Sửa đổi Hiến pháp 2013: Cần thể hiện rõ đơn vị hành chính hai cấp

(Chinhphu.vn) - Nhấn mạnh Hiến pháp là văn kiện chính trị-pháp lý quan trọng quy định về những vấn đề lớn, cơ bản, có tầm chiến lược lâu dài của đất nước, nhiều chuyên gia mong muốn, những điểm mới trong Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 sẽ phục vụ đắc lực cho tổ chức và hoạt động của MTTQ Việt Nam cũng như chủ trương xây dựng chính quyền hai cấp.

Sửa đổi Hiến pháp 2013: Cần thể hiện rõ đơn vị hành chính hai cấp- Ảnh 1.

TS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam. Ảnh: VGP/Diệu Anh

Đổi mới để phù hợp với yêu cầu phát triển

Góp ý về Điều 110 dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam năm 2013 quy định, các đơn vị hành chính của nước CHXHCN Việt Nam gồm tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đa số các chuyên gia đề nghị quy định thể hiện rõ đơn vị hành chính là 2 cấp.

TS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp là cần thiết, hợp lý và cấp bách. Trong đó, Điều 110, Điều 111 là đột phá đổi mới để phù hợp với yêu cầu phát triển.

Tuy nhiên, việc diễn đạt đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố còn chung chung, chưa bám sát công tác tổ chức đang triển khai. Vì vậy, đề nghị sửa thành "Đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bao gồm xã, phường, thị xã do Quốc hội quy định".

"Kế hoạch tổ chức chính quyền 2 cấp từ ngày 1/7 cần có hướng dẫn cụ thể và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần có điều chỉnh 2 nghị quyết đã ban hành là Nghị quyết 1210/2016/UBTVQH13 về phân loại đô thị và Nghị quyết 1211/2016/UBTVQH13 về tiêu chuẩn đơn vị hành chính, phân loại đơn vị hành chính; đồng thời sớm ban hành 2 nghị quyết trên để tạo hiệu lực, hiệu quả để các điều sửa Hiến pháp lần này đi vào thực tiễn", TS Đào Ngọc Nghiêm thẳng thắn.

Góp ý vào khoản 3, Điều 110 quy định "Việc xác định các loại đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và trình tự, thủ tục thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính do Quốc hội quy định", TS Đinh Hạnh, Chủ tịch Hội đồng Kinh tế (Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hà Nội) đề nghị giữ quy định "phải lấy ý kiến nhân dân địa phương" như Hiến pháp 2013.

Bởi điều này là rất cần thiết, liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của nhân dân, đây cũng là quyền dân chủ của nhân dân đã được quy định từ Hiến pháp 1946 và dân chủ đã, đang và sẽ là xu thế tất yếu của thế giới thời đại.

Nâng tầm vai trò, vị trí, khẳng định thực quyền của Mặt trận

Bà Trịnh Huyền Thái, nguyên Phó Chủ tịch MTTQ TP. Hà Nội cho rằng, tại Điều 9 của dự thảo, MTTQ Việt Nam được bổ sung là bộ phận của hệ thống chính trị của nước CHXHCN Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo đã nâng tầm vai trò, vị trí, khẳng định thực quyền của MTTQ Việt Nam.

Sửa đổi Hiến pháp 2013: Cần thể hiện rõ đơn vị hành chính hai cấp- Ảnh 2.

Luật sư Lê Đức Bính. Ảnh: VGP/Diệu Anh

Dự thảo quy định các tổ chức chính trị-xã hội lớn, trực thuộc MTTQ Việt Nam, hoạt động thống nhất và phối hợp dưới sự chủ trì của Mặt trận là một thay đổi căn bản, phù hợp với chủ trương, tinh gọn bộ máy, khắc phục sự chồng chéo… Điều này không chỉ là khẳng định vai trò của MTTQ Việt Nam mà cần làm rõ hơn chức năng, nhiệm vụ cốt lõi là tập hợp đoàn kết, đại diện, bảo vệ quyền lợi Nhân dân; thực hiện dân chủ, giám sát và phản biện xã hội, xây dựng Đảng, Nhà nước…

Tuy nhiên, để phát huy tối đa sức mạnh, không làm mất tính chủ động đặc thù của từng tổ chức thành viên thì cơ chế chủ trì cần được cụ thể hóa. Bên cạnh đó, cần có cơ chế pháp lý đảm bảo hiệu quả hơn chức năng giám sát, phản biện xã hội, khắc phục tình trạng né tránh, hình thức sau giám sát phản biện. Vì vậy, bà Thái đề nghị cần sửa đổi tiếp theo trong Luật MTTQ Việt Nam và các văn bản hướng dẫn quy chế phối hợp giữa Ban Thường trực MTTQ Việt Nam và các tổ chức cùng cấp.

Sửa đổi Hiến pháp năm 2013: Kỳ vọng vào cuộc cách mạng tinh gọn bộ máySửa đổi Hiến pháp năm 2013: Khẳng định rõ địa vị pháp lý của Mặt trậnSửa đổi Hiến pháp 2013: Tạo hành lang pháp lý phù hợp với yêu cầu phát triển mới

Luật sư Lê Đức Bính nhấn mạnh, trước đây, quy định các tổ chức đoàn thể là "thành viên" của MTTQ Việt Nam nay quy định các tổ chức này "trực thuộc" dưới dự chỉ đạo, quản lý trực tiếp của MTTQ Việt Nam nhằm thu gọn đầu mối, tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý, luật hóa chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của MTTQ Việt Nam.

Theo ông Bính, sau khi Hiến pháp sửa đổi bổ sung được thông qua và có hiệu lực, Đảng, Nhà nước cần có biện pháp để đánh giá, sử dụng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo các cấp thật công tâm, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu công việc. Không để tình trạng lợi ích nhóm, chạy chọt, thân quen.

Bên cạnh đó, cần có biện pháp kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm những lợi dụng tiêu cực, nể nang, mất đoàn kết, gây chia sẻ cục bộ tại địa phương.

Diệu Anh


Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/sua-doi-hien-phap-2013-can-the-hien-ro-don-vi-hanh-chinh-hai-cap-a215117.html