Dũng cảm cắt bỏ điểm nghẽn trong Luật Đầu tư

(Chinhphu.vn) - Trong nỗ lực bền bỉ cải thiện môi trường kinh doanh, Việt Nam đã ban hành hàng loạt chính sách, tổ chức nhiều diễn đàn đối thoại và thiết lập các kênh hỗ trợ nhà đầu tư. Tuy nhiên, không ít nhà đầu tư – cả trong và ngoài nước – vẫn ngần ngại do các ràng buộc, điểm nghẽn thể chế, trong đó có những vướng mắc trong Luật Đầu tư.

Dũng cảm cắt bỏ điểm nghẽn trong Luật Đầu tư- Ảnh 1.

Chính phủ đã trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV một luật sửa nhiều luật trong lĩnh vực đầu tư, tài chính, ngân sách, trong đó có Luật Đầu tư - Ảnh: Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 5/2025

Với tinh thần "dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới sáng tạo, dám đột phá vì lợi ích chung" mà Đảng, Nhà nước kêu gọi, phải chăng đã đến lúc chúng ta nên dũng cảm nhìn lại: liệu Luật Đầu tư có còn cần thiết hay không, hay ít nhất cũng cần sửa đổi một cách căn bản luật này?

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khẳng định quyết tâm cơ bản tháo gỡ các điểm nghẽn thể chế ngay trong năm 2025. Ông cũng nêu định hướng quan trọng trong công tác quản lý nhà nước: Cơ quan quản lý xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, các điều kiện cần thiết khác rồi công bố công khai để người dân, doanh nghiệp cứ thế thực hiện quy hoạch, quy chuẩn, tiêu chuẩn, điều kiện, làm những gì luật pháp không cấm; còn chính quyền thay vì phải tiền kiểm, cấp phép thì tăng cường hậu kiểm, kiểm tra, giám sát.

Hiện, Chính phủ đã trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV một luật sửa nhiều luật trong lĩnh vực đầu tư, tài chính, ngân sách, trong đó có Luật Đầu tư.

Một đạo luật "ôm đồm" và nhiều xung đột

Trên danh nghĩa, Luật Đầu tư nhằm tạo hành lang pháp lý để khuyến khích đầu tư. Nhưng trên thực tế, do nhiều nguyên nhân khác nhau, mà nhiều khả năng nhất là do tư duy pháp lý, cách tiếp cận và cách thiết kế chính sách không phù hợp thực tiễn, nó lại đang can thiệp quá sâu vào hàng chục lĩnh vực vốn đã có luật chuyên ngành riêng – từ Luật Đất đai (2024), Luật Xây dựng (2014, sửa đổi 2020), Luật Điện lực (2004), Luật Bảo vệ môi trường (2020) đến cả Luật Giao thông đường bộ, Luật Du lịch… Sự can thiệp chồng chéo này dẫn đến xung đột pháp lý phổ biến.

Một ví dụ điển hình là: theo Luật Đầu tư, dự án đầu tư xây dựng khu công nghiệp cần được chấp thuận chủ trương đầu tư của UBND tỉnh. Nhưng theo Luật Xây dựng, việc cấp phép xây dựng phải dựa trên quy hoạch và thiết kế đã được thẩm định. Trong khi đó, theo Luật Bảo vệ môi trường, muốn lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, nhà đầu tư lại cần thông tin từ quy hoạch chi tiết – thứ chưa có nếu chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư. Vòng xoáy này khiến quy trình kéo dài hàng năm và có thể sinh ra cơ chế xin–cho để rút ngắn thời gian.

Tình trạng tương tự cũng xảy ra với các dự án điện tái tạo. Trong khi Luật Điện lực và các quy hoạch ngành cho phép triển khai dự án điện mặt trời, thì theo Luật Đầu tư, địa phương vẫn phải xin ý kiến chấp thuận chủ trương của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (nay là Bộ Tài chính) nếu công suất vượt 50 MW – làm trì hoãn hàng chục dự án, nhất là tại miền Trung và Tây Nguyên trong giai đoạn 2020–2022.

