Thủ tướng: Thế giới giảm tăng trưởng nhưng Việt Nam phấn đấu đạt mức cao

(Chinhphu.vn) - Thảo luận tại tổ đại biểu Quốc hội sáng 23/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chia sẻ về các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện thành công mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao trong khi thế giới hạ dự báo tăng trưởng, đặc biệt là thực hiện 3 đột phá chiến lược, triển khai bộ tứ trụ cột, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, chuyển đổi trạng thái phục vụ người dân và doanh nghiệp, cắt giảm tối đa thủ tục, chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm, xây dựng quy hoạch, tiêu chuẩn, điều kiện để ngườ...

Thủ tướng: Thế giới giảm tăng trưởng nhưng Việt Nam phấn đấu đạt mức cao- Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu thảo luận tại tổ đại biểu Quốc hội sáng 23/5 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Sáng 23/5, Quốc hội thảo luận ở tổ về 6 nội dung: (1) đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước năm 2024; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2025; (2) phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2023; (3) việc bổ sung ngân sách chi thường xuyên (nguồn viện trợ không hoàn lại nước ngoài) năm 2025; (4) việc chuyển tiếp áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù đã được Quốc hội cho phép thực hiện tại một số địa phương sau khi thực hiện sắp xếp bộ máy, mở rộng địa giới hành chính theo chủ trương của Đảng, Nhà nước; (5) công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024; (6) kết quả thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2024.

Phát biểu tại tổ, Thủ tướng Phạm Minh Chính, đại biểu Quốc hội đoàn Cần Thơ, đánh giá cao các ý kiến phát biểu chất lượng của các đại biểu, cho thấy nắm rất chắc tình hình, phản ánh đầy đủ ý kiến cử tri và đề xuất các giải pháp.

Đồng thời, người đứng đầu Chính phủ chia sẻ, làm rõ thêm một số nội dung thảo luận theo chương trình và được các đại biểu quan tâm.

Các giải pháp để đạt tăng trưởng cao

Về kinh tế-xã hội, Chính phủ đã có báo cáo, Thủ tướng nhấn mạnh thêm một số điểm.

Theo đó, trong bối cảnh rất khó khăn của thế giới, nhiều nước, khu vực đều dự báo tăng trưởng kinh tế thấp hơn so với năm ngoái và so với đầu năm; nhưng Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng GDP cao hơn so với dự kiến ban đầu, phấn đấu đạt từ 8% trong năm 2025 và đạt 2 con số trong những năm tới.

Như vậy, chúng ta đi ngược xu thế thế giới về mục tiêu tăng trưởng, phải làm thế nào để hiệu quả và thành công, Thủ tướng đặt vấn đề và cho biết, chúng ta đang tiến hành tích cực 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và nhân lực.

Trong đó, thể chế là điểm nghẽn của điểm nghẽn, là đột phá của đột phá, là động lực, là nguồn lực phát triển. Chúng ta quyết tâm trong năm 2025 cơ bản tháo gỡ các điểm nghẽn thể chế và từ đó biến thể chế thành lợi thế cạnh tranh. Thủ tướng đề nghị Quốc hội ủng hộ mạnh mẽ điều này.

Thứ hai, đẩy mạnh đột phá chiến lược về hạ tầng, đây hiện cũng là điểm nghẽn vì chi phí logistics chiếm từ 17-18% GDP, so với thế giới khoảng 10-11%, làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.

Thủ tướng: Thế giới giảm tăng trưởng nhưng Việt Nam phấn đấu đạt mức cao- Ảnh 2.

Thủ tướng nhấn mạnh các giải pháp để đạt tăng trưởng cao - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng cho biết đang tập trung phát triển hạ tầng chiến lược, nhất là cả 5 phương thức giao thông.

Trong đó, về đường bộ, hoàn thành ít nhất 3.000 km cao tốc và 1.000 km đường ven biển trong năm nay. Về đường sắt, triển khai dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam, các tuyến kết nối với Trung Quốc, từ đó mở ra kết nối quốc tế với Trung Á, châu Âu, các tuyến đường sắt đô thị, nâng cấp đường sắt hiện có.

