Tin liên quan
Giữ lửa theo gương Bác: Dấu ấn 10 năm thực hiện Chỉ thị 05 tại Phú Thượng
“Mái ấm tình thương” sưởi ấm lòng người: Ngôi nhà mới cho bà Lộc tại Tây Hồ
Người cao tuổi quận Tây Hồ: Sáng mãi tinh thần “Tuổi cao - Gương sáng“
Không chỉ dừng lại ở việc học lý thuyết, quá trình thực hiện đã tạo chuyển biến rõ nét về hành động, với nhiều mô hình sáng tạo lan tỏa trong cộng đồng. Hội nghị tổng kết do Quận ủy tổ chức ngày 16/5/2025 là dịp quan trọng để nhìn lại chặng đường 10 năm đầy nỗ lực, sáng tạo và hiệu quả.
Tạo chuyển biến sâu sắc trong nhận thức và hành động
Ngay từ khi Chỉ thị 05 được ban hành, Quận ủy Tây Hồ đã xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, xuyên suốt. Ban Thường vụ Quận ủy đã ban hành 30 văn bản chỉ đạo, tổ chức 39 hội nghị quán triệt Chỉ thị 05, Kết luận 01 và các chuyên đề toàn khóa cho hơn 14.500 lượt cán bộ, đảng viên. Đồng thời, các chi bộ cơ sở đã tổ chức hơn 2.300 buổi sinh hoạt chuyên đề, với nội dung gắn chặt giữa học Bác và nhiệm vụ chính trị.
Tỷ lệ cán bộ, đảng viên tham gia học tập chuyên đề hằng năm luôn đạt trên 93%. Từ năm 2023 đến nay, 100% cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội từ Quận đến cơ sở đã xây dựng kế hoạch thực hiện Chỉ thị 05/Kết luận 01 gắn với nhiệm vụ chính trị. Việc đăng ký học tập và làm theo Bác được triển khai sâu rộng, toàn diện. Đặc biệt, trong giai đoạn 2021 - 2025, việc đăng ký được nâng lên thành cam kết trách nhiệm nêu gương.
Từ nhận thức chuyển hóa thành hành động cụ thể, tỷ lệ đảng viên đăng ký đảm nhận chỉ đạo giải quyết nhiệm vụ khó khăn, phức tạp thuộc thẩm quyền đạt 94% (7.126/7.560 đảng viên) trong 2 năm 2023 - 2024. Qua đó, nhiều vấn đề tồn tại kéo dài đã được tập trung giải quyết hiệu quả, như: Xử lý dứt điểm vi phạm tại hồ Đầm Trị, thu hồi đất công tại Đầm Bảy, triển khai hiệu quả Đề án công nghiệp văn hóa, thúc đẩy chuyển đổi số và cải cách hành chính.
Bám sát định hướng “học đi đôi với làm”, nhiều mô hình thiết thực, hiệu quả đã được các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể quận Tây Hồ triển khai đồng bộ. Tiêu biểu như mô hình “Chi bộ 4 tốt, Đảng viên 4 tốt”, “Công chức áo xanh” trong hệ thống chính trị; “Ngày không giấy hẹn”, “Tuyến ngõ kiểu mẫu”, “Ngõ văn minh đô thị” trong cải cách hành chính và quản lý đô thị; “Nuôi lợn nhựa tiết kiệm”, “Tuần lễ vàng vì phụ nữ và trẻ em khó khăn” của Hội Liên hiệp Phụ nữ; phong trào “Mỗi ngày cán bộ chiến sĩ công an làm một việc tốt” của Công an quận; các hoạt động “Chúng em làm nghìn việc tốt”, “Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác” của đoàn viên, thanh thiếu nhi…
Đây không chỉ là những phong trào bề nổi, mà đã thực sự góp phần lan tỏa tinh thần học Bác, hướng tới những giá trị thực chất trong điều hành, phục vụ nhân dân và xây dựng nếp sống văn hóa.