Không dừng lại ở đó, danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện (ban hành theo Phụ lục IV của Luật Đầu tư) hiện vẫn duy trì hơn 200 ngành nghề, trong đó có nhiều lĩnh vực đáng lưu ý như: kinh doanh dịch vụ tư vấn du học, dịch vụ giám định thương tật – những lĩnh vực mà tại nhiều nước đã hoàn toàn được tự do hóa. Ngoài ra, một số hoạt động trong lĩnh vực logistics, như dịch vụ vận tải đa phương thức quốc tế, cũng thuộc diện kinh doanh có điều kiện. Việc liệt kê tùy tiện này đã hợp pháp hóa cơ chế kiểm soát hành chính vào những ngành không thực sự cần kiểm soát, tạo ra cơ hội nhũng nhiễu, gây cản trở cạnh tranh.

Hệ quả là cả nhà đầu tư lẫn cơ quan quản lý đều rơi vào trạng thái "mơ hồ pháp lý": không biết phải theo luật nào là chính.

Trong khi đó, khái niệm "dự án đầu tư" trong luật hiện hành đang bị hiểu quá rộng. Chỉ cần lập một bản đề xuất, chưa cần vốn, chưa cần cam kết năng lực, một chủ đầu tư có thể tiếp cận được đất công. Điều này mở đường cho tình trạng "tay không bắt đất", đầu cơ trục lợi và làm méo mó thị trường bất động sản.

Cơ chế ưu đãi đầu tư cũng không được thiết kế theo hướng tự động và minh bạch. Việc "có hay không có ưu đãi" phụ thuộc phần lớn vào sự phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền.

Trong nền kinh tế thị trường hiện đại, đầu tư là quyền, không phải là đặc ân. Doanh nhân không nên phải "xin được đầu tư" – họ chỉ cần tuân thủ pháp luật và cạnh tranh sòng phẳng.

Chừng nào quyền tự do đầu tư còn bị ràng buộc bởi những tầng thủ tục vô hình, chừng đó những dòng vốn cần cho tăng trưởng – nhất là trong bối cảnh nguồn lực quốc gia còn hạn hẹp – sẽ tiếp tục bị nghẽn.

Dũng cảm cắt bỏ điểm nghẽn trong Luật Đầu tư- Ảnh 2.

Tất cả các chính sách khuyến khích đầu tư – từ thuế, đất đai đến hạ tầng – phải được luật hóa cụ thể

Thế giới không cần Luật Đầu tư – vì luật pháp của họ đủ rõ ràng

Ở các quốc gia phát triển như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức hay Anh, không tồn tại một đạo luật đầu tư tổng hợp. Nhà đầu tư chỉ cần tuân thủ pháp luật – họ không cần phải đi "xin đầu tư".

Ưu đãi đầu tư – nếu có – được quy định sẵn trong luật thuế, luật đất đai hoặc các chính sách đổi mới sáng tạo. Những gì không bị cấm thì được làm – nguyên tắc này không chỉ là lý thuyết mà đã được luật hóa và thực thi hiệu quả.

Cùng với việc sửa đổi trước mắt, thì việc bãi bỏ Luật Đầu tư như một đạo luật riêng biệt nên được xem xét như một lựa chọn nghiêm túc và chiến lược.

Để thay thế, Việt Nam cần một khuôn khổ thể chế mới với những nguyên tắc cốt lõi sau đây:

1. Trả lại sự rõ ràng và rành mạch cho hệ thống pháp luật chuyên ngành: Luật Đất đai, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế, Luật Xây dựng và các luật chuyên ngành khác phải được tái cấu trúc theo hướng minh bạch, ổn định và nhất quán – để nhà đầu tư chỉ cần tuân thủ pháp luật mà không phải "xin" ai cả. Pháp luật phải là bản đồ tin cậy.