Về đường thủy nội địa, tập trung phát triển tại ĐBSCL là nơi có lợi thế về lĩnh vực này. Về hàng không, xây dựng, mở rộng, nâng cấp các sân bay mang tính chiến lược có thể đón các máy bay lớn nhất, phát triển đội bay, phát triển nhiều hãng hàng không để tạo cạnh tranh có lợi cho người dân. Về đường biển, xây dựng các cảng biển lớn như Lạch Huyện, Cái Mép-Thị Vải, Cần Giờ, Hòn Khoai… có thể tiếp nhận tàu lớn.

Đồng thời, phát triển đồng bộ hạ tầng y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao, xã hội…, hạ tầng chuyển đổi số, hạ tầng khoa học công nghệ, hạ tầng ứng phó biến đổi khí hậu…

Thứ ba, trong đột phá nhân lực, Thủ tướng cho biết chuyển từ đào tạo kiến thức là chính sang đào tạo cả kỹ năng toàn diện, đào tạo nhân lực đẳng cấp quốc tế, đáp ứng yêu cầu hội nhập, từ đó tăng năng suất lao động.

Cùng với 3 đột phá chiến lược, chúng ta đang quyết liệt triển khai bộ tứ trụ cột theo các Nghị quyết của Bộ Chính trị: (1) Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; (2) Nghị quyết 59-NQ/TW về hội nhập quốc tế trong tình hình mới; (3) Nghị quyết 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thực thi pháp luật; (4) Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân.

Vừa qua, chúng ta đã làm rất tích cực các trụ cột này, trong vòng mấy tháng đã hoàn thành việc xây dựng, trình ban hành các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ để triển khai, góp phần thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững.

Thủ tướng cũng cho biết, chúng ta quyết liệt làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống gồm đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng, Trong đó, chính sách tài khóa phải giảm thuế, phí, lệ phí cho doanh nghiệp, người dân, đồng thời thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, tăng cường tiết kiệm chi thường xuyên để tăng chi cho đầu tư phát triển; về chính sách tiền tệ thì nỗ lực giảm lãi suất, tăng khả năng tiếp cận vốn, khoanh nợ, giãn, hoãn nợ….

Thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm và chuỗi cung ứng, giảm chi phí đầu vào, chi phí tuân thủ, cắt giảm tối đa thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp. Việt Nam cũng sẵn sàng lắng nghe, đối thoại để giải quyết các vấn đề quan tâm của các đối tác trên tinh thần các bên cùng có lợi, lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, trong đó tiếp tục đàm phán với Hoa Kỳ về thuế quan và thương mại.

Cùng với đó, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới như khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ… Các động lực này được tạo động lực, truyền cảm hứng từ các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương phải tích cực, chủ động thực hiện.

"Trong điều kiện khó khăn, các nước đều hạ tăng trưởng nhưng chúng ta lại dám đi ngược lại. Trong điều kiện đặc biệt phải có giải pháp đặc biệt, các ngành các cấp phải đoàn kết, đồng lòng để làm, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó, làm việc nào ra việc đó, nhìn xa trông rộng, nghĩ sâu làm lớn, phân công công việc 6 rõ "rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm, rõ thẩm quyền". Chỉ có như vậy mới đạt được mục tiêu đề ra về tăng trưởng, về 2 mục tiêu 100 năm", Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng: Thế giới giảm tăng trưởng nhưng Việt Nam phấn đấu đạt mức cao- Ảnh 3.

Thủ tướng Phạm Minh Chính, đại biểu Quốc hội đoàn Cần Thơ đánh giá cao các ý kiến phát biểu chất lượng của các đại biểu, cho thấy nắm rất chắc tình hình, phản ánh đầy đủ ý kiến cử tri và đề xuất các giải pháp - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Xây dựng quy hoạch, tiêu chuẩn, người dân, doanh nghiệp cứ thế làm

Về tinh gọn bộ máy, sắp xếp địa giới hành chính các cấp và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, Thủ tướng cho rằng việc này sẽ giúp giảm khâu trung gian, giảm thủ tục hành chính; mở rộng không gian phát triển, kết nối thuận lợi hơn.

