Việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp sẽ tạo nền tảng để đất nước bước vào kỉ nguyên mới

(PNTĐ) - Báo Phụ nữ Thủ đô tiếp tục ghi nhận ý kiến đóng góp vào Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 2013 của các tầng lớp nhân dân.

Việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp sẽ tạo nền tảng để đất nước bước vào kỉ nguyên mới - ảnh 1
Ông Trần Hải Lộc - Cán bộ Sở KH&CN đã nghỉ hưu

Trần Hải Lộc - Cán bộ Sở KH&CN đã nghỉ hưu, hiện ở Phường Vân Giang, thành phố Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình

Sửa đổi, bổ sung Hiến pháp nhằm hoàn thiện thể chế đáp ứng yêu cầu đưa dân tộc bước vào kỉ nguyên mới.

Là một người hoạt động nhiều năm trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về Khoa học và Công nghệ đã nghỉ hưu, tôi luôn quan tâm đến mọi biến động và thay đổi của xã hội. Đặc biệt rất phấn khởi trước sự chuyển mình của bộ máy Quản lý Nhà nước trong một khoảng thời gan rất ngắn. Nói và làm, lí luận và thực tiễn từng bước thu hẹp khoảng cách. Tôi đồng tình cao với chủ trương của Đảng và Nhà nước ta về tổ chức sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013.

Hiến pháp là bộ luật “Mẹ”, là nền tảng cơ bản để hình thành các bộ luật chuyên ngành. Hiến pháp không chỉ là một bộ luật, mà là ý chí, nguyện vọng của cả một dân tộc; của những giá trị dân chủ, công bằng và tiến bộ mà cả dân tộc chúng ta đang cùng nhau hướng đến. Tôi rất phấn khởi đón nhận cuộc phát động lấy ý kiến toàn dân về sửa đổi Hiến pháp của Đảng và Nhà nước. Đây là một cuộc sinh hoạt chính trị sâu rộng thể hiển sự văn minh dân chủ và sáng suốt của Đảng ta. Đặc biệt sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013 là một sự kiện chính trị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong thời khắc của cuộc cách mạng, thể hiện được sự nhạy bén và quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước nhằm hoàn thiện thể chế đáp ứng được yêu cầu đưa dân tộc bước vào kỉ nguyên mới.

Với tư cách là một nhà quản lý hoạt động Khoa học và Công nghệ đã nghỉ hưu, tôi mong muốn Hiến pháp sửa đổi lần này sẽ tạo ra một nền tảng vững chắc cho xã hội bước vào kỉ nguyên mới; Làm cơ sở cho việc hình thành đổi mới phương pháp quản lý trong đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Khoa học đang là yếu tố quyết định phát triển của các quốc gia nói chung và Việt Nam ta nói riêng, là điều kiện tiên quyết, thời cơ tốt nhất để dân tộc ta phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỉ nguyên mới.

Hiến pháp sửa đổi hoàn chỉnh sẽ là nền tảng để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện đồng bộ các quy định pháp luật về khoa học, công nghệ, đầu tư, tài sản công, sở hữu trí tuệ, thuế… tháo gỡ các điểm nghẽn, rào cản, cải cách phương thức quản lý, triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ phù hợp với từng loại hình nghiên cứu; cải cách cơ chế quản lý tài chính trong việc thực hiện nhiệm vụ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, đơn giản hoá các thủ tục hành chính; giao quyền tự chủ trong sử dụng kinh phí nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ…

Tôi tin rằng, với trí tuệ, tâm huyết và trách nhiệm của nhân dân cả nước, bản Hiến pháp sửa đổi lần này sẽ đáp ứng yêu cầu của thời đại, khẳng định mạnh mẽ vị thế, bản lĩnh và khát vọng vươn lên của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XXI.

Việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp sẽ tạo nền tảng để đất nước bước vào kỉ nguyên mới - ảnh 2
Ông Đặng Hồng Thái Giang, Phó trưởng bộ môn Karate, Liên đoàn võ thuật tỉnh Thái Nguyên

Đặng Hồng Thái Giang, Phó trưởng bộ môn Karate, Liên đoàn võ thuật tỉnh Thái Nguyên, Trọng tài Quốc gia.

Mong Hiến pháp sửa đổi quan tâm đầy đủ và rõ ràng hơn đến vai trò của thể dục thể thao trong việc nâng cao sức khỏe nhân dân

Với tư cách là một công dân, đồng thời là huấn luyện viên thể dục thể thao, tôi hoàn toàn nhất trí với chủ trương sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 mà Đảng và Nhà nước đang tổ chức lấy ý kiến nhân dân. Trong bối cảnh đất nước đang hội nhập sâu rộng và đối mặt với những yêu cầu mới trong phát triển bền vững, việc hoàn thiện Hiến pháp là bước đi đúng đắn, thể hiện tinh thần cầu thị, dân chủ và trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân và xây dựng một thể chế pháp lý phù hợp với thực tiễn phát triển đất nước.

Tuy nhiên, từ góc độ người làm công tác thể thao lâu năm, tôi tha thiết đề nghị Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 cần dành sự quan tâm đầy đủ và rõ ràng hơn đến vai trò thiết yếu của thể dục thể thao trong việc nâng cao sức khỏe nhân dân, bồi dưỡng thế hệ trẻ, xây dựng con người phát triển toàn diện cả về thể chất, trí tuệ và tinh thần. Thể dục thể thao không chỉ là hoạt động phong trào mà còn là nền tảng của một xã hội văn minh, có kỷ luật, ý chí và sức mạnh đoàn kết.

Hiến pháp – với vị thế là đạo luật gốc – cần khẳng định mạnh mẽ hơn nữa trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm điều kiện để mọi người dân, không phân biệt độ tuổi, giới tính hay vùng miền, được tiếp cận và tham gia hoạt động thể thao một cách công bằng, thường xuyên và có chất lượng. Đồng thời, cần xác lập rõ định hướng phát triển thể thao thành tích cao, xây dựng nền thể thao chuyên nghiệp, hiện đại, có khả năng hội nhập và nâng tầm vị thế quốc gia trên đấu trường khu vực và quốc tế.

Việc sửa đổi Hiến pháp lần này là dịp quan trọng để thể hiện tầm nhìn dài hạn, toàn diện của đất nước đối với tương lai. Tôi tin tưởng rằng, với sự đóng góp chân thành, trách nhiệm từ nhân dân, bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp sẽ ngày càng hoàn thiện, phản ánh đầy đủ hơi thở của cuộc sống và khát vọng phát triển bền vững của dân tộc Việt Nam.

Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/viec-sua-doi-bo-sung-hien-phap-se-tao-nen-tang-de-dat-nuoc-buoc-vao-ki-nguyen-moi-a214685.html