Các quốc gia NATO ở Biển Baltic và Liên minh châu Âu (EU) hôm 16/5 đã ký Biên bản ghi nhớ (MoU) về hợp tác bảo vệ cơ sở hạ tầng dưới nước quan trọng trong khu vực.
10 quốc gia thành viên NATO ở châu Âu và EU đã nhất trí tăng cường hợp tác bảo vệ cơ sở hạ tầng cáp ngầm sau khi bắt đầu đàm phán về Biên bản ghi nhớ được công bố tại Hội nghị thượng đỉnh các đồng minh NATO ở Biển Baltic tại Helsinki vào ngày 14/1 năm nay.
Biên bản ghi nhớ được ký kết trong cuộc họp cấp Bộ trưởng của Hội đồng các quốc gia Biển Baltic (CBSS) tại Vihula, Estonia.
CBSS bao gồm Đan Mạch, Estonia, Phần Lan, Đức, Iceland, Latvia, Lithuania, Na Uy, Ba Lan, Thụy Điển cũng như EU.
Các tuyến cáp Internet ngầm quan trọng ở Biển Baltic đang được sửa chữa sau khi bị đứt trong các sự cố riêng biệt vào tháng 11/2024. Ảnh: NATO website
Trong một tuyên bố, Bộ trưởng Ngoại giao Phần Lan Elina Valtonen cho biết, Biên bản ghi nhớ nêu bật tầm quan trọng của hợp tác chính trị giữa các quốc gia Biển Baltic trong thời điểm cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine "làm gia tăng mức độ đe dọa ở Biển Baltic".
"Điều quan trọng là phải bảo vệ cơ sở hạ tầng dưới nước quan trọng trước cả các hành động cố ý và vô ý", bà Valtonen nói.
Biển Baltic là nơi xảy ra một số sự cố cơ sở hạ tầng nghiêm trọng kể từ khi xung đột giữa Nga và Ukraine bùng phát vào tháng 2/2022, làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.
Việc bảo vệ cơ sở hạ tầng dưới nước thường được coi là công việc của các công ty tư nhân vận hành cơ sở hạ tầng đó hoặc của từng quốc gia.
Nhưng Đại úy Hải quân Đan Mạch Niels Markussen, Giám đốc Trung tâm Hàng hải về An ninh Cơ sở hạ tầng quan trọng dưới biển của NATO, cho biết các thành viên NATO đang nhanh chóng tăng cường phối hợp và hợp tác để cố gắng bảo vệ các liên kết năng lượng và truyền thông quan trọng của họ.
Ông cho biết các quốc gia NATO cũng đang ngày càng chuyển sang áp dụng các công nghệ mới nổi, bao gồm trí tuệ nhân tạo (AI) và tàu ngầm không người lái, để cố gắng ngăn chặn các mối đe dọa.
Tuy nhiên, vấn đề đầu tiên là phải hiểu rõ cơ sở hạ tầng dưới biển của các thành viên NATO nằm ở đâu: Các quốc gia và công ty thường không muốn chia sẻ vị trí của các tài sản chiến lược.
"Chúng ta cần hiểu toàn bộ hệ thống cơ sở hạ tầng của mình – có gì ở đó và chúng đang làm gì", ông Markussen cho biết.
Minh Đức (Theo Anadolu, France24)
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/cac-quoc-gia-nato-o-bien-baltic-nhat-tri-hop-tac-bao-ve-co-so-ha-tang-quan-trong-a214606.html