Tuy nhiên, Thủ tướng nhấn mạnh điểm quan trọng nhất là chuyển trạng thái bộ máy từ thụ động tiếp nhận, xử lý yêu cầu của người dân và doanh nghiệp sang chủ động, tích cực phục vụ người dân và doanh nghiệp. Muốn làm được, thì cấp ủy, chính quyền, cả hệ thống chính trị và người dân phải tích cực tham gia.

Thủ tướng cho biết những năm qua, Chính phủ, các cơ quan đã tích cực xây dựng các quy hoạch; thời gian qua đã đẩy mạnh cắt giảm thủ tục hành chính, theo hướng xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, các điều kiện cần thiết khác rồi công bố công khai, người dân, doanh nghiệp cứ thế làm theo quy hoạch, quy chuẩn, tiêu chuẩn, điều kiện, làm những gì luật pháp không cấm; còn chính quyền thay vì phải tiền kiểm, cấp phép thì tăng cường hậu kiểm, kiểm tra, giám sát.

Thủ tướng cũng cho rằng phải xây dựng cơ sở dữ liệu trên các lĩnh vực về đất đai, dân cư, hôn nhân, nhà ở, học sinh, bệnh nhân… để làm thủ tục nhanh chóng, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính.

"Chờ xong rừng thủ tục thì cơ hội đi mất"

Một vấn đề hết sức quan trọng khác được Thủ tướng đề cập là đẩy mạnh phân cấp phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, tăng cường năng lực thực thi và tăng cường kiểm tra, giám sát.

Thủ tướng đặt vấn đề: "Phân cấp phân quyền mà không phân bổ nguồn lực, cái gì cũng phải đi xin thì không làm được, sẽ gây ra nhiều thủ tục hành chính". Nhất là có những việc đương nhiên phải làm, đưa ra không ai có ý kiến phản đối nhưng vẫn phải làm thủ tục.

Từ đó, Thủ tướng chỉ ra một vấn đề hiện nay chưa được đánh giá hết, đó là tình trạng lãng phí cơ hội và thời gian. Theo Thủ tướng, cơ hội đến và đi rất nhanh, nhưng cứ "chờ đợi xử lý cả rừng thủ tục thì cơ hội đi mất rồi".

Vì vậy, việc phân cấp phân quyền trên tinh thần chủ động phục vụ nhân dân, doanh nghiệp; những việc đột xuất bất ngờ mang đến cơ hội thì cần tập trung giải quyết nhanh, chứ không thể chờ thủ tục hành chính. Thủ tướng đề nghị Quốc hội phân cấp, phân quyền cho Chính phủ, Chính phủ phân cấp, phân quyền cho bộ, ngành, địa phương.

Cùng với phân cấp, phân quyền cho địa phương, các bộ ngành, cơ quan ở Trung ương giữ vai trò kiến tạo, không làm công việc cụ thể mà tập trung thực hiện 6 nhóm nhiệm vụ quản lý nhà nước: (1) xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch; (2) xây dựng thể chế, pháp luật để quản lý và kiến tạo phát triển; (3) xây dựng cơ chế, chính sách huy động nguồn lực để phát triển ngành, lĩnh vực nhanh, bền vững; (4) thiết kế công cụ để kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực; (5) đánh giá, tổng kết thực tiễn, đúc rút kinh nghiệm, xây dựng lý luận, nhân rộng các mô hình hay, cách làm tốt và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc; (6) thực hiện công tác thi đua khen thưởng, xử lý kỷ luật kịp thời, chính xác, công bằng, hợp lý, hiệu quả.

Chuyển trạng thái phục vụ nhân dân trong y tế, giáo dục

Thủ tướng cũng dành nhiều thời gian đề cập lĩnh vực giáo dục và y tế trong triển khai chính quyền địa phương 2 cấp.

Nhấn mạnh con người là trung tâm, chủ thể, Thủ tướng cho biết theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, hiện Chính phủ đang xây dựng 2 dự thảo Nghị quyết để trình Bộ Chính trị về hiện đại hóa, đột phá phát triển giáo dục và đào tạo và về đột phá trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.

