Rất khó bắt quả tang nếu thanh tra công bố kế hoạch, rầm rộ thông tin trước

ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan cho rằng, thanh tra kế hoạch hầu như không có hiệu quả khi phải công khai danh sách, thống nhất từ đầu năm, hạn chế yếu tố bất ngờ, lực lượng thanh tra đi đến đâu là hàng hóa giấu hết.

Sáng 22/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi). 

Để thanh tra đột xuất nhiều hơn thanh tra kế hoạch

Bày tỏ lo ngại liên quan đến chất lượng của hoạt động thanh tra chuyên ngành, ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan (Tp.Hồ Chí Minh), mong muốn khi xây dựng nghị định và thông tư sẽ có đầu tư thích đáng cho các quy định kiểm tra chuyên ngành đúng quy định.

Đại biểu cũng băn khoăn, dự thảo Luật chủ yếu tập trung vào xây dựng luật với phòng, chống lạm quyền, tiêu cực của thanh tra, trong khi quyền hạn, sức mạnh làm cho thanh tra hiệu quả hơn thì... chưa có biện pháp.

Rất khó bắt quả tang nếu thanh tra công bố kế hoạch, rầm rộ thông tin trước- Ảnh 1.

ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan.

"Trong xây dựng luật, thanh tra bị "trói tay, trói chân" rất nhiều. Đơn cử, tại sao không có quy định thoáng hơn để thanh tra đột xuất nhiều hơn thanh tra kế hoạch", bà Lan nêu.

Lý giải về đề xuất này, bà Lan cho rằng, thanh tra kế hoạch hầu như không có hiệu quả khi phải công khai danh sách, thống nhất từ đầu năm và phải có sự phê duyệt của cấp trên; sau đó, trước khi đi thanh tra phải có thông báo cho đơn vị được thanh tra.

"Điều này rõ ràng hạn chế nhiều yếu tố bất ngờ. Kinh nghiệm cho thấy, trước vấn đề sữa giả, thực phẩm chức năng giả hiện nay, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo mở đợt cao điểm thì lực lượng thanh tra đi đến đâu là hàng hóa giấu hết…

Rất khó bắt quả tang khi làm việc gì có kế hoạch, rầm rộ thông tin, làm cho thanh tra chuyên ngành kém hiệu quả.

Sau khi bị lập biên bản vi phạm, xử lý vi phạm hành chính, các đơn vị, cá nhân sai phạm tiếp tục không tuân thủ, không nộp phạt, dẹp đơn vị và... đi mở cơ sở mới. Hiện chưa có chế tài nào cho những vấn đề này", bà Lan nêu thực tế.

Quy định rõ hành vi cố ý không quyết định thanh tra

Tham gia góp ý kiến liên quan đến các hành vi bị nghiêm cấm, ĐBQH Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng) đề nghị cần quy định rõ ràng hơn hành vi cố ý không quyết định thanh tra để tránh lạm quyền, ví dụ như cơ quan thanh tra nhận được thông tin tố giác rõ ràng nhưng không hành động trong thời gian nhất định.

Rất khó bắt quả tang nếu thanh tra công bố kế hoạch, rầm rộ thông tin trước- Ảnh 2.

ĐBQH Nguyễn Tạo.

Do đó, theo đại biểu Nguyễn Tạo, cần có cơ chế giám sát nội bộ như yêu cầu thủ trưởng cơ quan thanh tra báo cáo định kỳ về trường hợp phát hiện có dấu hiệu vi phạm nhưng không quyết định thanh tra để bảo đảm tính minh bạch, rõ ràng.

Đồng thời, bổ sung quy định báo cáo bằng văn bản cho cơ quan quản lý Nhà nước cấp trên hoặc Thanh tra Chính phủ khi không có quy định thanh tra, dù có dấu hiệu vi phạm, trừ trường hợp thuộc bí mật nhà nước, để tăng trách nhiệm giải trình.

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Tạo đề nghị cơ quan soạn thảo quy định rõ ràng về hành vi sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà trong hoạt động thanh tra như yêu cầu cung cấp thông tin, tài liệu không liên quan đến nội dung thanh tra hoặc kéo dài thời hạn thanh tra không có lý do chính đáng; gây cản trở trong hoạt động của đối tượng được thanh tra...

"Cần có quy định về việc tiếp nhận và xử lý tố cáo từ đối tượng thanh tra về hành vi hối lộ, sách nhiễu thông qua hệ thống số hóa, bảo đảm bảo mật thông tin cho người tố cáo", đại biểu Nguyễn Tạo nêu.

