Vào tối thứ Ba (ngày 20/5), Tổng thống Donald Trump đã có chuyến đi đến Đồi Capitol để thúc giục các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa ủng hộ "dự luật lớn, tuyệt vời" của ông.
Đây là một phần quan trọng trong chương trình nghị sự trong nước của nhà lãnh đạo Mỹ, bao gồm các khoản giảm thuế, cắt giảm chi tiêu và tăng cường an ninh biên giới.
Trong cuộc họp kéo dài gần 2 tiếng đồng hồ tại Điện Capitol, Tổng thống Trump đã gửi một thông điệp trực tiếp tới các thành viên Đảng Cộng hòa tại Hạ viện, kêu gọi họ ngừng đấu đá nội bộ và ủng hộ dự luật.
Không có thành viên Đảng Dân chủ nào được mong đợi sẽ ủng hộ dự luật, trong khi một số nhà lập pháp Đảng Cộng hòa cũng gặp vấn đề với quy mô và phạm vi của kế hoạch khổng lồ dài 1.116 trang.
Theo The Hill, lời kêu gọi mạnh mẽ của Tổng thống Trump dường như đã không thành công lay chuyển 2 nhóm các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa phản đối dự luật.
Cả nhóm ôn hòa và nhóm cứng rắn đều vẫn đang yêu cầu một số thay đổi đối với dự luật để giành được sự ủng hộ của họ. Xét về tổng thể, sự phản đối của chỉ riêng 2 nhóm này đã đủ sức để nhấn chìm dự luật.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson (trái) tại Đồi Capitol, ngày 20/5/2025. Ảnh: Politico
Nhưng Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson – một đồng minh trung thành của ông Trump – vẫn tỏ ra lạc quan. Vào cuối ngày, ông Johnson cho biết Đảng Cộng hòa sẽ bỏ phiếu về chương trình nghị sự trong nước của Tổng thống Trump trước thứ Sáu (ngày 23/5).
Sau vô số các cuộc trò chuyện của ông với cả 2 nhóm ôn hòa và bảo thủ, ông Johnson cho biết, tiến trình hiện tại có khả năng sẽ thấy Ủy ban Quy tắc biểu quyết về dự luật vào thứ Tư (ngày 21/4) và cuộc bỏ phiếu cuối cùng sẽ diễn ra chậm nhất là vào thứ Năm (ngày 22/5).
Thời hạn mà ông Johnson tự đặt ra để đưa dự luật khổng lồ của Tổng thống Trump qua "ải" Hạ viện là trước Ngày Tưởng niệm ở Mỹ (là ngày thứ Hai cuối cùng của tháng 5, năm nay rơi vào ngày 26/5).
"Chúng tôi vẫn đang hoàn thiện mọi thứ, nhưng sẽ không quá khó khăn", Chủ tịch Johnson tự tin nói với The Hill.
"Thất bại đơn giản là không phải là một lựa chọn", ông Johnson phát biểu sau cuộc họp của các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa hôm 20/5, lập luận rằng ông Trump "có thể là Tổng thống có ảnh hưởng nhất của kỷ nguyên hiện đại".
"Và theo nghĩa mở rộng, điều đó có nghĩa là Quốc hội này có thể là một trong những quốc hội có ảnh hưởng nhất trong lịch sử", ông nói.
Trong khi Đảng Cộng hòa dự kiến sẽ thực hiện thêm những thay đổi trong những ngày tới, về cơ bản, "dự luật lớn, tuyệt vời" bao gồm biến việc cắt giảm thuế năm 2017 – được ban hành trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump – thành vĩnh viễn, không đánh thuế tiền boa – như ông Trump đã cam kết trong chiến dịch tranh cử năm ngoái.
Trong khi thuế SALT từng được khấu trừ hoàn toàn trên tờ khai thuế liên bang, thì việc cắt giảm thuế mà ông Trump ký vào năm 2017 đã áp dụng mức trần là 10.000 USD. Tổng thống Trump cho biết ông phản đối việc tăng mức khấu trừ, vì "chúng tôi không muốn có lợi cho các thống đốc Đảng Dân chủ".
Dự luật này nhằm hạn chế đáng kể nguồn tài trợ cho Cục Bảo vệ Tài chính Người tiêu dùng (CFPB), được thành lập dưới thời chính quyền Obama sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Đảng Cộng hòa tại Hạ viện cũng đang tiến hành các kế hoạch nâng trần nợ của quốc gia lên 4 nghìn tỷ USD như một phần của gói, vì Bộ Tài chính Mỹ cảnh báo rằng chính phủ có nguy cơ vỡ nợ hơn 36 nghìn tỷ USD trong những tháng tới.
Dự luật này cũng bao gồm việc tăng chi tiêu cho Lầu Năm Góc, cùng với việc tăng nguồn tài trợ để giúp thúc đẩy các ưu tiên về nhập cư và biên giới của ông Trump.
Để bù đắp chi phí, Đảng Cộng hòa tại Hạ viện đã chấp thuận cắt giảm các chương trình an sinh xã hội của liên bang như Medicaid, chương trình này bao gồm người Mỹ nghèo và thu nhập thấp, và Chương trình Hỗ trợ Dinh dưỡng Bổ sung (SNAP).
Minh Đức (Theo The Hill, The Guardian)
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/du-luat-lon-tuyet-voi-cua-tong-thong-trump-co-nguy-co-bi-can-tro-boi-dieu-nay-a215200.html