Trong lĩnh vực y tế, Thủ tướng cho hay việc chuyển đổi trạng thái rất quan trọng là từ thụ động đón nhận, phục vụ nhân dân trong khám chữa bệnh sang chủ động phục vụ, chăm sóc, bảo vệ tính mạng, sức khỏe nhân dân, trong đó có khám chữa bệnh. Từ mục tiêu đó, sẽ tính ra nhiệm vụ, giải pháp, từ nhiệm vụ, giải pháp tính ra tổ chức, từ tổ chức tính ra con người, bảo đảm hợp lý, hiệu quả. Trong đó, phải phát triển các cơ sở y tế, nhất là củng cố y tế dự phòng, y tế cơ sở - những nơi gần dân nhất, sát dân nhất.

Tương tự như vậy, phải chuyển trạng thái trong ngành giáo dục từ truyền đạt kiến thức là chủ yếu sang đào tạo cả kỹ năng, phát triển con người toàn diện.

Thủ tướng cho rằng giáo dục phải tập trung nâng cao chất lượng dạy và học, trong đó có các vấn đề học liệu, cơ sở vật chất, phương pháp giảng dạy. Cùng với đó, có cơ chế, chính sách khuyến khích xã hội hóa, nhất là bậc đại học, đồng thời chăm lo giáo dục phổ thông, miễn học phí cho học sinh trường công và hỗ trợ học phí học sinh trường tư.

Đặc biệt, cần bảo đảm tiếp cận giáo dục bình đẳng cho vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và các đối tượng yếu thế; muốn vậy phải có trường, lớp, đặc biệt là phải tập trung xây dựng các trường nội trú, bán trú. "Còn không nếu trường xa nhà thì các cháu rất khó đi học, lại không có cơm trưa thì làm sao các cháu chịu được", Thủ tướng phát biểu.

Cùng với đó, cần triển khai dạy học 2 buổi mỗi ngày không thu phí, buổi học thứ hai tập trung đào tạo kỹ năng sống, văn hóa, thể thao, nghệ thuật… "Phải có cách tiếp cận tổng thể như thế thì mới giải quyết được các bài toán liên quan tới con người", Thủ tướng nêu rõ.

Liên quan vấn đề tài chính vi mô, Thủ tướng cho biết đã giao nhiệm vụ cho Thống đốc Ngân hàng Nhà nước kiêm Chủ tịch Ngân hàng Chính sách xã hội, làm sao bảo đảm tiếp cận bình đẳng, xử lý được khi triển khai chính quyền 2 cấp. Tinh thần là triển khai chính quyền 2 cấp nhưng không để gián đoạn các nhiệm vụ, nhất là các nhiệm vụ trọng tâm phục vụ con người, phục vụ sản xuất kinh doanh, phục vụ tăng trưởng.

Chấp nhận "đau đớn" để giải quyết các dự án tồn đọng

Liên quan vấn đề tiết kiệm, chống lãng phí, Thủ tướng cho rằng chúng ta đã "bắt đúng bệnh", Tổng Bí thư đã có bài viết quan trọng, các cơ quan đang tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế để tổ chức thực hiện.

Chính phủ đã báo cáo Quốc hội về tình trạng lãng phí liên quan các dự án tồn đọng, kéo dài nhiều năm, nhiều nhiệm kỳ, cũng như lãng phí liên quan các chính sách không phù hợp như lĩnh vực điện gió, điện mặt trời.

Thủ tướng cho biết theo thống kê từ các địa phương, cả nước có khoảng 2.200 dự án đang tồn đọng. Nếu tháo gỡ được có thể giải phóng được khoảng hơn 230 tỷ USD, tương đương khoảng 50% GDP cả nước. Để có thể giải phóng nguồn lực ở các dự án tồn đọng, Chính phủ đang tiếp tục xây dựng các cơ chế chính sách trình các cấp có thẩm quyền để xử lý.

