Đẩy mạnh chuyển đổi số trong xây dựng pháp luật. Ảnh minh họa
Hướng tới một môi trường pháp lý "số hóa", minh bạch
Thực tế cho thấy, quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật còn tồn tại nhiều điểm nghẽn như thủ công, thiếu liên thông giữa các cơ quan, dữ liệu rời rạc và khó tiếp cận đối với người dân. Trong khi đó, chuyển đổi số cho phép chuẩn hóa, tự động hóa quy trình lập pháp từ khâu đề xuất chính sách, soạn thảo, lấy ý kiến đến thẩm định, thẩm tra và ban hành.
Hiện nay, một số Bộ, ngành, địa phương đã thí điểm áp dụng hệ thống quản lý văn bản quy phạm pháp luật trên nền tảng điện tử, hệ thống lấy ý kiến trực tuyến, tích hợp với Cổng dịch vụ công và cơ sở dữ liệu quốc gia. Đây là những bước tiến quan trọng hướng tới một môi trường pháp lý "số hóa", minh bạch và có sự tham gia rộng rãi của người dân, doanh nghiệp.
Một trong những tiềm năng nổi bật của chuyển đổi số trong xây dựng pháp luật là khả năng ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data) để hỗ trợ đánh giá tác động chính sách, phân tích pháp lý, dự báo rủi ro và xu hướng lập pháp. Với sự hỗ trợ của các công cụ số, việc phân tích dữ liệu từ thực tiễn, từ các lĩnh vực như dân cư, đất đai, doanh nghiệp,… sẽ giúp các cơ quan có cái nhìn đa chiều, khoa học hơn trước khi ban hành chính sách.
Cùng với đó, việc liên thông, kết nối dữ liệu giữa các cơ quan lập pháp - hành pháp - tư pháp cũng là điều kiện tiên quyết để bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật.
Trong bối cảnh khoa học công nghệ ngày càng phát triển, Bộ Tư pháp đã nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào một số hoạt động. Nổi bật là công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật và xây dựng, quản lý, khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật.
Việc này có thể góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng của quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật cũng như việc bảo đảm tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật, cung cấp chính xác, kịp thời văn bản phục vụ nhu cầu quản lý nhà nước, phổ biến pháp luật, nghiên cứu, tìm hiểu, áp dụng và thi hành pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Hiện đại hóa hạ tầng kỹ thuật, đẩy mạnh chuyển đổi số
Nghị quyết số 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới đã nêu rõ quan điểm chỉ đạo là Nhà nước bảo đảm và ưu tiên nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất, hiện đại hóa hạ tầng kỹ thuật, đẩy mạnh chuyển đổi số.
Để thực hiện chỉ đạo trên, Nghị quyết 66-NQ/TW đã yêu cầu tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật. Theo đó, ưu tiên nguồn lực xây dựng, phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu lớn, ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo phục vụ đổi mới, hiện đại hóa công tác xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật, bảo đảm "đúng, đủ, sạch, sống", liên thông, dễ khai thác, dễ sử dụng, an toàn thông tin và bí mật nhà nước.
Đồng thời, bố trí kịp thời, đủ kinh phí để xây dựng, triển khai ngay Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu lớn về pháp luật và Đề án ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong công tác xây dựng, kiểm tra và rà soát văn bản quy phạm pháp luật.
Ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số đồng bộ trong phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý, đăng ký biện pháp bảo đảm; lồng ghép nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật vào phong trào "học tập số". Có chính sách thúc đẩy doanh nghiệp công nghệ số phát triển, cung cấp các dịch vụ, tiện ích số trong lĩnh vực pháp luật.
Áp dụng các cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đối với hoạt động chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật…
Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật, xây dựng, quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật, Bộ Tư pháp đã và đang thúc đẩy việc nghiên cứu, tìm kiếm những giải pháp của công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo hỗ trợ cho các công tác này thống nhất, hiệu quả trên toàn quốc và Nghị quyết 66-NQ/TW sẽ là cơ sở pháp lý vững chắc để sớm hiện thực việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong công tác xây dựng, kiểm tra và rà soát văn bản quy phạm pháp luật.
Diệu Anh
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/tang-cuong-chuyen-doi-so-trong-xay-dung-phap-luat-a215484.html