Nhiều nội dung, giải pháp chưa từng có tiền lệ
Sau gần 40 năm Đổi mới, hơn 30 năm hội nhập hoàn toàn với thế giới, kinh tế tư nhân đã xuất hiện, vượt khó để từng bước vững vàng, lớn mạnh. Song hành cùng chặng đường này là sự ủng hộ, hỗ trợ cả về mặt chủ trương đường lối, cả bằng các quyết sách, chính sách cụ thể, phù hợp tình hình thực tiễn.
Trước khi Nghị quyết 68-NQ/TW ra đời, nhận thức về vai trò quan trọng của khu vực tư nhân, sự cần thiết của doanh nghiệp tư nhân lớn, nhiều nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, giảm số lượng và thời gian thực hiện thủ tục hành chính, chuyển đổi việc quản lý kinh doanh từ tiền kiểm sang hậu kiểm… đã được thể hiện trong nhiều thông điệp, nghị định, nghị quyết, công điện… của Chính phủ cũng như các thông tư, chỉ đạo của các bộ, ngành liên quan.
Dù vậy, không gian rộng lớn, khuyến khích, thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân đổi mới và sáng tạo, với nền tảng là sự thay đổi sâu sắc trong tư duy, nhận thức về vai trò của khu vực này, để kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng nhất trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc – đã được khẳng định một cách mạnh mẽ chưa từng có thông qua Nghị quyết 68-NQ/TW.
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký, Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam
Từ góc độ doanh nghiệp, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký, Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) ví von, Nghị quyết 68-NQ/TW là một lời hiệu triệu cộng đồng doanh nhân doanh nghiệp mạnh dạn khởi nghiệp, tham gia hoạt động trong mọi lĩnh vực, mạnh dạn sáng tạo, đổi mới, ứng dụng khoa học công nghệ để tiến lên, đóng góp vào sự thịnh vượng của đất nước trong giai đoạn mới.
"Nghị quyết 68-NQ/TW là sự đổi mới trong tư duy, có tính chất cập nhật phù hợp với vai trò mới và tình hình phát triển mới của khu vực kinh tế tư nhân. Xác định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất thể hiện sự cởi bỏ hoàn toàn những trì níu về mặt tư duy, định hướng, và từ sự chuyển đổi trong nhận thức này, Nghị quyết 68-NQ/TW đưa ra nhiều giải pháp thuận lợi, chưa từng có tiền lệ để thúc đẩy khu vục này", ông Đậu Anh Tuấn nhận định.
Chẳng hạn, doanh nghiệp tư nhân được tạo điều kiện tiếp cận nguồn lực về đất đai, vốn, nhân lực chất lượng cao. Khu vực này được khuyến khích đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh… thông qua các chính sách miễn giảm thuế, chính sách hỗ trợ tiếp cận các hạ tầng đổi mới sáng tạo của Nhà nước với chi phí hợp lý. Đặc biệt, lần đầu tiên, doanh nghiệp tư nhân có thể được đặt hàng hay chỉ định thầu để đầu tư vào các lĩnh vực chiến lược, các dự án, công trình trọng điểm quốc gia.
Đặc biệt, Nghị quyết 68-NQ/TW thể hiện tinh thần mới trong quản lý doanh nghiệp, tạo dựng môi trường kinh doanh an toàn, bảo vệ quyền sở hữu, quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh…, phân rõ trách nhiệm hình sự với trách nhiệm hành chính, dân sự, ưu tiên áp dụng các biện pháp về dân sự, hành chính trước, nếu đến mức phải xử lý hình sự thì ưu tiên các biện pháp khắc phục kinh tế trước…
"Môi trường kinh doanh an toàn, thuận lợi, hiệu quả sẽ tác động rất lớn tới hoạt động đầu tư, sản xuất, thúc đẩy sự năng động của từng doanh nghiệp, tạo nên sự lớn mạnh của toàn nền kinh tế", ông Đậu Anh Tuấn phân tích.