Qua 10 năm, toàn quận đã biểu dương, khen thưởng 598 tập thể và 1.666 cá nhân tiêu biểu trong học tập và làm theo Bác; riêng cấp quận đã khen thưởng 202 tập thể, 233 cá nhân điển hình. Năm 2025, có 15 tập thể và 25 cá nhân được vinh danh tại Hội nghị tổng kết. Tây Hồ cũng là một trong những đơn vị đầu tiên phát động và tổ chức thành công Cuộc thi viết “Khát vọng Tây Hồ – Khát vọng Thăng Long” năm 2024, thu hút 478 bài dự thi, trong đó có 42 tác phẩm được trao giải và xuất bản thành sách, tạo hiệu ứng tích cực trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.
Từ hành động cụ thể đến những mô hình sáng tạo lan tỏa
Những con số biết nói trở nên sinh động hơn qua các câu chuyện thực tiễn từ cơ sở. Việc học tập và làm theo Bác ở Tây Hồ không dừng ở khẩu hiệu, mà được gắn chặt với thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết các vấn đề bức xúc, nổi cộm của người dân.
Điển hình như tại phường Phú Thượng - một địa phương giàu truyền thống, phong trào học Bác được cụ thể hóa bằng việc bảo tồn, phát triển làng nghề Xôi Phú Thượng. Thay vì trông chờ vào đầu tư bên ngoài, cán bộ, đảng viên và người dân nơi đây đã chủ động đề xuất, triển khai nhiều biện pháp: hỗ trợ truyền nghề, xây dựng nhãn hiệu tập thể, phát triển sản phẩm OCOP và du lịch làng nghề. Những giá trị kinh tế, văn hóa và tinh thần từ mô hình này là minh chứng rõ nét cho tinh thần tự lực, tự cường như lời Bác dạy - đã và đang được khơi dậy mạnh mẽ.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Lê Thị Thu Hằng - Thành ủy viên, Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND Quận - nhấn mạnh: Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh phải thực sự thấm sâu vào nếp nghĩ, cách làm của mỗi cán bộ, đảng viên và người dân. Đồng chí đặc biệt lưu ý việc phát huy trách nhiệm nêu gương, tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và dám chịu trách nhiệm.
Đây là yếu tố then chốt để mỗi người tự soi, tự sửa, để “học Bác lòng ta trong sáng hơn”, từ đó nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Tinh thần “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm” được Quận ủy Tây Hồ cụ thể hóa bằng việc triển khai cho cán bộ chủ chốt đăng ký đảm nhận những việc mới, việc khó. Chính từ đây, nhiều vấn đề tồn tại, bức xúc kéo dài nhiều năm đã được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết dứt điểm, mang lại hiệu quả thiết thực, củng cố niềm tin trong nhân dân.
Sự nỗ lực và tinh thần tiên phong này đã được ghi nhận. Tại Hội nghị, nhiều tập thể, cá nhân tiêu biểu, những người đã thể hiện rõ nhất tinh thần học Bác bằng những hành động cụ thể, dám nghĩ dám làm, đã được biểu dương, khen thưởng. Đây là sự khẳng định, cổ vũ kịp thời, tạo động lực để ngày càng nhiều tập thể, cá nhân noi gương, đóng góp cho sự phát triển của Quận.
Để việc học tập và làm theo Bác tiếp tục đi vào chiều sâu, đồng chí Bí thư Quận ủy đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đồng bộ, gắn chặt việc học với làm, giải quyết hiệu quả các vấn đề thực tiễn. Chú trọng phát hiện, nhân rộng điển hình tiên tiến, phát huy vai trò giám sát của nhân dân. Đặc biệt, mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, phải không ngừng rèn luyện, nâng cao bản lĩnh, dám đối diện, dám hành động vì sự phát triển chung.
Từ những chuyển động âm thầm nhưng bền bỉ trong từng tổ dân phố, từng chi bộ, phong trào học và làm theo Bác ở Tây Hồ đã thực sự trở thành nền nếp, lan tỏa vào từng việc làm, từng chính sách. Đó không chỉ là hành động của một nhiệm kỳ, mà là quá trình lâu dài, đầy tâm huyết nhằm hướng tới một mục tiêu cao cả: Xây dựng một Tây Hồ phát triển bền vững, nhân văn, hiện đại, nơi học Bác không chỉ bằng lời nói, mà bằng hành động cụ thể, hằng ngày.
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/quan-tay-ho-lan-toa-sau-rong-viec-hoc-tap-va-lam-theo-tu-tuong-dao-duc-phong-cach-ho-chi-minh-a214679.html