Hà Nội bảo tồn di sản văn hóa bằng công nghệ

(PNTĐ) - Hà Nội, mảnh đất ngàn năm văn hiến là trung tâm văn hóa lớn của nước ta, có hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đa dạng, phong phú, đặc sắc, được bồi đắp qua hàng nghìn năm lịch sử. Với vai trò là trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa của cả nước, Hà Nội là nơi diễn ra quá trình chuyển đổi số một cách nhanh chóng và mạnh mẽ nhất. Trong dòng chảy mạnh mẽ đó, những di tích, di sản, nét đẹp văn hóa truyền thống của mảnh đất, con người Tràng An cũng được công nghệ hóa để bảo...

Khám phá di sản Hà Nội bằng… công nghệ

Những năm qua, Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ như: Đầu tư hàng nghìn tỷ đồng tu bổ di tích; đẩy mạnh số hóa tư liệu; tổ chức các hoạt động sáng tạo gắn với không gian di sản như tour đêm “Giải mã Hoàng thành Thăng Long”, không gian sáng tạo giáo dục di sản tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám; không gian sáng tạo phát huy giá trị nghệ thuật trình diễn truyền thống tại Nhà hát Múa rối Thăng Long; Di tích nhà tù Hỏa Lò... Những mô hình này không chỉ tạo sức sống mới cho di sản, mà còn giúp lan tỏa tình yêu văn hóa truyền thống trong cộng đồng.

Tới thăm di tích lịch sử Văn Miếu - Quốc Tử Giám giờ đây, với mã code QR có sẵn trên điện thoại, du khách nhanh chóng hoàn thành thủ tục để vào tham quan. Đơn vị này đã xây dựng chương trình thực cảnh về Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Bên cạnh đó, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã thực hiện số hoá một số nội dung, giá trị 40 hạng mục của di tích, để mã hoá thành các QR code cho khách tham quan tìm hiểu; triển khai thiết bị thuyết minh tự động (Audio Guide) bằng 12 ngôn ngữ.

Hà Nội bảo tồn di sản văn hóa bằng công nghệ  - ảnh 1
Di tích Hoàng thành Thăng Long.

Trong khi đó, Di sản thế giới Hoàng Thành Thăng Long cũng đã thực hiện chuyển đổi số từ nhiều năm nay với việc triển khai hệ thống thuyết minh tự động, mã QR. Trưởng phòng phụ trách Hướng dẫn thuyết minh, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội Nguyễn Minh Thu cho biết, đơn vị đã và đang xây dựng nhiều sản phẩm trải nghiệm có sử dụng công nghệ như phim chiếu 3D tại khu hầm T1; phim 3D về lễ thiết triều...

Còn Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò thông tin, đơn vị đã phối hợp với Công ty Lữ hành Hanoitourist thực hiện quảng bá sản phẩm tour đêm trên website, mạng xã hội, đồng thời triển khai đồng bộ số hóa thông tin các hình ảnh của di tích, giúp du khách dễ dàng trải nghiệm, tìm hiểu các câu chuyện lịch sử tại đây.

Tháng 4 vừa qua, 3 di tích nổi bật trên của Thủ đô Hà Nội chính thức “lên sóng” cùng Dự án “Yêu lắm Việt Nam” do báo Nhân Dân tổ chức. Đây là dự án nhằm quảng bá các địa danh lịch sử, văn hóa trên mọi miền Tổ quốc bằng cách lắp đặt chip NFC tại 3 điểm văn hóa, lịch sử nổi tiếng của mỗi tỉnh, thành phố, tạo trải nghiệm khám phá độc đáo cho du khách, hỗ trợ, thúc đẩy du lịch giữa các địa phương, đáp ứng và phù hợp với sự phát triển của xã hội trong thời đại số hiện nay.

Quận Tây Hồ cũng là một trong những địa phương đi đầu tại Hà Nội trong công tác chuyển đổi số, phát triển thương mại du lịch. Thời gian qua, quận Tây Hồ đã quyết liệt triển khai thực hiện hiệu quả các nghị quyết và đề án như: Nghị quyết số 10 về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn quận giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030”; Đề án “Nâng cao chất lượng các hoạt động Văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao trên địa bàn quận giai đoạn 2022-2025”; Đề án “Xây dựng các cơ sở dữ liệu nền tảng (số hóa) phục vụ công tác bảo tồn văn hóa, quản lý di tích và phát triển du lịch trên địa bàn quận”; Kế hoạch số 288/KH-UBND ngày 9/8/2023 về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn quận giai đoạn 2023-2025”.