TS. Huỳnh Thanh Điền, Đại học Kinh tế TPHCM
Đồng quan điểm, TS. Huỳnh Thanh Điền, Đại học Kinh tế TPHCM bổ sung, Nghị quyết 68-NQ/TW đã tạo cơ sở và định hướng để doanh nghiệp tư nhân có vị thế, cơ hội và sự ủng hộ tương tự như doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Điều này cũng tạo thuận lợi cho việc liên kết giữa doanh nghiệp tư nhân với nhau, doanh nghiệp tư nhân với doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp FDI như nhiệm vụ được đặt ra trong Nghị quyết 68-NQ/TW.
Tiền kiểm sang hậu kiểm – mũi tên nhiều đíchMột trong những thay đổi cơ bản về tư duy trong Nghị quyết 68-NQ/TW thể hiện ở việc chuyển quản lý điều kiện kinh doanh từ cấp phép, chứng nhận sang thực hiện công bố điều kiện kinh doanh và hậu kiểm, trừ một số ít lĩnh vực bắt buộc phải thực hiện thủ tục cấp phép theo quy định và thông lệ quốc tế.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, chỉ đạo này nếu được thực hiện quyết liệt sẽ giúp doanh nghiệp giảm bớt rất nhiều gánh nặng về chi phí gồm chi phí thời gian kế hoạch, dự án, hàng hoá, sản phẩm phải chờ đợi để được tiền kiểm, phê duyệt; chi phí vốn do giảm bớt thời gian lưu kho bãi sản phẩm, hàng hoá, thời gian vay vốn với dự án, kế hoạch và chi phí cơ hội do doanh nghiệp có thể sớm đưa các ý tưởng đổi mới, sáng tạo vào cuộc sống, bắt kịp nhu cầu từ thực tiễn.
"Hiện tại, Việt Nam đã xây dựng được hệ thống văn bản quy phạm pháp luật tương đối rõ ràng, công khai quy định điều kiện kinh doanh các ngành nghề, lĩnh vực của nền kinh tế. Doanh nghiệp có thể tra cứu, tìm hiểu, nghiên cứu để tuân thủ", vị Phó Tổng thư ký, Trưởng Ban Pháp chế VCCI thông tin.
Quan trọng hơn, theo vị chuyên gia, việc chuyển đổi trọng tâm từ quản lý trên giấy tờ sang quản lý trên thực địa sẽ giúp tăng hiệu năng của hoạt động này. Hậu kiểm đúng quy trình, khách quan, minh bạch sẽ giúp tìm ra được doanh nghiệp vi phạm, ngăn chặn tốt hơn các vụ việc gây bất bình trong dư luận xã hội như vấn nạn sữa giả, thực phẩm chức năng giả, thuốc giả vừa mới bị phanh phui. Tất nhiên, để làm được điều này các cơ quan quản lý cũng phải có sự thay đổi về phương thức làm việc, xây dựng quy trình kiểm soát, giám sát, đào tạo và điều động đa phần nhân lực hiện tại thực hiện hậu kiểm một cách hiệu quả.
Cuối cùng, thực tế đã chứng minh, việc chuyển đổi từ tiền kiểm sang hậu kiểm đã thực hiện thành công ở một số ngành, một số lĩnh vực, được doanh nghiệp hưởng ứng vì giúp giảm tới 90% khối lượng thủ tục hành chính cho họ, được phía các cơ quan quản lý Nhà nước đánh giá là giúp việc giám sát, kiểm soát hiệu quả. Đây là căn cứ để chúng ta có thể đẩy nhanh, đẩy mạnh hơn việc áp dụng phương thức quản lý này trong các ngành, các lĩnh vực khác của nền kinh tế.