Riêng về điện gió, điện mặt trời, vừa qua phải xử lý một loạt dự án thông qua Nghị quyết 133. Nguyên nhân xuất phát từ chính sách không tốt, dẫn đến tiêu cực, ồ ạt xây dựng các dự án không đúng quy hoạch, không đúng thủ tục…

Người đứng đầu Chính phủ khẳng định quan điểm là không hợp thức hóa sai phạm nhưng cần tìm giải pháp để xử lý. Như xử lý về mặt tổ chức, con người, xử lý về mặt thể chế, tháo gỡ pháp lý, tháo gỡ cách thức thực hiện. "Tình hình thay đổi, thì nhiệm vụ phải thay đổi, cơ chế chính sách phải thay đổi", Thủ tướng nói.

Đáng chú ý, Thủ tướng cho rằng, cần phải chấp nhận đây như "căn bệnh", mà đã có bệnh thì phải chữa, song chữa thì phải đúng. "Chữa bệnh, một là phải mổ xẻ thì phải đau đớn, chịu mất máu, hai là chữa lâm sàng, uống thuốc cũng vẫn phải mất tiền. Tóm lại, nếu khắc phục hậu quả không thể nào đòi hỏi thu về 100%, cần phải chấp nhận mất mát, chấp nhận đau đớn, chấp nhận những cái phải cắt bỏ", Thủ tướng nêu quan điểm. Điều quan trọng là khi cắt bỏ những đau đớn này sẽ cho chúng ta những bài học mới, cho chúng ta kinh nghiệm mới để tránh lặp lại trong tương lai.

"Giải quyết dứt điểm các dự án tồn đọng là việc không thể không làm. Phải chấp nhận sự mất mát nào đó, coi đó là học phí. Từ đó đưa ra cơ chế chính sách, quyết tâm giải quyết và giải quyết dứt điểm", Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cho rằng đất đai lâm trường, nông trường cũng là vấn đề nhức nhối. Trước đây, việc quản lý, thành lập nông lâm trường rất cần thiết trong quá trình phát triển, nhưng khi tiến hành lại buông lỏng quản lý, không có chính sách kịp thời, linh hoạt và hiệu quả.

Vì thế, bây giờ phải đi giải quyết hậu quả cả pháp lý và thực tiễn, làm sao khắc phục tối ưu nhất, nếu không chấp nhận đau đớn, mất mất thì không giải quyết dứt điểm được.

Về xử lý các trụ sở sau tinh gọn bộ máy, sắp xếp địa giới, Thủ tướng cho biết đã giao Bộ Tài chính hướng dẫn, nhưng quan trọng nhất là cấp ủy, chính quyền địa phương, để không lãng phí thì có nhiều cách làm, phải vận dụng sáng tạo trong điều kiện cụ thể tại địa phương, cơ quan, đơn vị, miễn là không tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, còn luật pháp không bao giờ bao phủ được hết các góc cạnh của cuộc sống.

Thủ tướng cũng dành nhiều thời gian phát biểu về các giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển hạ tầng thủy lợi, hạ tầng giao thông tại ĐBSCL theo lộ trình, như thực hiện mục tiêu tới năm 2030 có 1.200 km cao tốc, đồng thời xây dựng, mở rộng sân bay Cà Mau, Phú Quốc, Kiên Giang, Cần Thơ, cảng Cái Cui, cảng Trần Đề, cảng Hòn Khoai…

Liên quan chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt nhiều giải pháp, Thủ tướng cho rằng điều rất quan trọng là cấp ủy, chính quyền, MTTQ phải vào cuộc để tuyên truyền, vận động, kêu gọi, giúp họ nhận thức rõ lợi ích của mỗi người và lợi ích chung, lợi ích quốc gia, dân tộc từ việc tuân thủ quy định, từ đó nâng cao ý thức chấp hành, tuân thủ, tham gia của người dân; đồng thời cấp ủy, chính quyền phải nỗ lực tạo công ăn, việc làm, sinh kế cho người dân, đẩy mạnh nuôi trồng thay đánh bắt… Nếu tất cả các chủ thể liên quan đều có tinh thần trách nhiệm cao, chủ động, quyết liệt thì chúng ta khắc phục được ngay.

Hà Văn


Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/thu-tuong-the-gioi-giam-tang-truong-nhung-viet-nam-phan-dau-dat-muc-cao-a215579.html