2. Tất cả các chính sách khuyến khích đầu tư – từ thuế, đất đai đến hạ tầng – phải được luật hóa cụ thể, có điều kiện rõ ràng và áp dụng một cách minh bạch, nhất quán, thống nhất. Không ai phải đi gõ cửa để xin những gì pháp luật đã quy định.

3. Chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm – nền tảng của một thể chế tin tưởng và có trách nhiệm: Khi nhà đầu tư tuân thủ đầy đủ quy định pháp luật, hãy để họ triển khai dự án ngay mà không bị chặn lại bởi những cửa ải thủ tục hành chính hình thức. Trọng tâm của quản lý nhà nước phải chuyển sang hậu kiểm hiệu quả, đảm bảo công bằng và phòng ngừa rủi ro thực sự, thay vì kiểm soát hình thức ngay từ đầu.

4. Thiết lập cơ chế sàng lọc tinh gọn và có mục tiêu, chỉ giới hạn trong lĩnh vực đặc biệt nhạy cảm: Những lĩnh vực liên quan đến an ninh quốc phòng, công nghệ lưỡng dụng, cơ sở hạ tầng chiến lược – hoàn toàn có thể và nên được kiểm soát nghiêm ngặt. Nhưng phần lớn các ngành nghề khác phải được mở cửa tối đa, như cách Mỹ, EU, Úc và nhiều nền kinh tế năng động khác đang áp dụng.

Nghị quyết số 66/NQ-CP (Ngày 26/3/2025) của Chính phủ đề ra mục tiêu: Bãi bỏ ít nhất 30% điều kiện kinh doanh không cần thiết; Giảm ít nhất 30% thời gian giải quyết thủ tục hành chính; Cắt giảm 30% chi phí tuân thủ thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.

Nếu bãi bỏ Luật đầu tư, theo ước tính sơ bộ, hiệu quả sẽ như sau: Cắt giảm 15–20% thời gian triển khai dự án nhờ loại bỏ thủ tục chủ trương đầu tư; giảm 5–7% thủ tục giấy phép con bằng việc tinh giản danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện; cắt giảm 5–10% gánh nặng hành chính cho các nhà đầu tư nước ngoài thông qua hợp nhất quy trình đầu tư và đăng ký doanh nghiệp.

Tổng cộng, việc bãi bỏ Luật Đầu tư có thể giúp đạt được từ 20–25% chỉ tiêu cắt giảm thủ tục hành chính – gần hoàn thành mục tiêu cải cách của Nghị quyết 66/NQ-CP.

Dũng cảm cắt bỏ điểm nghẽn trong Luật Đầu tư- Ảnh 3.

Trong một thể chế pháp quyền hiện đại, đầu tư không cần được "cho phép" bằng một đạo luật riêng, mà chỉ cần một hệ thống pháp luật rõ ràng, minh bạch và thống nhất.

Nếu không có Luật Đầu tư, dự án sẽ khởi động ra sao?

Một lo ngại thường gặp là: nếu bãi bỏ Luật Đầu tư, nhà đầu tư – đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài – sẽ bắt đầu dự án như thế nào? Thực tế, trong một thể chế pháp quyền hiện đại, đầu tư không cần được "cho phép" bằng một đạo luật riêng, mà chỉ cần một hệ thống pháp luật rõ ràng, minh bạch và thống nhất.

Với nhà đầu tư trong nước, quy trình đầu tư sẽ trở nên gọn nhẹ hơn: chỉ cần thành lập doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp, thực hiện các thủ tục chuyên ngành như thuê đất, xin phép xây dựng, đánh giá tác động môi trường… tùy theo tính chất dự án. Không còn thủ tục "chủ trương đầu tư" hay "giấy chứng nhận đầu tư" rườm rà như hiện nay.