Dựa vào kinh nghiệm làm việc với doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, TS. Huỳnh Thanh Điền nhận định, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm còn tạo ra không gian cho một bộ phận doanh nghiệp xuất hiện và lớn mạnh. Theo vị chuyên gia, dù công bố các quy định, điều kiện một cách rõ ràng, không phải chủ doanh nghiệp nào cũng nắm được đầy đủ thông tin và biết cách tổ chức thực hiện đúng theo quy định. Nhiệm vụ này càng thách thức hơn với các lĩnh vực có tính chất chuyên môn cao, chẳng hạn phòng cháy chữa cháy, thiết kế xây dựng, kế toán kiểm toán…
"Đối với lĩnh vực như vậy, cần hình thành một mạng lưới các cá nhân, tổ chức làm dịch vụ tư vấn cho các doanh nghiệp có nhu cầu. Nhà nước cấp phép và quản lý điều kiện kinh doanh các cá nhân, tổ chức này, có chế tài xử phạt nếu họ tư vấn sai, gây ảnh hưởng tới lợi ích của doanh nghiệp. Bản thân doanh nghiệp cũng sẽ phải chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý Nhà nước nếu bị phát hiện làm sai khi hậu kiểm, nhưng họ có quyền khởi kiện đơn vị tư vấn và đòi bồi thường, giảm thiểu bớt rủi ro phải gánh chịu. Như vậy, từ sự chuyển đổi tư duy trong quản lý, khu vực tư nhân sẽ được tham gia vào những công việc trước kia thuộc về các cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước, tạo thêm nhiều công việc chất lượng cao cho xã hội", TS. Huỳnh Thanh Điền phân tích.
Tổ chức hậu kiểm thế nào?Để chuyển đổi phương thức quản lý sang cơ chế hậu kiểm, cả hai vị chuyên gia đều cho rằng, tinh thần đổi mới này phải được thể hiện trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đã có và đang soạn thảo. Nghĩa là, cần rà soát lại các quy định cũ, điều chỉnh sửa đổi cho phù hợp với yêu cầu mới, sau đó, tóm tắt các điểm chính, căn bản một cách khúc triết, dễ hiểu, công bố công khai trên các trang thông tin của bộ, ngành, hiệp hội, bảo đảm doanh nghiệp có thể tiếp cận dễ dàng, từ đó, nghiên cứu và tuân thủ khi tổ chức sản xuất, kinh doanh.
Ngoài ra, cần tăng cường ứng dụng thông tin, ứng dụng công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo trong hoạt động quản lý, đánh giá hồ sơ, mức độ tuân thủ pháp luật và xác định nguy cơ rủi ro từ hoạt động của doanh nghiệp để thực hiện hậu kiểm.
Ông Đậu Anh Tuấn đề xuất, nên thiết lập và quản lý theo từng mô hình rủi ro, đối với những ngành, lĩnh vực có mức độ rủi ro cao, có thể vẫn áp dụng tiền kiểm. Trong trường hợp chuyển sang hậu kiểm, đây là nhóm đối tượng phải có tần suất và mức độ hậu kiểm chặt chẽ hơn. Đối với các ngành, lĩnh vực có mức độ rủi ro trung bình và thấp, dựa vào phương thức hoạt động và hồ sơ của từng doanh nghiệp để xác định ra doanh nghiệp có nguy cơ cao và thực hiện hậu kiểm trước.
TS. Huỳnh Thanh Điền lưu ý thêm về vấn đề phân cấp cho các cơ quan chức năng thực hiện hậu kiểm. Theo đó, sau khi hoàn thành sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị hành chính các cấp, địa bàn quản lý cấp tỉnh, thành phố sẽ trải rộng hơn nhiều so với hiện tại. Vì vậy, cần cân nhắc giao quyền và trách nhiệm cho chính quyền cơ sở thực hiện hậu kiểm một số ngành, lĩnh vực có mức độ rủi ro trung bình và thấp, vừa giảm tải cho chính quyền cấp trên, vừa tận dụng được ưu thế bám sát địa bàn để việc hậu kiểm chính xác, kịp thời.
"Giám sát cộng đồng mạnh sẽ hỗ trợ tích cực việc quản lý bằng cơ chế hậu kiểm. Vì vậy, cần có cách thức khuyến khích người tiêu dùng đánh giá về sản phẩm, đưa ra quy trình giải quyết khiến nại công khai, công bằng, tôn trọng ý kiến của người phản ánh và bảo vệ quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp khỏi các hành vi cạnh tranh không lành mạnh", vị chuyên gia nêu quan điểm.
Hoàng Hạnh
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/co-che-hau-kiem-theo-nghi-quyet-68-mui-ten-trung-nhieu-dich-a214999.html