Tập trung nguồn lực để bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa

Ngày 17/3/2025, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 1559/QĐ-UBND về việc phê duyệt bổ sung danh mục kiểm kê di tích trên địa bàn TP Hà Nội từ ngày 31/12/2015 - 31/1/2025. Sau khi bổ sung, tổng số di tích trên địa bàn TP Hà Nội là 6.489 di tích. Điều này cho thấy Thủ đô không chỉ là trung tâm chính trị mà còn là “bảo tàng sống” của lịch sử và văn hóa dân tộc.

Tuy nhiên, việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích, di sản trong bối cảnh đô thị hóa nhanh, áp lực phát triển kinh tế - xã hội ngày càng lớn cũng đặt ra nhiều thách thức. Nhận thức rõ vai trò đặc biệt quan trọng của di sản văn hóa trong việc định hình bản sắc đô thị và phát triển bền vững, HĐND thành phố Hà Nội mới đây đã thông qua Nghị quyết Ban hành Danh mục các khu vực, di tích, di sản, công trình cần tập trung nguồn lực để bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa; danh mục ô phố, tuyến phố đặc trưng, có giá trị văn hóa, lịch sử, danh mục công trình kiến trúc có giá trị để phục hồi, bảo vệ, phát huy giá trị trên địa bàn. Đây là động thái quyết liệt và kịp thời nhằm tạo hành lang pháp lý, cũng như căn cứ cụ thể để ưu tiên đầu tư, phân bổ ngân sách, quản lý và bảo vệ hiệu quả các giá trị văn hóa đặc sắc của Thủ đô.

Hà Nội bảo tồn di sản văn hóa bằng công nghệ  - ảnh 2
Du khách khám phá Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Việc bảo vệ và phát triển văn hóa Thủ đô phải xứng tầm với truyền thống nghìn năm Thăng Long - Hà Nội; nhiều khu vực, di tích, di sản, công trình được tập trung nguồn lực để bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa... cũng là những vấn đề được quy định rõ trong Luật Thủ đô 2024, được Quốc hội khóa XV thông qua ngày 28/6/2024 tại Kỳ họp thứ 7. Luật Thủ đô nhấn mạnh việc đầu tư mạnh mẽ nguồn lực để phát triển văn hóa, ưu tiên ngân sách cho các hoạt động quản lý và khai thác hiệu quả tài nguyên văn hóa, hướng đến việc hội nhập quốc tế.

Chính sách này không chỉ giúp bảo tồn những giá trị vốn có mà còn tạo điều kiện để văn hóa Thủ đô lan tỏa, kết nối với bạn bè quốc tế, khẳng định vị thế của Hà Nội trên bản đồ văn hóa thế giới. Bên cạnh đó, Luật Thủ đô cũng thể hiện sự quan tâm sâu sắc đến các nghệ nhân và những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa. Điều này tạo điều kiện rất lớn cho Hà Nội phát triển mạnh mẽ lĩnh vực văn hóa.

Hà Nội cũng đang tập trung thực hiện thực hóa khát vọng đưa công nghiệp văn hóa là ngành kinh tế mới và là đòn bẩy để Hà Nội khẳng định vị thế trong Mạng lưới các TP sáng tạo của UNESCO mà trọng tâm là phát triển Trung tâm Công nghiệp Văn hóa. Hiện nay, dự thảo Nghị quyết về tổ chức và hoạt động của Trung tâm đang được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi từ các tầng lớp nhân dân trong cộng đồng.

Theo ông Nguyễn Hoàng Phương, Phó Trưởng ban Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội, địa bàn quận Hoàn Kiếm còn chứa đựng một kho tàng giá trị di sản văn hóa vật thể với đầy đủ các loại hình tôn giáo, tín ngưỡng: Đình, đền, chùa, hội quán..., cũng như các giá trị phi vật thể đa dạng, hấp dẫn như lễ hội truyền thông đền Bạch Mã, đình Yên Thái, Lễ hội Kim hoàn... Thành lập Trung tâm văn hóa, di sản của Hà Nội sẽ không chỉ dừng lại ở bảo tồn, mà còn được quảng bá, thậm chí khởi nghiệp, trở thành một nền công nghiệp như nhiều nước trên thế giới đã thành công.

Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/ha-noi-bao-ton-di-san-van-hoa-bang-cong-nghe-a215413.html