Liên quan đến quy định bảo vệ người tiến hành thanh tra trước các hành vi can thiệp, đại biểu Nguyễn Tạo đề nghị cần phải quy định cụ thể về nội dung can thiệp trái pháp luật, tác động làm sai lệch hồ sơ như gây áp lực, đe dọa, mua chuộc hoặc cung cấp thông tin sai lệch, ảnh hưởng đến kết luận thanh tra.

Bổ sung quy định bảo vệ người tiến hành thanh tra như quy định bảo mật thông tin cá nhân, hỗ trợ pháp lý khi bị can thiệp trái pháp luật.

Đối với quy định yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu, ông đề nghị bổ sung chế tài xử lý khi cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến quyết định thanh tra có hành vi không cung cấp, trì hoãn hoặc cung cấp sai thông tin đến tình hình dẫn đến tình trạng né tránh, làm chậm quá trình thanh tra.

Tham gia ý kiến, ĐBQH Trần Thị Nhị Hà (đoàn Hà Nội) đồng tình với ban soạn thảo về việc thống nhất khái niệm "thanh tra", không phân biệt giữa "thanh tra hành chính" và "thanh tra chuyên ngành".

Rất khó bắt quả tang nếu thanh tra công bố kế hoạch, rầm rộ thông tin trước- Ảnh 3.

ĐBQH Trần Thị Nhị Hà.

"Đây là tiếp cận phù hợp với thực tiễn, vì nhiều cuộc thanh tra hiện nay mang tính kết hợp rất khó phân định rạch ròi", bà Hà cho hay.

Theo đại biểu, việc sắp xếp lại hệ thống cơ quan thanh tra theo hướng thống nhất đã góp phần khắc phục bất cập trên.

Sau khi tinh gọn bộ máy, chức năng thanh tra chuyên ngành vẫn tiếp tục được duy trì để bảo đảm tính đầy đủ, hiệu quả trong quản lý Nhà nước.

Theo đại biểu, dự thảo luật và hệ thống thanh tra sau sắp xếp đã tách bạch hai hoạt động thanh tra và kiểm tra. Theo đó, thanh tra là hoạt động do cơ quan thanh tra chuyên trách thực hiện, còn kiểm tra là chức năng của thủ trưởng cơ quan quản lý chuyên ngành.

ĐBQH: Thanh tra mà báo trước thì đơn vị không "vở sạch chữ đẹp" mới lạ

Điều 61, dự thảo luật quy định: Thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước phải thường xuyên tổ chức kiểm tra việc chấp hành chính sách pháp luật trong phạm vi quản lý.

Tuy nhiên, điều đại biểu băn khoăn là dự thảo Luật hiện chỉ đề cập nguyên tắc tránh chồng chéo giữa thanh tra và kiểm toán, mà chưa có quy định kiểm soát chồng chéo giữa thanh tra và kiểm tra, trong khi đây là vấn đề phổ biến, đặc biệt trong lĩnh vực quản lý doanh nghiệp.

"Tình trạng lặp lại các cuộc thanh tra, kiểm tra không chỉ gây tốn kém chi phí tuân thủ mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường đầu tư", đại biểu chia sẻ.

Dẫn Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân, bà Hà nhắc lại yêu cầu, chấm dứt tình trạng thanh tra, kiểm tra chồng chéo, kéo dài, không cần thiết; bảo đảm nguyên tắc chỉ thực hiện thanh tra, kiểm tra mỗi năm 1 lần với doanh nghiệp, trừ trường hợp có vi phạm rõ ràng.

Nhưng nếu không có cơ chế điều phối cụ thể giữa thanh tra và kiểm tra, sẽ rất khó thực hiện hiệu quả chỉ đạo này.

Từ đó, nữ đại biểu kiến nghị, bổ sung khái niệm "kiểm tra" vào dự thảo luật để làm rõ tính chất, chủ thể, hệ quả pháp lý và trách nhiệm tổ chức thực hiện.

Đề nghị bổ sung tại Điều 61 nguyên tắc phối hợp, tránh chồng chéo giữa kiểm tra và thanh tra. Đồng thời, giao Thanh tra Chính phủ, Thanh tra tỉnh vai trò đầu mối điều phối kế hoạch thanh tra, kiểm tra trong phạm vi quản lý.

Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/rat-kho-bat-qua-tang-neu-thanh-tra-cong-bo-ke-hoach-ram-ro-thong-tin-truoc-a215448.html