Chi 20 tỷ đồng để làm một bộ luật, đại biểu nói con số “hơi cao”

Đại biểu Phạm Văn Hoà cho rằng, hiện nay việc xây dựng luật chỉ thực hiện một quy trình thay vì 2 - 3 kỳ như trước, nên khoản chi 20 tỷ đồng cho một bộ luật là "hơi cao".

Sáng 16/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.

Chính phủ đã đề xuất thực hiện cơ chế, chính sách đặc biệt về tài chính với định mức vượt trội và khoán chi theo nhiệm vụ, hoạt động trong công tác xây dựng pháp luật.

Phụ lục dự thảo Nghị quyết nêu rõ, mức khoán chi cho việc xây dựng một bộ luật mới; bộ luật thay thế bộ luật hiện hành (từ xây dựng đến thông qua) là 20 tỷ đồng; Luật mới, luật thay thế luật hiện hành là 18 tỷ đồng; Bộ luật sửa đổi, bổ sung là 10 tỷ đồng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật có nội dung hạn chế quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp là 9 tỷ đồng…

Trong đó, khâu xây dựng, soạn thảo, thẩm định, trình chiếm 70% mức khoán chi; còn 30% dành cho khâu thẩm tra, thông qua.

Đề nghị cân nhắc kỹ mức chi

Phát biểu thảo luận về nội dung này, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) bày tỏ nhiều băn khoăn. Theo ông Hoà, những người làm trong công tác xây dựng pháp luật đã được hưởng các chế độ, chính sách thông thường, nay thêm mức khoán chi lớn như trên, cần cân nhắc kỹ.

"Tôi đồng tình theo khoản chi, tuy nhiên phải cân nhắc thật kỹ. Hiện nay chúng ta xây dựng luật, pháp lệnh chỉ thực hiện một quy trình, trước đây số tiền này phải làm 2 kỳ hoặc 3 kỳ nhưng bây giờ chủ yếu làm một kỳ, mà khoản chi 20 tỷ đồng cho xây dựng một bộ luật mới tôi nghĩ hơi cao", ông Hòa bày tỏ.

Chi 20 tỷ đồng để làm một bộ luật, đại biểu nói con số “hơi cao”- Ảnh 1.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Ảnh: Media Quốc hội).

Ông Phạm Văn Hòa băn khoăn, những luật chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều, nhưng mức khoán chi lên đến 9 tỷ đồng thì có hợp lý?

"Có khi luật Quốc hội giao chỉ có vài điều, Chính phủ chỉ ban hành nghị định cũng được hưởng mấy tỷ đồng. Tôi cho rằng đây là một điểm cần thiết có sự cân nhắc, làm sao chi cho đúng, cho trúng đối tượng để tránh bị so bì với những đối tượng khác", ông Hòa nói.

Đồng tình với đại biểu Phạm Văn Hoà, đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương (đoàn Quảng Ngãi) cho rằng, cần bổ sung đối tượng được thụ hưởng chế độ chính sách đặc biệt tại địa phương, gồm đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách tại địa phương; công chức văn phòng tham mưu, giúp việc trực tiếp; đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh; công chức cán bộ tham mưu giúp việc trực tiếp cho các ban của HĐND tỉnh.

Đề xuất chi khoảng 12.500 tỷ đồng/năm cho xây dựng pháp luật

Nữ đại biểu đề nghị xem xét quy định nguyên tắc mức hưởng hỗ trợ tương ứng với khả năng kinh nghiệm và kết quả thực hiện nhiệm vụ trong công tác xây dựng pháp luật, triển khai thi hành pháp luật để cho phù hợp hơn.

"Chúng ta quy định một mức hưởng như nhau tôi thấy chưa phù hợp", bà Sương nêu quan điểm.

Chi 20 tỷ đồng để làm một bộ luật, đại biểu nói con số “hơi cao”- Ảnh 2.

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Ảnh: Media Quốc hội).

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (đoàn Thái Nguyên) cho rằng, trên thực tế có tình trạng ban hành văn bản quy phạm pháp luật gây cản trở, là rào cản hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên việc xem xét, xử lý trách nhiệm việc này chưa được quan tâm thỏa đáng.

Do đó, ở dự thảo Nghị quyết lần này, đại biểu kiến nghị thiết kế quy định, có chế tài xử lý trách nhiệm cả hành chính và hình sự đối với người quyết định, người tham gia xây dựng pháp luật mà gây cản trở, tạo rào cản.

"Chúng ta tăng chế độ, chính sách cho người làm công tác xây dựng pháp luật nhưng phải đi kèm với nâng cao trách nhiệm", ông Nguyễn Lâm Thành nói

Bảo đảm không có lợi ích nhóm và trục lợi chính sách

Phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu nêu, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cho biết, về mức khoán chi trong công tác xây dựng pháp luật, cơ quan soạn thảo sẽ rà soát, giảm mức khoán chi cho phù hợp, tránh cao hơn so với mặt bằng chung cũng như tạo sự khác biệt với các công tác khác.

Chi 20 tỷ đồng để làm một bộ luật, đại biểu nói con số “hơi cao”- Ảnh 3.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh (Ảnh: Media Quốc hội).

Vấn đề các đại biểu Quốc hội băn khoăn cá nhân được hưởng hỗ trợ tháng thì có được hưởng thù lao phê khoán chi tham gia các hoạt động xây dựng pháp luật hay không, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết đây là 2 cơ chế hoàn toàn tách bạch, không có sự chồng lấn.

"Điều này để bảo đảm cá nhân có sự đãi ngộ xứng đáng, yên tâm tập trung gắn bó công việc và giữ chân cán bộ", ông Ninh nói.

Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/chi-20-ty-dong-de-lam-mot-bo-luat-dai-bieu-noi-con-so-hoi-cao-a214516.html