Đối với nhà đầu tư nước ngoài, Việt Nam có thể áp dụng mô hình sàng lọc có chọn lọc như nhiều nước phát triển đang thực hiện: chỉ các dự án vào lĩnh vực nhạy cảm (quốc phòng, dữ liệu cá nhân, hạ tầng chiến lược...) mới cần thẩm tra. Các nhà đầu tư còn lại được tiếp cận thị trường như doanh nghiệp trong nước, thông qua thủ tục thành lập doanh nghiệp và triển khai theo các luật chuyên ngành.

Ưu đãi đầu tư sẽ được tích hợp vào các luật thuế, đất đai, đổi mới sáng tạo, và tự động áp dụng nếu đủ điều kiện, thay vì phải xin như hiện nay.

Tóm lại, bỏ Luật Đầu tư không có nghĩa là buông lỏng quản lý, mà là chuyển sang quản lý bằng hậu kiểm, với cơ sở pháp lý đầy đủ, thống nhất và minh bạch – đúng với chuẩn mực của một nền kinh tế thị trường hiện đại.

Xử lý ngành nghề cấm và có điều kiện như thế nào nếu bỏ Luật Đầu tư?

Câu hỏi đặt ra là: nếu không có Luật Đầu tư, ai sẽ quy định những ngành bị cấm hoặc có điều kiện? Câu trả lời rất rõ: có thể xử lý gọn gàng trong hệ thống pháp luật hiện hành.

Danh mục ngành nghề bị cấm kinh doanh có thể được tích hợp vào Luật Doanh nghiệp, như một phần giới hạn của quyền tự do kinh doanh – đúng với chức năng của đạo luật khung.

Các ngành nghề có điều kiện kinh doanh sẽ được xử lý theo ba hướng: Ngành thực sự cần kiểm soát (như xăng dầu, an ninh, tài chính…) sẽ được quy định rõ trong luật chuyên ngành; ngành không còn hợp lý (như tư vấn du học, giám định thương tật…) sẽ được loại bỏ khỏi danh mục; nếu cần một danh mục thống kê chung, có thể ban hành kèm theo Luật Doanh nghiệp hoặc dưới dạng nghị quyết của Quốc hội, nhưng với phạm vi tinh gọn và minh bạch hơn hiện nay.

Quản lý chuyển từ cơ chế "xin phép trước" sang hậu kiểm thông minh bằng thanh tra chuyên ngành. Đây là mô hình nhiều nước áp dụng thành công – vừa bảo đảm trật tự công, vừa khuyến khích đổi mới và giảm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp.

Gỡ rào cản để mở đường cho một Việt Nam tự tin vươn mình

Việt Nam đang đứng trước khát vọng phát triển: trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045. Nhưng khát vọng ấy không thể dựa vào một thể chế còn níu giữ tư duy xin – cho. Chúng ta cần bước cải cách để thiết lập một môi trường pháp lý minh bạch, cạnh tranh và đầy tin cậy – nơi mọi nhà đầu tư tử tế đều có cơ hội phát triển, làm giàu.

Nghị quyết số 66-NQ/TW ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị đã xác định rõ việc xóa bỏ cơ chế "xin – cho" là một trong những trọng tâm cải cách thể chế nhằm thúc đẩy phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới. Một quốc gia mạnh là quốc gia có thể khơi dậy và giải phóng được tất cả nguồn lực đang bị trói buộc trong từng mảnh đất, khung trời, cửa biển và trong bàn tay, khối óc của mỗi người.

TS. Nguyễn Sĩ Dũng

Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Có phải đổi chứng nhận đầu tư theo Luật Đầu tư mới?Có phải đổi chứng nhận đầu tư theo Luật Đầu tư mới?
Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Dự án từ nguồn vốn của DN có áp dụng theo Luật Đầu tư?Dự án từ nguồn vốn của DN có áp dụng theo Luật Đầu tư?
Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Thông qua Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công-tưThông qua Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công-tư

Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/dung-cam-cat-bo-diem-nghen-trong-luat-dau-tu-a215693.html