng hàng không để đảm bảo sự phát triển vĩ mô này. Thị trường Trung Quốc cũng kiểm soát hàng không rất chặt.
“Do đó, chúng tôi đề xuất kiểm soát vĩ mô hàng không để bình đẳng hãng hàng không trong nước và nước ngoài. Đồng thời, đối với trong nước, có kiểm soát, đảm bảo tải cung ứng, hiện do không bay được quốc tế nên tải hàng không dồn về trong nước và giá rất thấp, thấp hơn cả giá thành", ông nói.
Theo ông Hoà, kiểm soát vĩ mô ngành hàng không cũng nhằm phát triển hãng hàng không và đội bay phù hợp với phát triển hạ tầng.
Đại diện Vietnam Airlines kiến nghị Chính phủ hỗ trợ Vietnam Airlines - doanh nghiệp có 86% vốn Nhà nước bằng cách các Bộ ngành địa phương sử dụng sản phẩm của Vietnam Airlines đi kèm chất lượng, giá cả đảm bảo. Đồng thời rà soát bổ sung hệ thống pháp luật cơ chế chính sách về doanh nghiệp Nhà nước để doanh nghiệp có thể tăng vốn và thoái vốn khắc phục ảnh hưởng quá lớn từ đại dịch.
Chủ tịch Vietnam Airlines cũng đề xuất, hiện sân bay Long Thành đang được triển khai xây dựng thành sân bay cửa ngõ quốc tế, Vietnam Airlines xin phép chuyển sang khai thác quốc tế xuyên lục địa tại đây.
Vị này cũng cho biết, do chi phí xăng dầu tăng, Vietnam Airlines dự tính chi phí sẽ tăng thêm 5.000 - 7.000 tỷ đồng, do đó kiến nghị miễn thuế xăng dầu cũng như có chính sách về giá vé để doanh nghiệp phục hồi.
Xét về hoạt động kinh doanh của Vietnam Airlines, dến thời điểm hiện tại, hầu hết các doanh nghiệp đã công bố đầy đủ báo cáo kết quả kinh doanh cả năm 2021 tuy nhiên, Vietnam Airlines, lại gửi công văn để xin tiếp tục được hoãn công bố BCTC vì "lý do bất khả kháng".
Theo đó, phía Vietnam Airlines đưa ra lý do sau Tết Nguyên Đán tình hình dịch diễn biến phức tạp với số ca F0 tăng cao do đó nhân sự bộ phận kế toán của Tổng Công ty và các công ty thành viên phải thực hiện giãn cách và làm việc online nên việc báo cáo số liệu, tài liệu từ 15 công ty con để lập BCTC hợp nhất gặp nhiều khó khăn. Vì vậy phía Tổng Công ty không thể tổng hợp BCTC để thực hiện công bố thông tin như kỳ vọng.
Trước đó, vào ngày 26/1, phía Vietnam Airlines cũng đã có công văn gửi Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch chứng khoán Tp.HCM xin được gia hạn nộp BCTC quý IV/2021 với lý do gần như tương tự.
Cụ thể, Vietnam Airlines giải trình từ cuối quý IV/2021 Chính phủ đã cho phép từng bước mở lại các chuyến bay nội địa và thường lệ quốc tế để vận chuyển hành khách.
Tuy nhiên do thị trường chưa thực sự hồi phục, đồng thời vẫn phải đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh trong tình hình mới nên Vietnam Airlines vẫn chỉ bố trí tối đa 50% nhân viên khối văn phòng đến công sở làm việc. Điều này dẫn đến quá trình luân chuyển, xử lý chứng từ, đối chiếu số liệu báo cáo giữa các cơ quan, đơn vị để lập BCTC quý IV/2021 bị chậm trễ, đòi hỏi phía doanh nghiệp cần có thêm thời gian để hoàn tất.
Vì vậy, doanh nghiệp đã xin Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch chứng khoán Tp.HCM cho dời lịch công bố BCTC quý IV/2021 sang tháng 2/2022 nhưng đến nay vẫn chưa hoàn tất và tiếp tục đưa ra lý do xin hoãn công bố, chưa hẹn ngày chính xác.
Đáng chú ý, đây không phải là lần đầu tiên phía Vietnam Airlines chậm công bố BCTC mà trước đã có tiền lệ nhiều lần như vậy. Tính riêng trong năm 2021, Vietnam Airlines đã chậm nộp BCTC trong quý 2, quý 3 và đến hiện tại là cả quý IV/2021. Lý do được đưa ra cho tất cả các lần xin nộp chậm đều là do đại dịch Covid-19.
Tính đến cuối quý III/2021, tổng lỗ lũy kế của Vietnam Airlines đã lên đến 21.200 tỷ đồng. Mặc dù hãng đã hoàn thành tăng vốn điều lệ thêm 8.000 tỷ đồng lên 22.144 tỷ đồng, hiện vốn chủ sở hữu cũng chỉ còn vỏn vẹn 1.475 tỷ đồng.
Hãng hàng không quốc gia hiện vẫn đang phải đối mặt với nguy cơ bị huỷ niêm yết nếu báo cáo kiểm toán năm 2021 của doanh nghiệp ghi nhận vốn chủ sở hữu ở mức âm.
Xem thêm:
Petrolimex xin được ưu tiên xây 50% số cây xăng trên đường cao tốc
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/vietnam-airlines-mong-bo-nganh-ho-tro-dung-san-pham-cua-doanh-nghiep-a21447.html